Gian nan đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Thứ Hai, 22/12/2014, 10:11
Bỏ học giữa chừng, không đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài, bỏ xuất cảnh, hay về nước trước thời hạn… là thực trạng khiến cho một Đề án hỗ trợ lao động ở 62 huyện nghèo nhất cả nước đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần giảm nghèo bền vững, được thực hiện theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 đến năm 2020, đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan.

Sau 4 năm thực hiện, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, kết quả đạt được ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 30%  chỉ tiêu Đề án. Để một chủ trương đúng phát huy được hiệu quả, thay đổi cuộc sống của người dân ở các huyện nghèo qua XKLĐ, cần một cơ chế thông thoáng và sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương.  

Bỏ học vì nhớ nhà

Quá thấm thía những chuyến vượt đường đèo dốc, ngược rừng về các huyện nghèo miền núi của Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái,…, cùng doanh nghiệp (DN) XKLĐ tuyển nguồn lao động để đưa về Hà Nội đào tạo, trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài, mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có khi DN còn phải cử cán bộ nằm vùng để vận động bà con. Dù Theo Quyết định 71, các đối tượng này được hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở trong suốt quá trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức: ngoại ngữ, tay nghề; được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn… nhưng chưa có DN nào thực hiện Đề án này bảo toàn được lực lượng, quân số cứ rơi rụng dần, thậm chí “tuyển cả chục lao động cùng xã, nhưng một người xin về là cả 10 người cùng kéo về”, như chia sẻ của một cán bộ nguồn của Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động bỏ trong thời gian đào tạo và bỏ xuất cảnh khá cao: tỷ lệ bỏ đào tạo trung bình 18%, một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ học cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%), Yên Bái, Ninh Thuận (25%), Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi (trên 20%). Cá biệt có địa phương như Đakrông (Quảng Trị), Tân Sơn (Phú Thọ), Mường Nhé (Điện Biên) tỷ lệ bỏ về vì nhớ nhà, ý thức kỷ luật kém v.v... của một khoá đào tạo lên tới 60-70%. Tỷ lệ bỏ xuất cảnh sau khi được đào tạo trung bình 21%.

Cho đến thời điểm này, đã có trên 30 DN tham gia đề án với hơn 350 hợp đồng cung ứng lao động, trong đó có 24 DN đã ký hợp đồng đặt hàng tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Sau hơn 4 năm, đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia Đề án, trong đó trên 10.000 lao động đã được đi làm việc tại các thị trường, như Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi, Đài Loan,… trong đó lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%, chủ yếu là lao động giản đơn, chưa có nghề. Số lượng lao động đăng ký tham gia đề án sau 4 năm thực hiện bình quân khoảng 325 lao động/huyện, 22 lao động/xã. Số lao động thuộc huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài sau 4 năm triển khai thực hiện bình quân 161 lao động/huyện, 9 lao động/xã, chỉ đạt 30% chỉ tiêu đề án. Tỷ lệ lao động xuất cảnh so với số lao động tham gia đào tạo theo các hợp đồng đặt hàng bình quân là 50%. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay gần 7.000 hộ thuộc 62 huyện nghèo; doanh số cho vay lũy kế là gần 180 tỷ đồng, bình quân 27 triệu đồng/hộ.

Đào tạo ngoại ngữ cho thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản.

Cần đơn giản thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng cho DN thực hiện đề án

Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn thừa nhận, có một số chính sách đưa ra trong Đề án nhưng không thực hiện được trong thực tế như: chính sách hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ văn hoá để tham gia XKLĐ do người lao động không có nhu cầu và không đăng ký tham gia; chính sách tín dụng ưu đãi đối với cơ sở dạy nghề cho LĐXK chưa được các DN triển khai. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ cho người lao động về sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, đi lại ban hành từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp…

 Trình độ và ý thức của lao động là cả một vấn đề, nhiều người không dễ dàng chấp nhận sống xa gia đình, thiếu tác phong công nghiệp; không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển ở mức cao (33,5%), tỷ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi làm việc ở nước ngoài 16,8%. Hầu hết các địa phương chỉ triển khai khi có DN về tuyển lao động. Cùng với đặc điểm địa lý, địa hình của các huyện nghèo chia cắt, địa bàn cư trú rải rác, phân tán, xa trung tâm cụm xã, huyện, giao thông đi lại rất khó khăn. Một số DN buông lỏng quản lý, chậm tổ chức xuất cảnh cho người lao động, đã gây mất niềm tin đối với người lao động và ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai đề án tại các địa bàn như Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum,... chưa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động theo hợp đồng đặt hàng đào tạo, dẫn đến lao động không đáp ứng được yêu cầu và phải về nước trước hạn...

Ngày 20/12, trao đổi với phóng viên Báo CAND về những giải pháp gỡ khó để thực hiện Quyết định 71, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, mấu chốt vẫn là việc tạo nguồn lao động. Trong thời gian tới, cơ chế sẽ được mở ra, giao cho địa phương tham gia tư vấn cho lao động cùng với DN và có kinh phí phân bổ để làm việc này.

Sau hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 71 vào cuối tháng 12 này, những vấn đề nói trên sẽ được nhanh chóng cụ thể hóa bằng văn bản để đạt được những đổi mới sớm nhất, nhằm thúc đẩy quá trình đưa người lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. “Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi thủ tục cấp CMND, hộ chiếu, áp dụng quy chế đặc thù đối với lao động thuộc 62 huyện nghèo theo hướng đơn giản hoá tối đa các thủ tục, giấy tờ, thời gian, địa điểm và cách thức cấp những giấy tờ trên”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho hay. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa: Bộ LĐ-TB&XH sẽ bàn thêm với Bộ Tài chính thống nhất quy trình thanh toán cho DN, ví dụ như sẽ bỏ việc xét duyệt hợp đồng cung ứng lao động huyện nghèo và quy trình giới thiệu hợp đồng, DN về địa phương. Hiện việc xét duyệt thanh toán cho DN vẫn dựa trên cơ sở hợp đồng cung ứng đã đăng ký, DN phải tuyển chọn và đào tạo lao động theo nhóm mới được thanh toán. Tới đây, DN cứ đưa lao động huyện nghèo đi, dù là bất cứ hợp đồng nào, đi cùng với lao động ở những vùng khác cũng sẽ được thanh toán chi phí, quy trình thanh toán sẽ được thay đổi để gọn gàng, đơn giản hơn. Bộ cũng sẽ thực hiện quy trình giám sát mới, thay vì giám sát “đầu vào”, sẽ tập trung giám sát “đầu ra”. Nếu DN đưa lao động huyện nghèo đi để xảy ra các vấn đề rủi ro mà không xử lý kịp thời thì sẽ bị xử lý nặng theo quy định.
Thu Uyên
.
.
.