Gỡ “nút thắt” khi chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

Thứ Hai, 10/04/2017, 08:57
Nhằm minh bạch hóa tình hình thu thuế, đóng thuế, cũng như góp phần hiện thực mục tiêu có thêm 50.000 doanh nghiệp (DN) mới trong năm 2017 và có 500.000 DN vào năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt triển khai các giải pháp, vận động các hộ kinh doanh cá thể có quy mô, doanh thu lớn thành lập DN.


Tuy nhiên, cuộc vận động mặc dù cũng đã xoay trở được tinh thần của nhiều hộ kinh doanh, nhưng cũng không ít hộ vì nhiều lý do khó khắc phục nên không muốn trở thành DN...

Chị T.T.H kinh doanh các mặt hàng thời trang (túi xách, ví, quần áo,...) ở chợ An Đông chia sẻ, hàng hóa của chị phần lớn là hàng nhập từ nước ngoài về, nhưng hầu hết là hàng khai báo gian lận về thuế để có giá rẻ khi vào thị trường nội địa. Vì vậy, người bỏ hàng không thể xuất hóa đơn cho chị được. Không lấy được hóa đơn đầu vào nên khi chuyển sang DN thì việc kinh doanh của chị sẽ khó khăn hơn.

Nhiều hộ kinh doanh ngại lên DN do sợ thủ tục phức tạp và gánh thêm chi phí.

Chị Nguyễn Ngọc Lan, kinh doanh mặt hàng trái cây cũng lo ngại: “Nếu lấy hàng ở chợ đầu mối thì các thương nhân có xuất hóa đơn, còn nếu lấy ở nhà vườn, thương lái thì hóa đơn ở đâu mà họ xuất. Trong khi để có nguồn hàng phong phú, tôi phải lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau. Nếu chuyển lên DN, việc kinh doanh của tôi sẽ khó khăn hơn, đó là phải có hoá đơn đầu vào – đầu ra, phải trả chi phí thuê kế toán thực hiện việc liên quan đến kế toán, quyết toán thuế, phải kê khai thuế hằng tháng...”.

Ngoài ra, một số tiểu thương ở các chợ lớn như: Bình Tây, Tân Bình, An Đông cho rằng, khách hàng của mình chủ yếu ở các địa phương, phạm vi nhỏ nên chưa sẵn sàng chuyển đổi.

Đặc biệt, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều hộ cá thể cho rằng, khi chuyển sang hoạt động DN đều phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện để phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới như: giấy chứng nhận ATVSTP, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao của khách sạn, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT..., trong khi thủ tục xin cấp giấy phức tạp.

Nhìn chung, có rất nhiều lý do các hộ kinh doanh đưa ra đế né lên DN như: Khi lên DN thì thủ tục chuyển đổi phức tạp, rườm rà, trong khi các hộ kinh doanh chủ yếu là tự phát, truyền thống gia đình, sử dụng ít lao động nhưng lao động không ổn định, máy móc thiết bị lạc hậu chỉ phù hợp cho sản xuất nhỏ...

Quan trọng nhất là chưa có cơ chế chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nên chưa khuyến khích sự tự nguyện của các hộ kinh doanh.

Ông Lê Duy Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi vận động hộ kinh doanh lên DN thì điều họ quan tâm nhất là họ sẽ được gì?

Sau khi ghi nhận những ý kiến của các hộ kinh doanh cá thể, ông Minh đưa ra một số vấn đề để các quận, huyện lưu ý trong quá trình vận động: Đó là khi trở thành DN sẽ được phép hoạt động các lĩnh vực mà Nhà nước, pháp luật cho phép, trong đó có bảo vệ thương hiệu kinh doanh gắn liền với tên DN. Bên cạnh đó, DN có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng khi ký kết đóng dấu vào các hợp đồng mua bán thì việc mua bán được đảm bảo, tăng uy tín của DN.

Từ đó, DN có thể mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng kinh doanh quảng bá hình ảnh cũng như thương hiệu kinh doanh. DN được sử dụng hóa đơn khấu trừ và kê khai thuế theo doanh thu trên hóa đơn.

Trường hợp không có lợi nhuận thì DN không phải nộp thuế thu nhập DN và được chuyển lỗ sang các năm, nếu DN có hoạt động XK thì được xem xét để hoàn thuế GTGT đối với DN kê khai thuế, khấu trừ thuế...

Ngoài ra, với các thủ tục về thuế thì ngành Thuế cũng đã lập các trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp thuế tại Cục Thuế và 24 quận, huyện. Đặc biệt là đảm bảo cho các hộ kinh doanh lên DN tham gia các dịch vụ điện tử như: khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Các dịch vụ này sẽ giảm rủi ro cho DN.

Theo kế hoạch, riêng đối tượng hộ cá thể vận động lên DN thì trong năm 2017, TP Hồ chí Minh sẽ vận động 20.000 hộ, 2018 cũng 20.000 hộ, 2019 vận động 15.000 hộ và năm 2020 vận động 10.000 hộ.

Thúy Hà
.
.
.