Gia cảnh khó khăn của các nạn nhân vụ nổ lò luyện thép

Thứ Hai, 10/12/2018, 06:53
Đã 3 ngày sau tai nạn nổ lò ở Nhà máy thép Daragon (Công ty Thép Cửu Long), phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (làm 2 người thiệt mạng và 10 người bị thương), không khí tang tóc bao trùm lên gia đình, họ hàng, làng xóm của những nạn nhân xấu số. Cả 2 nạn nhân tử vong đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.


Nạn nhân Vũ V.N, 38 tuổi, trú thôn Hà Đỗ, xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP Hải Phòng, là lao động chính. Vợ anh là chị Trương Thị Hằng 37 tuổi, đang làm công nhân cho một công ty trong KCN Nomura, thu nhập hạn chế. Anh chị có 2 con nhỏ (con gái 6 tuổi, con trai 2 tuổi). Con gái anh sức khỏe rất yếu, còi cọc như đứa trẻ mới lên 3.

Sự ra đi của anh N đã để lại gánh nặng lên vai người vợ trẻ. Anh Trương Văn Thành, 44 tuổi, anh vợ của nạn nhân Vũ Văn N cho biết: "Gia đình chúng tôi rất đau xót trước sự ra đi đột ngột của em N. Các cháu thì còn quá nhỏ dại, lại hay đau ốm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chúng tôi cũng biết việc xảy ra tai nạn là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, gia đình rất mong phía công ty xem xét giải quyết chế độ cho có tình, có lý…”.

Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng chia buồn với gia đình nạn nhân vụ nổ.

Trường hợp nạn nhân Lê Quang Trung, 35 tuổi, trú ở thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương, cũng rất éo le. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Trưởng Công an xã Nam Sơn chia sẻ: “Hoàn cảnh của anh Lê Quang Trung rất đáng thương, bố mất sớm, mẹ anh đã già lại ở xa nhà. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương Thanh, 31 tuổi, làm công nhân cho một công ty gần nhà. Vợ chồng anh Trung có 2 con, con lớn 13 tuổi, con nhỏ mới 5 tuổi…

Khi biết anh Trung gặp nạn, chính quyền địa phương đã đến thăm viếng, động viên gia đình. Sau khi lo hậu sự cho anh Trung xong, địa phương sẽ xem xét hỗ trợ cho vợ con anh…

Bà Nguyễn Thị Mùi, 57 tuổi, mẹ anh Trung, ngồi thẫn thờ bên bàn thờ con trai, vừa khóc, vừa nói: "Tôi già rồi, lẽ ra phải được nhờ con cái, nhưng giờ nó ra đi rồi, bỏ lại mẹ già, vợ con thơ dại biết sống sao đây? Tôi rất lo cho tương lai của 2 đứa cháu, tiền ăn học rất tốn kém. Trong khi đó, lương công nhân của con dâu tôi chỉ được 3-4 triệu đồng một tháng…”.

Cũng theo người nhà nạn nhân Trung cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, đại diện của Công ty thép có đến chia buồn, đề nghị được giải quyết một lần và hỗ trợ 200 triệu đồng, nhưng gia đình chưa đồng ý, muốn để sau khi lo hậu sự cho anh Trung xong mới tính đến chuyện đó.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, UBND và các ban, ngành TP Hải Phòng đã đến thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị tử vong và những người bị thương đang phải điều trị ở bệnh viện. Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết: Công ty thép Cửu Long đăng ký kinh doanh trên địa bàn quận, nhưng vụ tai nạn lò thép lại nằm trên phần diện tích thuộc địa bàn huyện An Dương. Công ty này đã dừng hoạt động nhiều năm nay do thua lỗ.

Ngày xảy ra tai nạn là ngày đầu tiên công ty hoạt động thử nghiệm trở lại. Tuy nhiên, công ty không thông báo với chính quyền địa phương. Ông cho rằng, trách nhiệm giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền huyện An Dương nên quận đã bàn giao cho các cơ quan chức năng huyện An Dương theo qui định.

Được biết, hiện cơ quan điều tra Công an huyện An Dương đang tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xác định trách nhiệm để xảy ra tai nạn.

Văn Thịnh
.
.
.