Hiện thực hóa giấc mơ làm đám cưới cho hơn 60 cặp đôi khuyết tật

Thứ Tư, 28/10/2020, 10:49
Hơn 60 cặp đôi khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ sớm được tổ chức lễ cưới tập thể với đầy đủ nghi lễ truyền thống, trong sự chứng kiến, chúc phúc không chỉ của gia đình, bạn bè mà còn của cả cộng đồng.

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội tổ chức Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 3 vào ngày 6/12 tới tại Hà Nội.

Họp báo về lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật". 

Tại buổi họp báo về sự kiện sáng 28/10, ban tổ chức cho biết lễ cưới năm nay có sự góp mặt của 60 cặp đôi là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn (đã có con), hoặc mong muốn được kết hôn nhưng chưa đủ khả năng.

Các cặp đôi tham gia lễ cưới “Giấc mơ có thật” năm nay đều đang sinh sống ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, có độ tuổi từ 18-55. Họ đã được ban tổ chức trợ giúp chụp ảnh cưới, dựng video clip, chuẩn bị hậu cần… Tại lễ cưới tập thể, ban tổ chức sẽ giúp các cặp đôi thực hiện đầy đủ nghi lễ truyền thống trong sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, những người thân yêu nhất. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ vận động nhà tài trợ để có các phần quà có giá trị cho các cặp đôi.

“Chúng tôi hi vọng lễ cưới là món quà giúp những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hoàn thành giấc mơ tổ chức một lễ cưới chính thức, xây dựng mái ấm gia đình và qua đó, tạo động lực để họ vượt mọi khó khăn, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp”, đại diện ban tổ chức nhấn mạnh.

“Giấc mơ có thật” là sự kiện ý nghĩa được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội triển khai thực hiện hai lần vào năm 2018 và 2019. Đến nay, có hơn 100 cặp đôi đã được tổ chức lễ cưới tập thể.

Các cặp đôi khuyết tật tham gia lễ cưới năm 2018 và 2019 có mặt tại sự kiện sáng 28/10.

Là một trong những cặp đôi đầu tiên tổ chức lễ cưới năm 2018, chị Hoàng Hồng Kiên (40 tuổi), bị bại liệt từ năm 4 tuổi, cùng chồng - anh Phạm Hồng Thức (45 tuổi), người mất đi đôi chân vì tai nạn giao thông năm 15 tuổi, chia sẻ, anh chị cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi đã có một đám cưới cho riêng mình sau nhiều năm chung sống.  

“Khoảnh khắc được khoác lên mình bộ váy cưới, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Tôi mong sẽ còn nhiều chương trình như thế này để không chỉ riêng những người khuyết tật kém may mắn như chúng tôi, mà những phụ nữ nghèo khó cũng có cơ hội khoác lên mình bộ váy cô dâu”, chị Kiên xúc động nói.

Cô Trần Thị Hạnh, 57 tuổi, người đã tình nguyện giúp đỡ 11 cặp đôi đăng kí và làm các thủ tục tham gia lễ cưới tập “Giấc mơ có thật” và cũng là một người khuyết tật, cho biết, cô đã kết hôn và có một con lớn đang học đại học, nhưng cô chưa từng được tổ chức một lễ cưới chính thức.

“Tôi rất thấu hiểu cảm giác của các bạn khuyết tật. Lễ cưới với những người như chúng tôi thật sự luôn là một giấc mơ, dù nhiều cặp đôi đã chung sống, có con cái. Đúng như cái tên “Giấc mơ có thật”, tôi mong các bạn hoàn thành được giấc mơ của mình, cùng nhau chung sống hạnh phúc”, cô Hạnh tâm sự.

Thiện Nhân
.
.
.