Giải pháp hạn chế tai nạn tàu cá trên biển

Thứ Năm, 22/04/2021, 07:32
Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân dọc miền Trung liên tục gặp nạn trên biển. Nhiều ngư dân may mắn được cơ quan chức năng, hoặc tàu cá khác cứu sống. Song nhiều con tàu cá cả cuộc đời họ chắt chiu gom góp để có đã bị sóng đánh chìm, và không ít ngư dân mãi nằm lại ở biển khơi.

Tai nạn rình rập trên biển

Chỉ trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dọc bờ biển miền Trung đã có hàng trăm vụ tàu cá gặp nạn. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 3/2021, ở Quảng Bình đã xảy ra liên tục 3 vụ tai nạn tàu cá trên biển.

Cụ thể, lúc 3h30 phút sáng 29/3, tàu cá số hiệu QB 913.91-TS do anh Trương Hải Hòa (SN 1983), trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới làm thuyền trưởng, trên tàu có ba thuyền viên, đang khai thác hải sản tại tọa độ 1704648N-10604460E ngoài khơi tỉnh Quảng Bình thì bị một tàu chở hàng bất ngờ đâm chìm.

Ba ngư dân trên tàu cá rơi xuống biển, các ngư dân may mắn được một tàu cá khác của ngư dân Trương Phi (SN 1989), trú cùng xã Bảo Ninh làm thuyền trưởng đánh bắt cá gần đó phát hiện và cứu vớt an toàn. Trước đó một ngày, tàu cá QB 1171-TS do anh Hồ Văn Thanh (SN 1974), làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang cho tàu vào bờ thì phát hiện ngư dân Trần Ngọc Th không có ở trên tàu.

Lực lượng chức năng ứng cứu một tàu cá của ngư dân gặp nạn trên vùng biển Quảng Bình.

Thuyền trưởng đã cho tàu quay lại vùng biển vừa đánh bắt hải sản cách cửa Nhật Lệ về hướng đông khoảng 38 hải lý để tìm kiếm, đồng thời báo cơ quan chức năng địa phương. Địa phương đã huy động gần cả trăm tàu cá tiến hành tìm kiếm ngư dân Trần Ngọc Th nhưng không có kết quả. Được biết, khoảng 1 giờ sáng cùng ngày, các thuyền viên trên tàu vẫn nhìn thấy anh Trần Ngọc Th đang xem điện thoại phía sau tàu…

Khoảng 4h sáng 3/2, tàu cá mang số hiệu NA - 93704 TS do ngư dân Lê Đức Tưởng (39 tuổi), trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An làm thuyền trưởng cùng 7 ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc địa phận huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì bất ngờ tàu cá bốc cháy dữ dội, sau đó tàu chìm xuống biển. 8 ngư dân đã phải ôm phao cứu sinh, nhảy xuống biển cầu cứu.

Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, các thuyền viên may mắn được tàu cá của ông Trương Đắc Kiên, trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An phát hiện, cứu vớt trong tình trạng ngư dân gặp nạn đã kiệt sức. Tai nạn cũng khá giống như tàu cá NA - 93704 TS là tàu cá BĐ 97692TS của ông Tôn Văn Hùng, trú tại tỉnh Bình Định đánh bắt ở vùng biển Quảng Trị.

Bảy ngư dân trên tàu đang đánh bắt thủy hải sản, thì tàu bị gãy trục láp, trôi dạt trên biển trong khi thời tiết xấu, tàu có nguy cơ bị chìm đe dọa tính mạng các ngư dân. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm suốt đêm và giải cứu thành công 7 ngư dân…

Chúng tôi được một ngư dân ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình cho lên tàu để tìm hiểu thực tế đánh bắt thủy hải sản cùng các ngư dân. Sau gần một ngày quăng quật với sóng biển, thuyền trưởng tắt máy buông neo để các ngư phủ bắt đầu thực hiện công việc của mình.

