Giọt nước nghĩa tình ở hai làng Nhỉ Hạ, Lâm Xuân

Thứ Tư, 21/12/2016, 09:51
Người Nhỉ Hạ may mắn hơn, có được nguồn nước sạch. Còn làng Lâm Xuân thì chỉ có nước giếng, phèn đục đỏ... với tình đoàn kết keo sơn, người làng Nhỉ Hạ tìm gặp sẻ chia, động viên người làng Lâm Xuân sang làng mình lấy nước sạch mang về ăn uống, tránh được bệnh tật, đảm bảo sức khỏe mà không phải trả tiền.


Làng Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh cách làng Nhỉ Hạ, xã Gio Thành (Gio Linh) chỉ mấy chục bước chân qua cây cầu bắc ngang dòng sông Cánh Hòm. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và đánh Mỹ cứu nước, người dân hai làng luôn sát cánh bên nhau, chia ngọt, sẻ bùi; nuôi giấu bộ đội đánh giặc. 

Sau hơn 40 năm đất nước được giải phóng, người Nhỉ Hạ may mắn hơn, có được nguồn nước sạch được đầu tư, xây dựng dẫn về từ thị trấn Gio Linh. Còn làng Lâm Xuân thì vẫn vậy, chỉ có nước giếng, phèn đục đỏ nổi dày đặc quánh từng lớp...

Người Lâm Xuân lấy nước sạch ở làng Nhỉ Hạ về ăn uống hằng ngày mà không phải trả tiền. 

Và rồi, với tình đoàn kết keo sơn, người làng Nhỉ Hạ tìm gặp sẻ chia, động viên người làng Lâm Xuân sang làng mình lấy nước sạch mang về ăn uống, tránh được bệnh tật, đảm bảo sức khỏe mà không phải trả tiền. 

Ban đầu, do tâm lý ngại vì trả tiền mà không lấy nên chỉ vài hộ dân ở Lâm Xuân sang Nhỉ Hạ lấy nước. Về sau, trước tấm chân tình của người làng bạn, hầu hết các hộ dân ở Lâm Xuân đều đã sang bên Nhỉ Hạ lấy nước về dự trữ, ăn uống hằng ngày. 

Chị Phan Thị Thái, một người dân làng Lâm Xuân tâm sự: “Người làng Lâm Xuân sang bên Nhỉ Hạ lấy nước mang về dùng mãi cũng ngại nên đã nhiều lần đề nghị được đóng góp để phụ trả tiền nước, nhưng bà con bên đó nhất quyết không lấy. Họ còn vui vẻ bảo chúng tôi lấy bao nhiêu nước cũng được, mỗi tháng mỗi nhà bên họ giúp đỡ thêm vài chục nghìn đồng để cho bà con bên này có nước sạch ăn uống, thì đáng là bao, miễn là hai làng luôn có được tình đoàn kết, gắn bó keo sơn như bấy lâu nay là ai cũng mừng, cũng vui lắm rồi!”.

Chị Phan Thị Lý, em ruột chị Thái, nhà ở gần cuối làng Lâm Xuân nhưng cũng sang tới làng Nhỉ Hạ để lấy nước, vui vẻ cho biết thêm: “Nhiều lần lấy nước mãi một nhà ở gần cầu cho gần cũng ngại nên đi xa tí nữa vào làng, nhưng bà con ở đó thấy thế liền chặn lại, bảo vào chỗ họ mà lấy cho gần, đừng ngại gì cả. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tình cảm người dân hai làng chúng tôi vẫn luôn ấm áp”. 

Đến nay, sau hơn 40 năm đất nước giải phóng, người làng Lâm Xuân, cái nôi của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến đánh giặc cứu nước, vẫn chưa được đầu tư, xây dựng, cung cấp nguồn nước sạch. 

Hai năm gần đây, số người chết do ung thư ở Lâm Xuân tăng một cách đột biến, với 17 người. Bà con ở Lâm Xuân e ngại, có thể ngọn nguồn gây ra những cái chết thảm thương ấy chính là nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm độc của bom đạn trong chiến tranh và còn sót lại cho đến ngày nay…

Phan Thanh Bình
.
.
.