Giảm nghèo nhờ trồng rau, nuôi bò

Thứ Năm, 24/12/2015, 09:11
Hàng ngàn hộ dân ở 6 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đang có cơ hội thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.


Ngôi “nhà tranh vách đất” của gia đình chị Đinh Thị Huệ (thôn Làng Trá, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) trên diện tích hơn 10 mét vuông đã nói lên cái nghèo của gia đình chị cũng như nhiều hộ gia đình nơi đây. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào việc trồng lúa, ngô, sắn nhưng chưa khi nào gia đình đủ ăn. Chị là 1 trong 10 hộ của xã được hỗ trợ giảm nghèo bằng việc được cung cấp bò giống trong Dự án xóa đói giảm nghèo khu vực Tây Nguyên ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Những hộ nghèo được cung cấp bò giống được gộp chung vào một nhóm và hỗ trợ nhau trong việc chăn nuôi, thời gian nuôi để nghiệm thu trong vòng 18 tháng kể từ khi nhận bò. Sau 18 tháng, nếu bò giống đẻ được bê con hay nghé thì những con vật đó sẽ thuộc về gia đình. Giá trị bò giống ở Quảng Ngãi không hề rẻ, mỗi con trung bình có giá từ 18-20 triệu đồng. Vì vậy, sau 18 tháng mà bò giống sinh con thì số tiền mà các gia đình hộ nghèo có được có thể cải thiện đời sống rất nhiều. 

Chị Huệ bên chuồng bò được hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo.

Ông Lê Tấn Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Ban quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Việc triển khai hỗ trợ người dân nuôi bò trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên sẽ giúp người dân giảm nghèo. Do bò có giá trị lớn nên năm 2016, chúng tôi dự kiến bổ sung thêm một số con vật khác vào chương trình hỗ trợ như lợn, dê để có nhiều hộ được tham gia hơn”.

Chị HKiếp Kpor (Buôn Tul B, Ea Wer, Đắk Lắk) – cán bộ cộng đồng của dự án cho biết, trước đây, người dân cũng đã trồng rau, chăn nuôi gà nhưng khi có sự hỗ trợ của dự án thì việc chăn nuôi, trồng trọt quy củ hơn, khoa học hơn. Các hộ dân được tập huấn về kĩ năng làm đất để trồng rau tươi tốt, hướng dẫn bà con biết cách tiêm để phòng dịch bệnh cho gà. 

Diện tích vườn rau của các hộ dân cũng được tăng lên, có nhà 100m², có nhà 200m², đàn gà cũng đông hơn khi mỗi hộ được hỗ trợ 30 con gà ta. Số gà này nuôi đến khi trưởng thành sẽ sinh nở nhiều gà con, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân.

Sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên với các hạng mục như hỗ trợ bò giống, cung cấp giống lúa mới năng suất cao, tập huấn cho bà con nông dân kĩ năng trồng trọt, chăn nuôi… sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con trong tương lai.

Ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ - Bộ KH&ĐT, Giám đốc Ban Điều phối Trung ương Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - cho biết: “Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã có được những kết quả tích cực. So với các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đang triển khai thì mô hình đang áp dụng với Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên có nhiều ưu điểm như góp phần nâng cao năng lực, cải thiện kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho bà con”.

Mục tiêu của dự án là giảm được từ 20-30% số hộ nghèo ở 6 tỉnh trong dự án. Tính đến ngày 31-10-2015, đã có hơn 8.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này.

Với cách làm mới, cung cấp cho người dân “cần câu” chứ không phải “con cá” cùng sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ cộng đồng dự án, người dân ở các tỉnh được hỗ trợ sẽ từng bước giảm nghèo bền vững.

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được tài trợ bởi vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay vào khu vực này là 165 triệu USD. Dự án được thực hiện từ năm 2014-2019 tại 130 xã thuộc 26 huyện nghèo nhất của 6 tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án.
Sơn Lâm
.
.
.