Tôi đưa mắt nhìn quanh chỉ có sóng biển vỗ rì rào, đất liền xa tít tắp, một nỗi sợ mơ hồ xâm chiếm cả không gian. Người thả lưới, người nấu ăn, người bỏ thuyền thúng câu mực… các ngư phủ lặng lẽ theo việc của mình. Chấp nhận đi biển là chấp nhận “hồn treo cột buồm”. Bởi chỉ cần chủ quan, thiếu may mắn các ngư phủ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Nhiều tai nạn có thể tránh được

Tìm hiểu thực tế và phân tích các yếu tố, nguyên nhân các vụ tai nạn tàu cá trên biển, có thể thấy rất nhiều vụ tai nạn mà ngư dân có thể hoàn toàn tránh được nếu không chủ quan, và được cảnh báo kịp thời.

Thực tế trên biển: Có tàu cá do các ngư phủ say sưa đánh bắt nên đóng các cửa, nắp hầm không kín nước tràn vào các khoang khi gặp sóng to đánh chìm. Có tàu bị tàu bạn đâm do không có các trang thiết bị tín hiệu như đèn, còi, trang thiết bị hàng hải. Thậm chí có tàu chìm do vì bị va đập khi neo đậu không đúng kỹ thuật.

Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi hầu hết tàu cá ngư dân thường sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, trong lúc đó ngư dân lại không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu.

Nhiều tàu cá để cho ngư dân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm, không biết sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc…

Hiện nay, do thiếu nhân lực đi biển, nên nhiều chủ tàu đi tìm các lao động ở các vùng nông thôn, miền núi về đi biển. Nhiều ngư dân đi biển nhưng không được trang bị kiến thức gì về sự rủi ro, khó khăn khi đánh bắt thủy hải sản. Nhiều người đi biển nhưng không hề biết bơi, không quen mang áo phao, lên tàu đánh cá khi nghỉ ngơi thì cầm điện thoại lướt mạng xã hội… vì vậy đã có trường hợp ngồi cầm điện thoại đọc Facebook rồi ngủ gục rơi xuống biển mất tích.

Niềm vui của ngư dân là khi trời yên biển lặng, thuyền cập bến và tôm cá đầy khoang.

Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: Riêng tỉnh Quảng Bình có 6.792 tàu cá, trong đó có 1.207 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Tàu xa bờ thường được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, nhưng lại đánh bắt vùng xa, nguy hiểm nhưng nhiều ngư dân chủ quan.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khi tàu gặp nạn là do các phương tiện tàu hàng trên biển ngày một nhiều nên thường xảy ra va chạm với tàu ngư dân. Bên cạnh đó, khi gió đổi mùa, thời tiết thay đổi (xấu) nhiều khi lại cho kết quả đánh bắt sản lượng tốt hơn nên một số ngư dân chủ quan, đánh liều để ở lại đánh bắt…

Mặc dù đã được các đơn vị chức năng đến nghề cá thông báo bão, gió, ngư trường và khuyến cáo việc vượt ranh giới hàng ngày. Đối với tàu cá ngư dân có chiều dài dưới 11m không phải đăng kiểm, bà con ngư dân thường đánh bắt ở vùng lộng và vùng bờ. Tai nạn tàu cá trên biển thường rơi vào những con tàu này. Bởi ngư dân thường mang tâm lý chủ quan, thân tàu, máy móc thiết bị trên tàu ít được kiểm tra khi rời bờ nên ra biển khi gặp nạn tàu thường hỏng máy, gãy trục, bốc cháy…

Ngoài tai nạn khó kiểm soát trên biển, khi ngư dân không may gặp thiên tai bất ngờ như sóng to, bão lớn thì những yếu tố chủ quan trên đã làm cho ngư dân có những người mãi mãi ở lại với biển khơi. Thiết nghĩ để hạn chế tai nạn trên biển đối với ngư dân, chính quyền các địa phương cùng các ngành chức năng nên thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến mỗi tàu cá, mỗi ngư dân.

Dương Sông Lam
.
.
.