Học gì từ đại dịch?

Thứ Năm, 04/03/2021, 09:57
Tết Tân sửu kém vui hơn bởi những diễn biến khá phức tạp của dịch COVID - 19, đặc biệt là đối với tỉnh Hải Dương, một tỉnh quan trọng phía Bắc với nhiều cửa ngõ liên thông đến các tỉnh, thành khác.


Một trong những điều kém vui nhất với Hải Dương chính là câu chuyện về nông sản, với nỗi lo âu rất lớn của bà con nông dân khi nông sản đã tới thời điểm thu hoạch mà khả năng thông thương gần như là không có.

Rồi bà con cũng ấm lòng hơn khi bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều các chiến dịch giải cứu nông sản từ cộng đồng. Rau, củ, quả Hải Dương không chỉ đổ về các đô thị lân cận như Hải Phòng, Hà Nội mà thậm chí còn đến cả những nơi xa hơn nữa, nhờ vào sức mạnh lan toả của tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng". 

Vẫn biết rằng các đợt giải cứu ấy chỉ là nhất thời và chưa thể giải toả hết được nông sản tồn đọng ở Hải Dương nhưng chắc chắn nó đủ sức làm ấm lòng bà con ở vùng dịch và hơn nữa, để bà con ở nhiều địa phương khác tin rằng trong hoạn nạn, người Việt vẫn luôn hướng về đồng bào với tình cảm sẻ chia ấm áp.

Nhưng, cũng chính từ đợt giải cứu nông sản Hải Dương vừa rồi, chúng ta có nhiều điều cần phải suy ngẫm hơn về sự ứng biến của chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành có liên quan. Phải nói thẳng, dịch xảy ra là điều không ai tiên liệu được. Song, khi một biến cố lớn như thế diễn ra, chính quyền địa phương rõ ràng đã thiếu một kịch bản hành động để đối phó với rủi ro và khó khăn tiềm tàng.

Thực tế, kể từ khi COVID-19 bùng phát từ cuối 2019, đầu 2020, rõ ràng nhất chỉ có số ít các ngành như y tế, quân đội, công an, giao thông... là có sẵn các kịch bản đối phó với tình huống xấu nhất mà thôi. Nhiều ngành khác chưa hề có một kịch bản cụ thể và do đó, luôn để tình trạng bị động xảy ra. 

Nếu như ngành nông nghiệp, thương mại cũng có các kịch bản tốt trước mọi biến cố có thể của đại dịch, liệu có tồn tại tình trạng ứ đọng nông sản như ở Hải Dương vừa qua hay không? 

Thế nên, càng phải nói rằng, công tác phòng dịch, chống dịch không chỉ là câu chuyện của y tế, dịch tễ đơn thuần mà nó là bức tranh lớn tổng thể mà tất cả các ngành đều phải có kịch bản riêng cho mình để duy trì một xã hội vận hành ổn định.

Bây giờ, khi các tín hiệu đáng mừng đã trở lại, với số ca lây nhiễm mới không còn, số lượng vaccine chuẩn bị được đưa vào cộng đồng ngày một nhiều hơn, chúng ta có thể tin rằng đến một ngày không xa, Việt Nam sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với COVID-19. 

Nhưng chúng ta không thể đảm bảo rằng tương lai không có một đợt dịch bệnh nào khác sẽ xảy ra. Chính vì thế, ngay từ trong giai đoạn cuối của dịch COVID-19 này, những bài học lớn cần phải được mổ xẻ để tích luỹ thêm một kinh nghiệm ứng phó với các biến cố lớn của xã hội.

Và bài học ấy cần phải được học một cách nghiêm túc bởi rất nhiều ngành nghề khác nhau. Đừng vội suy nghĩ kiểu dịch bệnh là việc của ngành y, học hành là việc của ngành giáo dục... Mỗi ngành, nghề trong xã hội tồn tại được vì nó có sự tương tác với nhiều ngành, nghề khác và bởi thế, xã hội mới vận động. 

Trong cả một môi trường chung với nhiều liên hệ qua lại như thế, trách nhiệm riêng của mỗi ngành nghề, địa phương là phải luôn có kịch bản ứng phó sẵn sàng, bởi chính họ mới là chỗ dựa, là điểm tựa của người dân mỗi khi nguy khó.

Văn Đoàn
.
.
.