Hiểm họa rình rập từ các cơ sở thu mua phế liệu

Thứ Bảy, 13/01/2018, 13:19
Sau hàng loạt vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng tại các cơ sở thu mua phế liệu, nhiều địa phương mới “giật mình” tiến hành rà soát, kiểm. Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, trong các khu dân cư tồn tại rất nhiều cơ sở kinh doanh, thu gom phế liệu hoạt động, khiến cuộc sống người dân xung quanh luôn bất an bởi nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào…

Môi trường ô nhiễm, cháy nổ cận kề

Phường Tràng Minh (quận Kiến An) hiện là khu vực kinh doanh phế liệu lớn nhất ở thành phố Hải Phòng với hơn 400 hộ làm nghề mua bán, sơ chế phế liệu. Trung bình mỗi ngày, lượng phế liệu chuyển về Tràng Minh hàng chục tấn. Hầu hết mặt hàng thu gom về là những phế liệu có nhiều chứa phế thải độc hại như chai lọ đựng hóa chất, thùng sơn, bình ắc quy, và cũng không loại trừ trong đó còn có cả những phế liệu quốc phòng. 

Điều nguy hiểm là các cơ sở sơ chế trước khi xay nghiền hay đóng khối đều có công đoạn rửa phế liệu. Tuy nhiên, nước thải và các chất thải rắn của các hộ sản xuất chưa được xử lý hoặc xử lý đơn giản rồi xả thẳng vào môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, không khí… Do đó hiện nay cùng với sự mở rộng, phát triển ngành nghề này, môi trường phường Tràng Minh đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đi trên nhiều tuyến đường từ nội thành đến các vùng ngoại thành dễ dàng bắt gặp các kho, bãi phế liệu nằm ngổn ngang, nhếch nhác ngay giữa khu dân cư, mặt đường liên huyện hay quốc lộ. Trên đường Trường Chinh (quận Kiến An) hay Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu nằm xen kẽ với khu dân cư. 

Qua kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu ở Hải Phòng và Quảng Ninh đều tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy nổ.

Hàng ngày, nhiều chuyến xe chất đầy phế liệu đổ về điểm này. Người mua, người bán vô tư đổ phế liệu xuống, mặc cho bụi bay tứ tung. Phế liệu chất đống đầy nhà, tràn cả ra vỉa hè, lòng đường. Các tiếng cắt, đập, phân loại phế liệu gây ồn ào một góc phố. 

Hay ở khu vực ngoại thành như: ven Quốc lộ 5 (huyện An Dương); xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng); đường 359, xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên)… Các cơ sở này cũng đều dựng lên tạm bợ giữa các khu dân cư, chủ cơ sở, người lao động vẫn bày bếp nấu ăn ngay cạnh kho, bãi phế liệu, không bảo đảm an toàn cháy nổ. 

Mới đây nhất, tại cơ sở thu mua sắt vụn nhà ông Nguyễn Văn T., ở xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Bộ CHQS Hải Phòng đã kịp thời di chuyển 3 quả bom loại 250 bảng Anh, có chiều dài 1,1 m và chiều rộng 0,2 m, còn sót lại từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được cơ sở này thu gom mua về.

Còn trên địa bàn TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) nơi từng xảy ra vụ nổ đầu đạn làm 2 người thương vong vào năm 2010, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành tổng rà soát điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn.

Theo đó để có những đánh giá cụ thể về các hộ thu mua phế liệu, cơ quan chức năng của TP Cẩm Phả đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp thu mua phế liệu trên địa bàn. Bước đầu xác định có 162 tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề thu mua phế liệu, có 159 hộ kinh doanh, nhưng mới có 124 hộ có đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương. 

Tại các cơ sở này có thể dễ dàng nhận thấy những thùng phi chứa dầu, nhiều đồ vật là các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất dễ cháy nổ... Có nhiều cơ sở còn thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường để làm nơi tập kết, trung chuyển phế liệu, vừa ảnh hưởng tới môi trường, lại gây mất trật tự an toàn giao thông.

Tăng cường công tác quản lý

Ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND quận Kiến An (Hải Phòng) cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng và phường Tràng Minh tăng cường kiểm tra việc thu gom tái chế rác thải quốc phòng. Theo đó quận Kiến An sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức bảo đảm cảnh quan môi trường, phòng, chống cháy nổ. 

Đối với các cơ sở có giấy phép kinh doanh nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, đồng thời ấn định cụ thể thời gian khắc phục và hướng dẫn các đơn vị này thực hiện kinh doanh đúng các quy định. 

Với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sẽ tiến hành xử phạt vi phạm, định hướng chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp, thậm chí cưỡng chế chấm dứt hoạt động nếu không thực hiện các quy định của pháp luật.

Tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) qua kiểm tra, hầu hết những địa điểm thu mua phế liệu đều nằm tại các khu đông dân cư đã ảnh hưởng không nhỏ về môi trường, an toàn tới người dân. 

Theo ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, để thắt chặt quản lý các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu, địa phương đã quyết định thu hồi các giấy đăng ký kinh doanh đã cấp, đồng thời yêu cầu các hộ dân ngừng kinh doanh, thu mua phế liệu sau ngày 15-1-2018. 

Cũng theo ông Kính, sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường lực lượng để kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ kinh doanh cố tình vi phạm. Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy nhanh việc xây dựng cụm công nghiệp để các hộ kinh doanh, thu mua phế liệu đủ điều kiện về hoạt động tại đây.

Thực tế trên cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu là rất lớn, trong lúc các cấp chính quyền từng bước thực hiện các giải pháp phòng ngừa cháy nổ hiệu quả hơn. Thiết nghĩ, ngay lúc này chủ các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, tái chế phế liệu cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ. 

Bên cạnh đó, cùng với công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chính quyền, ngành chức năng liên quan cần thắt chặt việc cấp phép cho cơ sở hoạt động thu mua phế liệu. Đưa yếu tố an toàn cháy nổ làm điều kiện cấp phép, kiên quyết không cấp phép khi cơ sở không thực hiện đúng các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu phòng chống cháy nổ.

V.Huy
.
.
.