Hai chàng trai đạp xe đưa thư xuyên Việt

Thứ Năm, 25/06/2015, 04:02
Xuất phát từ Quận 10, TP Hồ Chí Minh, mang theo 1 triệu đồng mỗi người, đến nay đã được hơn 10 tháng, Dương Xuân Phi và Lê Trường Giang đã đi qua 40 tỉnh thành cùng 6000km để chuyển những lá thư viết tay đến tận tay người nhận với lời hứa “chuyển thư đến bất cứ nơi đâu của Việt Nam bằng xe đạp, bằng bất cứ giá nào với tất cả trái tim của mình và hoàn toàn miễn phí”.

Hiện thực hoá giấc mơ

Tôi tình cờ gặp họ trên đường, một người có mái tóc dài bồng bềnh kiểu nghệ sĩ, dáng người dong dỏng, khuôn mặt thư sinh; còn anh chàng kia có vẻ gầy và đen hơn nhưng rất hay cười và  nụ cười rất sáng. Hành trang họ  mang theo gồm hai chiếc xe đạp, hai chiếc máy quay, giày chuyên dụng, một ít tiền mặt và một số dụng cụ sinh tồn. Đó là Dương Xuân Phi và Lê Trường Giang (25 tuổi) – hai anh chàng tự nguyện làm bồ câu đưa thư đến mọi miền đất nước.

Khi được hỏi về ý tưởng này, Phi cho biết ban đầu chỉ định du lịch bụi bằng xe đạp để trải nghiệm, khám phá và thử thách bản thân nhưng trong quá trình chuẩn bị, họ càng nảy ra nhiều ý tưởng, đưa thư tay xuyên Việt là ý tưởng nảy ra từ một giấc mơ nhưng “giấc mơ đó là gì thì tớ quen phéng mất, tỉnh dậy chỉ đọng lại một ý tưởng như thế” – Phi hài hước nói. Anh cũng cho biết thêm, đây có lẽ là một ý tưởng hơi điên rồ, nhưng rất lãng mạn và duy nhất ở Việt Nam.

Theo hai chàng trai trẻ, trong xã hội hiện đại ngày nay, mọi người có nhiều cách thức liên lạc như email, điện thoại… rất nhanh và tiện dụng, những cánh thư tay đong đầy yêu thương qua từng con chữ dần bị lãng quên nên khi thực hiện dự án này, họ muốn truyền đi một thông điệp: hãy trân trọng những gì xung quanh, sống chậm lại, cảm nhận và yêu thương nhiều hơn, hãy thể hiện tình cảm của mình một cách chân thành nhất.

Dương Xuân Phi (phải) và Lê Trường Giang (trái) trên đường đạp xe xuyên Việt.

Trong một bài viết trên mạng xã hội Facebook, anh chàng thiết kế web Dương Xuân Phi chia sẻ : “Nếu người nhận là bạn, trong một ngày nắng, một ngày mưa, một ngày lạnh lẽo, một ngày buồn…bỗng có hai anh chàng đẹp trai và lãng mạn, đạp xe tới tận nhà đưa thư cho bạn, bức thư được viết từ 6,7 tháng trước đó, bạn sẽ cảm thấy gì? Ít nhất bạn cũng cảm thấy trong cuộc sống có những điều bất ngờ, những điều tuyệt vời, những điều điên rồ và đặc biệt là bạn có thêm một ngày vui trong cuộc sống này. Đối với chúng tớ, tớ làm điều đó vì nó điên rồ và lãng mạn, vì nó mang lại niềm vui cho người viết, niềm vui cho người nhận và mang lại hạnh phúc cho bọn tớ vì đã làm được điều gì đó có ý nghĩa”.

“Đi để trở về”

Suốt cuộc hành trình, rất nhiều người hỏi tại sao đi du lịch lại đi bằng xe đạp, tại sao phải đi như vậy, Phi và Giang chỉ cười: “Đi để trở về”.

Rong ruổi trên đường chỉ với 2 triệu đồng trong tay, hai chàng trai sinh năm 1990 đã có một chuyến du lịch trải nghiệm thực sự ý nghĩa. Đi đến đâu, họ cũng xin việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cho chuyến đi, có khi là xéo đất trồng hoa, có khi là cùng ngư dân ra khơi đánh cá…và mỗi lần như thế, họ lại có những trải nghiệm thú vị, thấy được niềm vui lao động, những bài học về cuộc sống, về tình yêu thương đùm bọc giữa người với người.

Chuyển đi hàng trăm bức thư theo dọc dài đất nước, Phi và Giang hiểu rằng, sau mỗi bức thư là một câu chuyện, một cuộc đời, và họ cảm thấy mình làm được một điều có ý nghĩa khi chứng kiến những cảm xúc vỡ oà của người nhận.

Ngô Văn Khánh (23 tuổi) – sinh viên Đại học Dược Huế chia sẻ: “Đó là lần đầu tiên trong đời mình được nhận thư tay, mà người viết lại chính là người yêu của mình. Lúc cầm lá thư trên tay, mình mở ra đọc ngay lập tức và ôm lấy hai anh. Lá thư và cả hai anh tự nhiên như một mắt xích trong cuộc tình của bọn mình vậy”.

Mỗi một điểm giao thư cũng là một kỉ niệm đáng nhớ đối với hai chàng trai trẻ. Ông chủ tiệm cafe – Giang kể lại, có lần giao thư ở Huế, chủ nhân của bức thư yêu cầu: “hãy mang bức thư này đến cầu Tràng Tiền, lên cầu, xé bức thư làm đôi, rồi xé tiếp làm 3, 4, 5…rồi thả xuống sông”. 

