Gặp tác giả của ý tưởng làm gạch ốp lát tường từ… gáo dừa

Chủ Nhật, 09/04/2017, 08:20
Thoáng nghe câu chuyện gạch ốp lát tường được chế biến thành công từ gáo dừa - thứ phụ phẩm lâu nay chẳng mang giá trị gì mấy cho dân xứ dừa Bến Tre, tôi chẳng ngại chặng đường hàng trăm cây số để về Giồng Trôm, quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định, tìm cho được “tác giả” đã hiện thực hóa ý tưởng khá độc đáo này.


Đến xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, chúng tôi tranh thủ tìm lãnh đạo UBND xã để hỏi và được chị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã này xác nhận: “Đúng! Có chuyện đó! Là anh Luân. Anh này đang công tác tại huyện”.

Nguyễn Nhật Luân là dân chính hiệu “gốc dừa”. Từ hơn chục năm trước, khi mà anh chưa có được tấm bằng kỹ sư điện, trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình xin việc, anh đã suy tư: Sao dân xứ dừa cứ mãi nghèo?

“Dân xứ dừa vẫn duy trì thói quen lấy phụ phẩm từ dừa, trong đó có gáo dừa, làm than, làm củi đốt; thậm chí nhiều người còn lấy đó làm thứ để độn mương. Trong khi vào mạng, tôi thấy ở Nhật, Nga, Mỹ,… người ta săn tìm những nguồn nguyên vật liệu từ thiên nhiên như gáo dừa để làm ra sản phẩm độc đáo, không chỉ tạo cảm giác lạ, thẩm mỹ, lâu bền, không bị mối mọt đụng tới mà nó còn an toàn do gáo dừa có khả năng lọc ẩm, lọc khí độc rất cao; có thể thay thế dần những sản phẩm công nghiệp đậm mùi hóa chất. Họ làm được thì mình làm được. Vậy là tôi bắt đầu làm!”, Luân bộc bạch.

Sản phẩm gạch ốp lát tường từ gáo dừa của Nguyễn Nhật Luân.

Chuyện khởi nghiệp nghe tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm, chàng trai xứ dừa này gặp không ít khó khăn. Đầu tiên vẫn là… tiền đâu?. “Vợ chồng đều là cán bộ công chức, đồng lương ít ỏi, gia đình nông dân chẳng vốn liếng gì nên tôi phải dùng cách lấy ngắn nuôi dài”, Luân kể.

Hiện sản phẩm vỏ bình (dùng để ủ ấm bình trà) làm bằng trái dừa khô (trái dừa cắt ngang) của anh được khách hàng ưa chuộng và trung bình mỗi tháng, anh “xuất” hơn 1.000 sản phẩm loại này.

Từ nguồn bán vỏ bình chưa thật sự đủ vốn, anh tranh thủ huy động thêm từ bạn bè, người thân, từ hỗ trợ của chương trình khuyến công, khởi nghiệp của địa phương (tổng cộng khoảng 100 triệu đồng) rồi mày mò đi tìm mua, tự chế thêm máy móc, thiết bị để “đứa con tinh thần” ra đời.

Cho chúng tôi xem hình ảnh sản phẩm gạch ốp tường khá bắt mắt từ gáo dừa mà tôi vừa tận mắt tại cơ sở, anh Luân kể: “Để được như vầy mình phải trải qua nhiều công đoạn. Gáo dừa khô, mình dùng moteur quay để chà, làm sạch phấn bụi, mùn bên ngoài. Tùy theo đặt hàng của khách mà mình chà đến bóng (mất thời gian hơn 4 giờ) hay chỉ chà thô. Tiếp đó là công đoạn cắt nhỏ gáo dừa thành nhiều mảnh. Sau đó chà góc, dán từng mảnh gáo dừa vào mảnh lưới nilon”.

Luân cho biết trung bình, mỗi 1m2 gạch thành phẩm cần 5kg gáo thành phẩm (đã được cắt nhỏ). Để được 1kg thành phẩm, cần 5kg gáo dừa nguyên liệu.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú chính là giá thành. Tuy là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, được làm thủ công khá công phu nhưng giá chỉ 550.000 đồng/m2, tương đương với giá đá ốp lát granite và rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm tương tự đang có mặt tại thị trường nhiều nước phát triển trên thế giới. 

Được biết, dự án “sản xuất gạch ốp lát tường bằng gáo dừa” của Nguyễn Nhật Luân vừa được Hội đồng khoa học huyện Giồng Trôm, Sở Khoa học – Công nghệ và Sở Công Thương tỉnh Bến Tre thẩm định, phê duyệt. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đề nghị “tác giả” đăng ký thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp theo qui định.

Thái Bình
.
.
.