Hỗ trợ trẻ em Việt kiều nghèo di cư từ Campuchia về nước đến trường

Thứ Ba, 23/08/2016, 10:45
Ngày 23-8, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, có 78 trẻ em Việt kiều di cư từ Campuchia về tỉnh được hỗ trợ đến trường trong năm học mới này.

Trong đó, có 16 em độ tuổi từ 6 đến 14, đã sinh sống nhiều năm tại khu vực xung quanh chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản mà người dân sở tại quen gọi là “dân xóm nghèo”, sẽ được sắp xếp học tại Trường Tiểu học Minh Tâm và điểm trường định canh định cư (thuộc Trường Tiểu học Minh Tâm) để tiện đến lớp. Các em này đều sinh ra ở Campuchia sau đó theo cha mẹ về Việt Nam sinh sống và đều không có giấy khai sinh.

Các trẻ em “dân xóm nghèo” sinh sống khu vực xung quanh chân cầu Sài Gòn thuộc  xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã được đến trường học tập.

Ông Hùng nói: “Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em, nhà trường sẽ không thu bất cứ một khoản phí nào, ngoài ra đã hỗ trợ thêm về quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Trong số 16 em, có 10 em đã biết đọc biết viết bởi đã được học lớp phổ cập xóa mù chữ vào ban đêm do cô giáo hưu trí Ngô Thị Xáy (hiện thuộc Ban chấp hành Chi hội phụ nữ ấp 4, xã Minh Tâm) dạy miễn phí thời gian qua”.

Xã Minh Tâm có 21 hộ Việt kiều di cư từ Campuchia với 112 nhân khẩu. Các hộ đều sống trong những chòi tranh tre vách nứa tạm bợ, xung quanh chân cầu Sài Gòn, đều không có giấy tờ tùy thân, không có đất đai canh tác và cùng có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Các hộ mưu sinh qua ngày bằng nghề đánh bắt trên sông Sài Gòn và đi làm thuê.

Cũng theo ông Hùng, ngoài 16 em nói trên, năm học 2016 – 2017, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn bộ chi phí cho 62 em học sinh là Việt kiều di cư từ Campuchia, trong đó 25 thuộc xã Đức Hạnh, 30 em thuộc xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập) và 7 em thuộc huyện Lộc Ninh đi học. Thời gian qua, các em học sinh này đã được hỗ trợ học tại các lớp phổ cấp xóa mù chữ do các địa phương mở và tại các trường thuộc các xã biên giới của hai huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh. Các em cùng có hoàn cảnh kinh tế rất nghèo khó.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã có công văn đề nghị phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã chỉ đạo các trường trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê số trẻ em trong độ tuổi đi học là người di dân tự do từ Campuchia về tỉnh Bình Phước, lập kế hoạch vận động hết số trẻ em này đến trường đi học trong năm học 2016-2017.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để các em được nhập học ngay từ đầu năm học 2016-2017, đồng thời vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… để các em có điều kiện đến trường. 

Ngoài ra, lập danh sách và thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là người di dân tự do từ Campuchia về tỉnh Bình Phước theo các quy định (tại Điều 10, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ nay đến năm học 2020-2021.

Liên quan đến vấn đề, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề Việt kiều từ Campuchia về nước, sống rải rác ở các huyện biên giới tỉnh Bình Phước tiếp giáp Campuchia. Các hộ Việt kiều đều là những người không có giấy tờ, không tài sản, đều có hoàn cảnh nghèo khó.

Đáng chú ý đa phần người lớn mù chữ, còn trẻ em chủ yếu được sinh ra tại Campuchia, sau đó theo cha mẹ về Việt Nam nên không có giấy khai sinh, không được đến trường đi học. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp phối  hợp với địa phương để có giải pháp cụ thể hỗ trợ các hộ Việt kiều này, nhất là tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường.

ĐỨC TRÍ
.
.
.