Hiếu nghĩa, thiện tâm giữ trọn một đời

Thứ Tư, 14/08/2019, 08:21
Mùa Vu lan chỉ diễn ra vài ngày trong năm, nhưng với mỗi người chúng ta, hiếu nghĩa, thiện tâm phải giữ trọn một đời.


Từ lâu, lễ Vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm đã trở thành một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là một tập tục đẹp xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để báo hiếu cha mẹ, tổ tiên đã khuất và cầu siêu cho những cô hồn lang bạt không nơi nương tựa.

Mùa Vu lan chỉ diễn ra vài ngày trong năm, nhưng với mỗi người chúng ta, hiếu nghĩa, thiện tâm phải giữ trọn một đời.

Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ điển tích trong kinh Phật, kể về Mục Kiền Liên - một đệ tử của Đức Phật, thông thạo nhiều phép thuật, nhưng không thể một mình cứu mẹ khỏi ải địa ngục. Được Đức Phật chỉ bảo, ông đã cúng dường phẩm vật lên mười phương chúng Tăng trong ngày Tự tứ (tức ngày Rằm tháng bảy). Nhờ đó, ông đã cứu thoát được mẹ khỏi khiếp khổ ngạ quỷ và đưa mẹ về thiên giới. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ Vu lan, tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.

Đây còn là ngày cúng cô hồn theo cách gọi dân gian. Mặc dù lễ Vu lan được tổ chức đúng ngày rằm tháng 7, nhưng thực tế những hoạt động báo hiếu, tri ân thường diễn ra từ đầu tháng 7 âm lịch đến ngày rằm, thậm chí kéo dài đến cuối tháng 7, bởi vậy mới gọi là “mùa Vu lan”.

Đông đảo người dân, Phật tử tham dự lễ cầu siêu tại chùa Quán Sứ chiều 13-7 âm lịch.

Năm 1962, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết tác phẩm “Bông hồng cài áo” dành cho mẹ. Cũng từ đó, nghi thức bông hồng cài áo được diễn ra tại các nhà chùa trong ngày lễ Vu lan. Nếu người con nào may mắn còn cha mẹ, sẽ được cài trên ngực áo bông hồng đỏ. Nếu ai đó đã mất cha hoặc mẹ thì cài một bông hồng phai màu. Những ai không còn cha mẹ sẽ cài một bông hồng trắng.

Những bông hoa trên ngực như công ơn và hình ảnh mẹ cha mãi trong trái tim những người con, nhắc nhở con hãy hiếu đễ, chăm sóc cha mẹ. Ngay cả khi cha mẹ không còn nữa thì mỗi người hãy ghi nhớ ơn sinh thành dưỡng dục, giữ nếp nhà và tình cảm gia đình hòa thuận.

Không chỉ dừng ở đó, lễ Vu lan là dịp để tỏ lòng tri ân và cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn, cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình,… thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Cần loại bỏ hủ tục đốt vàng mã

Lễ Vu lan và xá tội vong nhân đến ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa, tuy nhiên, cách thức cúng lễ của không ít người dân đang có nhiều lệch lạc, biến tướng mà nổi cộm nhất chính là việc thờ cúng và đốt vàng mã tràn lan ở nhiều nơi. 

Theo lệ cũ, vào ngày lễ Vu lan, nhiều nhà đốt một ít vàng mã cho người đã khuất. Vàng mã là do các gia đình tự cắt một cách tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống.

Theo thời gian, nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng đang bị biến tướng bởi một bộ phận người dân luôn cầu những lợi ích thực dụng cho cuộc sống cá nhân. Với tâm lý “có thờ có thiêng”, “trần sao âm vậy”, không ít người mua đủ loại vàng mã với số lượng lớn, từ nhà lầu, xe hơi cho đến quần áo, điện thoại Ipad,… để đốt cho người đã mất, để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức. Điều đáng bàn là kinh tế càng khó khăn, cuộc sống càng có những điều bất như ý thì việc cúng lễ, đốt mã dịp rằm tháng bảy càng nhộn nhịp.

Sáng ngày 13-8 (ngày 13-7 âm lịch), tại cửa hàng bán vàng mã của chị Lê Thị Huyền trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), khách đến mua đồ mã rất đông để cúng rằm. Chị Huyền cho biết từ giữa tháng 6 đến rằm tháng 7 âm lịch là đợt cao điểm bán hàng. Gia đình chị có nghề làm hàng mã ở làng Cót. Năm nay, làm không đủ số lượng bán, chị phải nhập thêm hàng ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo chị Huyền, nhà nào dịp rằm tháng 7 cũng bỏ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mua vàng mã để đốt cho ông bà tổ tiên. Điều này tạo ra một trào lưu bày vẽ, khoa trương, dựa vào thần thánh, người âm để mưu lợi cá nhân, xa rời tinh thần hăng say lao động, vượt khó vươn lên để đạt tới thành công. Và từ đó, ý nghĩa của mùa Vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân ít nhiều trở nên lệch lạc, biến tướng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Nhiều người quan niệm đốt càng nhiều vàng mã thì càng có nhiều lộc. Điều này không đúng. Quan trọng là tấm lòng tri ân, là những hành động có ý nghĩa chứ không phải việc đốt vàng mã nhiều hay ít”.

Ngày 18-7, hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký thông tư số 223/TT-HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Vu lan tại các cơ sở thờ tự của Giáo hội, nơi công cộng hoặc tư gia. Trong đó đề nghị không cúng, không đốt vàng mã để không ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt chung của cộng đồng.

Theo quan sát của chúng tôi trong mùa Vu lan năm nay, hiện tượng đốt mã trong chùa đã giảm đáng kể. Những ngày này, có mặt tại một số ngôi chùa ở Hà Nội như chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chùa Cót (quận Cầu Giấy), chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì), chúng tôi nhận thấy nhà chùa tổ chức các khóa lễ cầu siêu có rất đông Phật tử tham gia, việc không đốt mã đã được thực hiện nghiêm.

Tuy nhiên, trái ngược với cảnh quan ở chùa, việc đốt vàng mã tại các gia đình vẫn diễn ra tràn lan, không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn gây ra nhiều hệ lụy về tình trạng nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ.

Vụ hỏa hoạn ra ở ngõ 6 phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đầu năm nay được xác định nguyên nhân là do người dân đốt vàng mã. Hay mới đây, một đám cháy rừng nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xuất phát từ việc người dân thắp hương, đốt vàng mã trong nghĩa trang đã khiến lửa lan đi rất nhanh…

Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội) thì đạo Phật không chủ trương việc đốt vàng mã. Do đó đã đến lúc cần loại bỏ hủ tục này.

Nhà chùa cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu đúng về ngày lễ Vu lan báo hiếu, thấy được những ảnh hưởng tiêu cực mà việc đốt vàng mã gây ra cho môi trường và đời sống xã hội. Không chỉ vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán vàng mã, khắc phục dần tình trạng đốt vàng mã tràn lan như hiện nay.

Thiết nghĩ, việc cứu giúp người nghèo khổ, chăm sóc hiếu đễ với bố mẹ, luôn sống tốt để bố mẹ vui lòng mới chính là những hành động cụ thể, thiết thực trong mùa Vu lan, là nét đẹp trong văn hóa ứng xử cần được giữ gìn và nhân rộng trong xã hội hiện nay.

Huyền Châm
.
.
.