Hiệu ứng từ chương trình bình ổn thị trường

Thứ Bảy, 01/04/2017, 08:55
Tại lễ “Tổng kết 15 năm Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 – 2017” tổ chức tối 31-3, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Bắt đầu năm 2002, có 242 điểm bán hàng bình ổn thị trường, tập trung chủ yếu ở nội thành. Đến nay, trải qua 15 năm, chương trình đã phủ kín 24 quận, huyện và có đến 10.552 điểm bán.

Chương trình góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp; góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình bình ổn thị trường bắt đầu triển khai vào dịp Tết Nguyên đán năm 2002, với số vốn 45 tỷ đồng. Khi đó, thành phố giao cho 2 doanh nghiệp (DN) Nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực thành phố thực hiện với cơ chế tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng.

Dựa trên nhu cầu của người dân, thành phố đã xác định có các nhóm mặt hàng cần bình ổn thị trường gồm: Nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu: Gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả; Nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng (cặp, túi xách, ba lô, vở, đồng phục học sinh); Nhóm các mặt hàng sữa và các nhóm dược phẩm thiết yếu.

Sản phẩm bình ổn thị trường bán trong hệ thống siêu thị.

Đồng thời, thành phố cũng chuyển từ cơ chế tạm ứng sang cho vay không lãi suất, mục đích giúp các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chủ động trong việc sản xuất, dự trữ nguồn hàng. Hoạt động này đã thu hút nhiều DN lớn, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tham gia. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, thông qua các hoạt động kết nối ngân hàng – DN, nhiều tổ chức tín dụng tham gia cung ứng nguồn vốn và DN sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, hoàn toàn không sử dụng đến ngân sách Nhà nước.

Giá bán sản phẩm trong chương trình bình ổn thị trường thấp hơn mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường 5-10%, riêng sản phẩm phục vụ mùa khai giảng thấp hơn 10-15% và giá bán các mặt hàng sữa đảm bảo hợp lý, ổn định, có khả năng dẫn dắt thị trường.

Hiệu quả của Chương trình đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá cao, mô hình được nhân rộng và hiện đã có 48 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước không sử dụng ngân sách để thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Tính đến nay, các DN trong chương trình bình ổn thị trường đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng, gồm dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị…

Bên cạnh hiệu quả đạt được, Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hạn chế đó là chúng ta chưa phủ khắp tất cả mặt hàng, sản phẩm cho người tiêu dùng, mà mới dừng lại ở một số mặt hàng chủ lực". Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn của Chương trình, bà Trang cho biết tới đây sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, nhóm giải pháp.

Cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường để định hướng sản xuất, tạo nguồn hàng; xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu các sản phẩm bình ổn thị trường; xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình; gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa; quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại…

Trong nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ, duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông; khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại và khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh hay kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối truyền thống.

Thúy Hà
.
.
.