Hai đứa ngẩn tò te một lúc vì nghĩ có khi nào bị bắt quả tang vì không bảo vệ môi trường hay không. Rồi bọn mình lại phạm luật tiếp – chạy xe đạp lên cầu dành cho người đi bộ bên hông cầu Tràng Tiền, vọt lẹ lên cầu và hoàn thành nhiệm vụ. Cũng thấy một chút buồn vì bức thư này không ai được biết đến và có khi nào cũng có nhiều người chỉ viết  rồi cũng một mình tự chôn nó đi, chẳng ai biết cả”.

Dương Xuân Phi và Lê Trường Giang  trong một lần giao thư.

Cũng trong ngày hôm đó,  Phi và Giang đi giao thư ở một ngôi chùa nhưng đến nơi đã là 9h tối, chú tiểu cho biết sư thầy đã đi nghỉ nên hẹn mai quay lại. Đường đi tối om không một ánh đèn, lại đi qua nghĩa địa nên hơi rợn rợn người, họ lọ mọ đi tiếp để tìm chỗ xin ngủ nhờ qua đêm nhưng đi hết nhà này đến nhà kia đều bị từ chối. Hai người cãi nhau vì bất đồng quan điểm, Giang thì cứ từ từ nhẹ nhàng gián tiếp, còn Phi thì mạnh bạo và trực tiếp. Những tưởng đêm hôm đó hai người sẽ ngủ “màn trời chiếu đất” nhưng may mắn thay, có chú hàng cơm cho ngủ nhờ.

Tuy đôi khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu nhưng đối với Phi và Giang, mỗi ngày luôn mới mẻ, chẳng ngày nào giống ngày nào, chẳng nơi đâu giống nơi đâu và bản thân nó cũng thay đổi, chẳng có ai giống nhau và kể cả người gặp hôm qua hôm nay cũng đã thay đổi. “Hình như mọi thứ luôn mới, chỉ có điều ta đang giữ mắt mình trong trẻo hay theo kiểu “vẫn là như thế” hay không thôi. Mỗi ngày đối với chúng tớ đang dần có ý nghĩa hơn, trái tim rộng mở hơn và chuyện của quá khứ cũng bớt dần” – Phi tâm sự.

Thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa?

Hiện trên chặng đường đạp xe để đi hết Việt Nam còn lại 20 tỉnh thành, cũng mất gần 6 tháng để quay trở lại nơi bắt đầu, Dương Xuân Phi và Lê Trường Giang đã hoàn thành gần hết mục tiêu của mình. Ngoài dự án “Thư tay xuyên Việt”, Phi và Giang còn thực hiện song song những dự án xã hội khác như kêu gọi được 200 bạn trẻ tham gia dự án đạp xe “Vòng quanh Hà Nội – sưởi ấm Hà Giang”, quyên góp quần áo sách vở, đồ dùng cho trẻ em vùng núi cao trong dịp dừng chân tại Hà Nội; dự án “Tôi có một ước mơ” và “Dựng phim ngắn Việt Nam” với mục đích quảng bá hình ảnh dải đất hình chữ S cho bạn bè trong nước và quốc tế. Đến bất cứ địa phương nào họ cũng có những trải nghiệm khác nhau, quay phim chụp ảnh những khoảnh khắc tuyệt vời và đáng nhớ.

Trước khi lên đường, hai chàng trai gốc Sài thành cũng vạch ra một danh sách gồm 1000 những việc mà phần lớn mọi người đều cho là điên rồ như vượt thác bằng thuyền, cano kéo dù, ngủ một đêm trong rừng nguyên sinh, một ngày làm ăn xin… nhưng họ cho biết  luôn có hứng với những điều điên rồ mà lãng mạn và ngược lại số đông. Tại sao ư? Vì trong tâm tưởng, Phi và Giang luôn cho rằng, chẳng phải những điều có thể đều bắt đầu từ những điều không thể hay sao? Họ đã làm được, vậy chắc chắn bất cứ ai cũng có thể làm được điều tương tự.

“Đừng chờ đợi nữa, đừng lo sợ nữa. Đã qua rồi cái thời ngồi chờ đợi hạnh phúc tự nở hoa. Hãy lao ra và tìm kiếm, đó mới là tuổi trẻ. Và ngay cả khi không còn tuổi trẻ thì hãy cứ sống trẻ như đã từng trẻ và ước mơ” – đó chính là thông điệp Phi và Giang muốn gửi đến mọi người.

 Họ là những người trẻ. Tôi cũng là người trẻ, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến những điều không tưởng như những việc họ đã trải qua, hay nói khác đi, không chỉ tôi mà còn rất nhiều người trẻ nữa chưa dám nghĩ, cũng chưa dám làm. Khi nghe các anh nói “thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và liệu rằng tớ đang sống một cuộc sống ý nghĩa hay không?”, tôi lại tự hỏi mình: “Làm thế nào để sống đúng nghĩa mà không chỉ là sống để tồn tại”?

Những câu chuyện họ kể như những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, muôn màu muôn trạng, và luôn có một sự cuốn hút đến lạ kì. Bản thân tôi như bị thôi miên, dạt đến một vùng đất nào đó, được thử thách và trải nghiệm. Chia tay Phi và Giang trong khi những câu chuyện chưa bao giờ đến hồi kết, trong đầu tôi vẫn đọng lại câu nói của hai anh: “Hãy sống như bạn đã ước mơ chứ đừng ngồi đấy mà ước mơ”.

Nguyễn Hoa
.
.
.