“Hiệp sĩ” Bình Dương quyết không nản chí, không chùn bước

Thứ Hai, 14/05/2018, 16:22
Đó là khẳng định của anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội PCTP phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) với chúng tôi vào chiều 14-5, sau sự việc đau lòng khiến hai “Hiệp sĩ” TP Hồ Chí Minh tử vong.


Anh Nguyễn Thanh Hải, cho biết, Đội có 16 thành viên, cộng tác viên hoạt động truy bắt tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhận được tin hai “Hiệp sĩ” TP Hồ Chí Minh tử vong, vì đồng cảm với đồng nghiệp, chúng tôi đang quyên góp tiền để  hỗ trợ các “Hiệp sĩ” TP Hồ Chí Minh gặp nạn. Bởi lẽ, hầu hết anh em đều có hoàn cảnh khó khăn. Tại Bình Dương, nhóm “Hiệp sĩ” được sự quan tâm sâu sắc của UBND, Công an tỉnh nên hoạt động rất hiệu quả.
Anh Hải cùng đồng đội bắt nhóm cướp nguy hiểm

Hàng năm, các “Hiệp sĩ” được Công an tỉnh Bình Dương bồi dưỡng 2 lần cả về nghiệp vụ bắt cướp, võ thuật đối kháng, tự vệ khi bị đối tượng dùng hung khí nguy hiểm tấn công. Đồng thời, được tuyên truyền tính pháp lý nên trong quá trình săn bắt cướp tránh được những tình huống nguy hiểm. Từ khi thành lập đến nay, các anh em luôn làm đúng quy định của pháp luật, làm việc với cái tâm, vì sự yên bình của người dân.

“Hiệp sĩ” Bình Dương sẽ không nản chí, chùn bước mà còn quyết tâm hơn trong truy bắt, tấn công tội phạm. Trải qua chặng đường dài săn bắt cướp, tôi đã gặp nhiều tình huống suýt chết trong gang tấc. Nhiều đối tượng cướp xe máy, vận chuyển ma túy đã dùng mã tấu tấn công. Thậm chí, chúng còn dùng kim tiêm dính máu tấn công nhưng tôi đã kịp khống chế. Một lần, tôi mua đồ ăn sáng thì phát hiện một đối tượng cướp xe. Lúc đó, tôi truy đuổi vật ngã đối tượng. Tuy nhiên, do chủ quan nên tên cướp đã rút dao trong người đâm trúng lưng tôi. Dù rất đau đớn nhưng tôi vẫn quyết giữ kẻ cướp không cho chạy thoát. Khi đó, tôi phải nhập viện điều trị nhiều ngày”, anh Nguyễn Thanh Hải, nhớ lại.

Các “Hiệp sĩ” Bình Dương, sẻ chia kinh nghiệm: Trải qua nhiều năm săn bắt cướp, chúng tôi gặp rất nhiều tình huống nguy hiểm nên cũng có đúc kết được nhiều ý tưởng để có hướng xử lý tốt hơn sau này. Bắt nhiều đối tượng phạm tội nên chúng tôi có thể dễ dàng nhận định được những đối tượng khả nghi. Lường trước được tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào lúc tiếp cận tội phạm. Khi truy đuổi thường gọi các “Hiệp sĩ” trên địa bàn hỗ trợ, để vừa thông thuộc đường xá, vừa tăng thêm lực lượng truy bắt. Khi đã áp sát được đối tượng, chúng tôi phải ra tay nhanh, khóa tay, cổ chúng không để tội phạm có cơ hội tấn công lại. Đồng thời, lục soát nhanh trong người xem có hung khí nào không để thu giữ, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra.

Cũng theo Hải, các anh em phải tay không bắt đối tượng phạm tội nên có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Nhờ sự quan tâm của chính quyền và Công an địa phương, các “Hiệp sĩ” được tham gia vào các lực lượng dân phố, dân phòng trên địa bàn nên có thể sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định, nhằm hạn chế thấp nhất thương vong trong quá trình truy bắt đối tượng phạm tội nguy hiểm.

Đức Mừng
.
.
.