Góc khuất ở các cơ sở thẩm mỹ trá hình

Thứ Hai, 22/03/2021, 09:08
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng từ vụ tai biến của 1 nạn nhân bị quên gạc trong phẫu thuật nâng ngực tại địa bàn quận 6, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở làm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) không phép, trá hình. Qua đó cho thấy, hiện nay tình trạng khách hàng gặp rủi ro khi đi làm đẹp là rất lớn với mức độ vi phạm của các cơ sở ngày càng phức tạp..


Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Vào ngày 17/3, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng phòng y tế quận và Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang một cơ sở làm PTTM trái phép ngay tại địa bàn quận 3. Cơ sở này có tên “Viện thẩm mỹ Janhee”. Điều đáng chú ý là bên trong cơ sở còn một biển hiệu “Nha khoa Janhee” trên cùng một địa chỉ: 6B Cao Thắng, phường 5, quận 3.

 Tiếp Đoàn kiểm tra là ông Lương Ngọc Hà, người quản lý của cơ sơ đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Răng - hàm - mặt của BS Phạm Lê Cẩm Linh, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Răng - hàm - mặt (do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp ngày 29/1/2021) do BS Phạm Lê Cẩm Linh là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Ngọc Hà không xuất trình được những giấy tờ khác có liên quan đến cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, PTTM.

Học viện phun xăm thẩm mỹ Diễm Nguyễn - Academy tổ chức đào tạo “chui”.

Ngoài ra, khi BS Phạm Lê Cẩm Linh có mặt tại cơ sở cung cấp bảng giá dịch vụ Răng - hàm - mặt nhưng không cung cấp được sổ cập nhật khách hàng cũng như hồ sơ điều trị ngoại trú của phòng khám chuyên khoa theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Kiểm tra tại tầng 2 có 2 phòng chăm sóc da có trang bị các máy chăm sóc da, nhưng cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc máy, dù đang có nhân viên chăm sóc da cho khách hàng. Trên tầng 3, ngoài phòng khám Nha, Đoàn kiểm tra còn phát hiện các túi đựng các sản phẩm mỹ phẩm nhưng cơ sở chưa cung cấp được hồ sơ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời phát hiện các phiếu cắt mí, nâng cung mày và các hợp đồng thỏa thuận của khách hàng về các dịch vụ làm PTTM.

Trước đó, ngày 15/3, từ nguồn tin của người dân, Thanh tra Sở Y tế phát hiện một cơ sở đào tạo nghề phun, xăm và PTTM không phép trên địa bàn TP Thủ Đức. Cơ sở này có bảng hiệu rất thu hút khách là: “Học viện phun xăm thẩm mỹ Diễm Nguyễn - Academy” thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ viện và Học viện Diễm Nguyễn (địa chỉ: 416/12 Lã Xuân Oai, phường Long Trường, quận 9, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chỉ cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp, không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về phun, xăm, thêu trên da do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp và giấy phép hoạt động chuyên khoa PTTM do Sở Y tế cấp...

Thận trọng khi đi làm đẹp

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian vừa qua, dù Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp rất tốt với người dân và ban, ngành phát hiện, xử lý các sai phạm về PTTM nhưng để xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm về dịch vụ làm đẹp thì chưa thể. Theo bà Huỳnh Mai, hiện nay trong lĩnh vực làm thẩm mỹ chia làm hai loại hình: các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được thẩm định, cấp phép, hoạt động và những cơ sở tham gia “dịch vụ thẩm mỹ”.

Cơ sở vi phạm thời gian qua rơi vào số cơ sở tham gia dịch vụ thẩm mỹ như: cắt tóc gội đầu nhưng làm PTTM, làm spa nhưng quảng cáo quá chức năng trên các trang webisite, trên Facebook để khiến người dân ngộ nhận đi tới làm PTTM. Trong đó nhiều trường hợp do không được bác sĩ chuyên môn thực hiện nên bị biến chứng phải nhập viện.

Trả lời câu hỏi phải chăng việc cấp phép về dịch vụ PTTM hiện chưa phân định rõ ràng khiến nhiều khách hàng bị “dính bẫy” đi vào cơ sở làm đẹp không đảm bảo, nên “tiền mất tật mang”, bà Huỳnh Mai cho biết, qui trình cấp phép cho 1 cơ sở tham gia dịch vụ làm đẹp là những bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám đa khoa có khoa dịch vụ thẩm mỹ. Người chủ quản phải có bộ hồ sơ gửi Sở Y tế để được cấp phép. Trước hết là phải có giấy phép kinh doanh.

Thứ nữa phải có giấy phép hoạt động sau khi được thẩm định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, qui trình kỹ thuật và nhân sự. Có danh mục kỹ thuật được phép trên cơ sở trang thiết bị được phép làm. Tại cơ sở đã được cấp phép phải có một bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn.

Theo bà Mai, thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ thực hiện tổng rà soát lại các cơ sở tham gia dịch vụ thẩm mỹ không xâm lấn và dịch vụ làm đẹp spa, làm tóc, nhằm chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn này. Sở Y tế cũng đã có những phương thức nhằm thông tin rộng rãi tới người dân về việc đi làm đẹp sao cho an toàn. Người dân có thể vào trang website thông tin của ngành Y tế, vào phần mềm tra cứu về quản lý người hành nghề. Trong đó, cơ sở nào được cấp phép hoạt động làm thẩm mỹ, nhân sự được cấp chứng chỉ hành nghề về PTTM được đưa lên công khai trên trang website này.

Người dân cũng có thể tìm hiểu về cơ sở mà mình có nhu cầu đi làm thẩm mỹ bằng cách vào “App tra cứu khám chữa bệnh”. Để có thể tìm cho mình một địa chỉ tin cậy. Hiện, ngành Y tế cũng đã có phần mềm “Y tế trực tuyến”.

Người dân có thể tương tác vào phầm mềm này để báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở nghi ngờ có sự tham gia dịch vụ PTTM trái phép. Theo đó, nếu hành vi vi phạm đơn giản là có thể giải quyết ngay trong vòng 24 giờ, đồng thời có thông tin ngay trở lại với người phản ánh. Những vụ việc có tính chất sai phạm phức tạp hơn thì cơ quan chức năng được chỉ đạo sau 48 giờ phải giải quyết dứt điểm.

Huyền Nga
.
.
.