Game bài đổi thưởng vẫn ngang nhiên “hút máu” game thủ

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:49
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của điện thoại di động smartphone và sự phổ cập của Internet, nhiều game online giải trí được nhập từ nước ngoài về Việt Nam hoặc được nhiều công ty trong nước đầu tư nhân lực và công nghệ để sản xuất game cho điện thoại di động.

Bên cạnh các dòng game kiếm hiệp, bắn súng,… thì dòng game bài cũng phát triển mạnh mẽ, thu hút rất nhiều các đơn vị trong nước tham gia sản xuất và phát hành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xuất hiện các game bài cho phép người chơi quy đổi đồng tiền trong game ra thẻ cào, vật phẩm có giá trị như điện thoại di động, tivi, xe máy…Với hình thức này, có thể nói, các game bài này đang vận hành không khác gì một sòng bạc trá hình.

100% các game bài này đều được phát hành không phép và hiện đa phần đều đang nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan Nhà nước, đây là một thực tế đang diễn ra.

Hiện nay, đã xuất hiện nhiều hình thức "đánh bạc" tinh vi thông qua các game bài; trong đó đáng chú ý có sự tham gia và tiếp tay của không ít các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Trên thị trường, hiện có hàng chục công ty với hàng trăm game bài không phép đang phát hành rầm rộ trên mạng cho người chơi ở Việt Nam, từ chơi trên web đến chơi qua các ứng dụng di động. Có thể kể ra các tên tuổi đình đám trong làng Game Bài hiện nay như iWin, BigKool, iOnline, Trà Chanh Quán…

Hình thức của game đánh bài thì không nhiều, chủ yếu mô phỏng việc đánh bài hoặc có liên quan đến bài bạc ngoài đời thật như Tiến Lên (miền Nam, miền Bắc), Phỏm, Chắn, Xì Tố, Poker, Bầu Cua, Bắn Cá, Mậu Binh, Ba Cây, Xì Dzách… nhưng số lượng công ty phát hành các game này thì rất lớn và sản phẩm cung cấp ra thị trường đã lên đến hàng trăm. Hình thức phát hành game bài tại thị trường trong nước hiện nay chủ yếu qua website và đưa ứng dụng lên các kho ứng dụng di động như Apple Store hay Google Play là chính.

Một trong những hình ảnh của game bài đổi thưởng.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ Đinh Tiến Dũng, Phó chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Game bài bắt đầu xuất hiện ở trong nước vào năm 2007 với Ongame.vn của VDC - Net2E, lúc đó công ty này cũng được cấp phép các game liên quan đến bài như Tulokho, Mậu Binh, Sám Cô.

Đến năm 2009, thị trường có thêm VinaGame (bây giờ là VNG) cũng được cấp phép một số game trên cổng Play.zing.vn như Tiến Lên miền Nam và miền Bắc, Tulokho, Poker. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 công ty này được cấp phép với các game như trên, còn các game khác trên các cổng này đều chưa được cấp phép. Sau hai doanh nghiệp này, từ năm 2010 trở đi, game bài bắt đầu nở rộ, hàng loạt cổng game liên tục xuất hiện tiếp sau đó. Đáng chú ý là các cổng game này đều lấy tên miền .com, nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Song song với việc phát hành game bài không phép qua website, số lượng phát hành ứng dụng game bài qua các kho ứng dụng di động như Apple Store hay Google Play cũng tăng lên một cách chóng mặt. Một số cổng game bài ở trên như Ongame, Thapthanh, Rikvip… đều xuất hiện ứng dụng dành cho di động để người chơi tham gia. Thêm vào đó là các game bài chỉ được cung cấp qua ứng dụng di động như iOnline, Avatar, Game3C, Game Bài Đổi Thưởng, Bigkool, S500-R, BigOne, Bắn Cá đổi thưởng, Game bài đổi thưởng, Xóc Đĩa, Bài Hoàng Gia, 9Play, MeGaWin, Bầu Cua Tôm Cá, Bài 52, BigMax…

Hầu hết các game bài này đều có chung một cách chơi, đó là người chơi tham gia vào các sòng bài ảo trên web hoặc ứng dụng, chọn trò chơi bài mình thích và tiến hành đánh bài. Khi đăng ký, người chơi sẽ được cung cấp một đơn vị tiền ảo trong game, tên gọi tùy các công ty cung cấp game quy định. Khi đánh thua hết muốn chơi tiếp phải tiến hành nạp thẻ cào điện thoại, hoặc thanh toán bằng thẻ ngân hàng… để tiếp tục chơi.

Nếu như trước đây, các đơn vị tiền ảo này không được chuyển ra khỏi game, thì trong vài năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng rất nhiều game bài tiến hành cho người chơi dùng tiền “ảo” trong game để đổi thưởng ra ngoài, phần thưởng là các thẻ cào điện thoại, điện thoại, thậm chí cả xe máy, ôtô… đây được xem như hành vi đánh bạc “ảo” trên mạng.

Các game bài này đều có chung mô hình tổ chức, đó là: tạo dựng sân chơi các môn bài lá (tiến lên, binh xập xám, chắn cạ, poker, xì tố…), cho phép người chơi nạp tiền qua tin nhắn SMS, thẻ cào điện thoại, game, tổ chức các chương trình khuyến mại, đua top, sự kiện may mắn và tổ chức trả thưởng cho người chơi thắng cuộc trong các sự kiện. Về cơ bản, đồng tiền quy đổi trong các game này không có giá trị quy đổi ra tiền mặt hoặc các vật phẩm. Người chơi tham gia chủ yếu để giải trí hoặc thỏa mãn cái tôi cá nhân đơn thuần.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện các game bài cho phép người chơi quy đổi đồng tiền trong game ra thẻ cào, vật phẩm có giá trị như điện thoại di động, tivi, xe máy… Có thể kể ra các game bài có đổi thưởng như: GameBai777, GameBai68, HoiQuan52… Với hình thức này, có thể nói, các game bài này đang vận hành không khác gì một sòng bạc trá hình. Doanh thu của các game bài này đến từ tiền phế trên từng ván chơi.

Chính hình thức cho phép đổi thưởng này đã khiến cho các game cờ bạc phát triển một cách nhanh chóng, mạnh mẽ với doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng. Sự phát triển này kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt công ty tham gia phát hành, thực hiện thanh toán cho game bài. Nhiều công ty mới xuất hiện, nhiều công ty coi game bài là giải pháp để tồn tại trong điều kiện cơ quan thắt chặt quản lý game online.

Có một thực tế là xuất hiện nhiều hình thức "đánh bạc" tinh vi thông qua các game bài; đặc biệt là có sự tham gia và tiếp tay của không ít các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Các game online giải trí hiện nay trên thị trường đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các game đơn thuần giải trí, vẫn đang tồn tại các loại hình game online độc hại và nguy hiểm, đặc biệt là các game bài có chức năng rút thưởng.

Việc ngăn chặn, kiểm soát và hạn chế tác hại của các game bài này cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị có thẩm quyền. Một trong các đơn vị đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển này là các nhà mạng viễn thông, với các đầu số tin nhắn và kênh thanh toán thẻ cào. Do đó, cần thiết phải có các chế tài để quản lý các nhà mạng trong việc thanh toán qua tin nhắn và thẻ cào.

Tiến Dũng- Xuân Mai
.
.
.