Làng Đa Sĩ giữ lửa nghề kéo với 15 công đoạn

Chủ Nhật, 19/03/2017, 14:39
Nổi tiếng là làng nghề làm dao kéo lớn nhất miền Bắc, nhưng hiện nay làng nghề Đa Sĩ (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) chưa có tới mười hộ gia đình làm kéo. Đa số các hộ gia đình chỉ làm dao các loại, vì làm dao không đòi hỏi độ công phu cao như làm kéo.

Để làm ra một chiếc kéo, người thợ rèn phải làm qua gần 15 công đoạn và trong đó có 3 công đoạn quan trọng nhất là: làm nóng để tạo dáng kéo, sạt lưỡi kéo và mài nước, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, lâu năm mới có thể cho ra lò một chiếc kéo sắc, bền, đẹp và hài lòng người tiêu dùng.

Ông Hoàng Văn Hải, 52 tuổi, sống tại tổ 2, làng Đa Sĩ cho biết: Hiện nay cả làng Đa Sĩ còn rất ít nhà làm kéo, chỉ có những ai thực sự yêu nghề mới có thể tỷ mỉ mà theo được nghề. Vì làm kéo đòi hỏi độ công phu rất cao, kỹ thuật phải chắc. Một ngày hai người làm từ 7 giờ sáng tới 8 giờ tối chỉ làm được 20 đôi kéo, không thể làm hơn.

Vật liệu chính để làm ra một chiếc kéo hoàn chỉnh không phải thứ gì khác ngoài thép, tấm thép sau khi cắt thành dáng giống với sản phẩm sẽ được cho vào lò tôi để làm nóng (tạo dáng kéo).
Kéo sau khi làm nóng sẽ đến bước sạt nguội, đây là một trong những bước rất quan trọng, vì phải sạt làm sao thật đều tay để tạo thành lưỡi kéo, nếu không sẽ làm hỏng lưỡi kéo.
Tiếp đến cho kéo ra rèn nguội.
Sạt kéo lần nữa, mỗi chiếc kéo làm ra phải qua 3-4 lần sạt như thế này.
Trước khi cho vào lò làm nóng thêm một lần nữa, kéo được bôi qua nước thép, bôi nước thép giúp cho kéo có độ già, nhìn thấy được màu thép khi tôi.
Ông Hải cho biết, khi cho kéo vào tôi phải canh sao cho kéo tôi không được già quá, không được non quá, kéo phải được tôi vừa đủ độ thì mới bền đẹp, kỹ thuật  này chỉ có người làng Đa Sĩ mới nắm được.
Kéo tôi trong vòng 8-9 giây, phải thật nhanh tay lấy ra thả vào chậu nước để sẵn bên cạnh làm nguội kéo.
Tiếp tục cho kéo ra đánh bóng.
Kéo có sắc hay không quan trọng nhất là công đoạn mài nước, người thợ phải mài rất nhanh và đều tay.
Mài xong kéo được ngâm trong nước vôi trong khoảng 10 giây để cho kéo không bị han rỉ.
Ghép hai lưỡi kéo lại với nhau và đóng chốt, phải làm sao cho hai lưỡi kéo phải ăn khớp, chốt chắc chắn thì kéo mới có thể cắt được.
Kéo làm xong cắt phải thật ngọt, đường kéo dựt khoát.
Bọc nhựa tay kéo, bôi dầu để bảo quản kéo là bước cuối cùng trước khi những cây kéo của làng Đa Sĩ tới tay khách hàng.
Mộc Miên
.
.
.