Duy trì trật tự vỉa hè phải đồng thời với giải quyết đời sống dân nghèo

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:22
Gần đây, khi quận 1 và nhiều quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu lơi lỏng, ngưng duy trì việc ra quân giữ trật tự vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng tái chiếm vỉa hè lập tức xảy ra.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, một trong những nguyên nhân khiến việc duy trì trật tự vỉa hè ở quận trung tâm nhất của thành phố đã tỏ ra không bền vững là do nhu cầu để xe máy cho khách của hàng chục ngàn hộ dân, cửa hàng kinh doanh trên mặt tiền đường nhưng hiện mới chỉ có rất ít tuyến đường (trong đó có đường Trần Hưng Đạo) được kẻ vạch sơn.

Chiếm trọn vỉa hè để buôn bán mưu sinh ngay tại nơi treo băng rôn cảnh báo mức xử phạt chiếm dụng vỉa hè.

Trên các tuyến đường như: Đề Thám, Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Công Trứ, Phạm Viết Chánh, Nguyễn Thái Bình, vỉa hè và cả lòng đường của các tuyến đường này đã bị nhiều hộ kinh doanh và dân buôn bán tái chiếm; hàng quán tiếp tục “mọc” lên trên vỉa hè. Khu vực phía trước Bảo tàng Mỹ Thuật trên đường Nguyễn Thái Bình, người dân còn căng bạt, dựng lều biến vỉa hè thành một cái chợ tự phát. Tại các tuyến đường này, xe ôtô ngang nhiên dừng đậu dưới lòng đường, nhiều xe đối phó với lực lượng kiểm tra bằng cách bật đèn chờ.

Cuối tháng 4 vừa qua, quận 1 đã công bố rút giấy phép 20 bãi giữ xe trên vỉa hè nhưng đến nay trên nhiều tuyến đường, tình trạng lấn chiếm để trông giữ xe máy vẫn diễn ra, nhất là các tuyến vỉa hè gần một số bệnh viện, tòa nhà cao tầng.

Tại khu vực Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, hai bãi giữ xe án ngữ, chiếm chọn vỉa hè, không chừa một chút làm lối đi bộ cho bệnh nhân và người dân. Đã vậy, dưới lòng đường, xe bán hàng rong, xe taxi, xe dịch vụ vẫn tụ tập đậu tràn lan. Bãi giữ xe trên đường Lý Tự Trọng - trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2, những người quản lý khai thác còn ngang nhiên chăng dây chiếm hết vỉa hè, ngăn cản người đi bộ trên một đoạn vỉa hè dài hàng trăm mét.

Trả lời câu hỏi vì sao “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ của quận 1 bỗng dưng bị chựng lại, khiến vỉa hè bị tái chiếm, ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh văn phòng UBND quận 1 khẳng định “không có chuyện bỏ dở nửa chừng”. Ông Hoàng Anh cho rằng, việc kiểm tra xử lý vỉa hè vẫn được các phường triển khai. Tuy nhiên cán bộ làm công tác dẹp trật tự vỉa hè còn phải lắng nghe ý kiến người dân, rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh việc xử lý và có giải pháp để người dân không tái chiếm vỉa hè.

Trong khi đó, hiến kế về việc duy trì trật tự vỉa hè, ông Huỳnh Quốc - một người dân kinh doanh ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, trong thời đại số hiện nay, việc duy trì “đường thông, hè thoáng” và xử lý vi phạm khá đơn giản. Chỉ cần bố trí người giám sát qua hệ thống camera an ninh hoặc camera giao thông, chỗ nào lấn chiếm lập tức cho lực lượng phối hợp xuống nhắc nhở hoặc xử phạt là xong. Đâu cần phải tập trung lực lượng quá đông ập vào thu giữ phương tiện hay lập biên bản xử phạt, vừa gây tốn kém tiền của và công sức, lại vừa để lại nhiều hình ảnh phản cảm.

“Chủ trương lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là đúng nhưng cần lấy ý kiến người dân từng khu vực, thực hiện phải khả thi chứ không nên làm rầm rộ rồi bỏ ngang, kiểu đánh trống bỏ dùi”, một cán bộ hưu trí ở phường 10, quận 6 cho biết.

TS Dư Phước Tân - cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đã chỉ ra rằng, trong hơn 30 năm qua, chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường của thành phố đã trải qua nhiều giai đoạn, từ quyết liệt cấm đoán chuyển sang chủ trương hạn chế hoạt động và thích nghi dần với thực trạng này. Kết quả khảo sát đối với người buôn bán, mưu sinh trên 10 tuyến vỉa hè ở khu vực trung tâm do ông thực hiện cho thấy, có hơn 65% số người được khảo sát khẳng định sau các đợt ra quân kiểm tra của chính quyền, họ vẫn quay lại buôn bán bình thường.

Để lập lại trật tự vỉa hè ở khu vực trung tâm một cách bền vững, Chủ tịch UBND quận 1 – ông Trần Thế Thuận cho biết quận này đã triển khai thí điểm cho 100 hộ nghèo trên địa bàn được buôn bán thức ăn đường phố theo giờ, tập trung ở 2 đoạn vỉa hè. “Nhưng con số này không thấm vào đâu so với hàng ngàn người dân đang bám vỉa hè buôn bán, mưu sinh trên các tuyến đường lớn nhỏ”, ông Thuận nói.

Chị T, quê Quảng Ngãi - một người bán hàng rong trên đường Nguyễn Công Trứ than thở: “Dân nghèo giờ không được buôn bán ở vỉa hè thì buôn bán ở đâu. Nghe nói có chỗ tập trung buôn bán hàng rong nhưng dễ gì xin vào được, bán ngoài lề đường bị đuổi nhưng vẫn phải bám víu để kiếm sống”.

Đã mặc nhiên tồn tại từ vài chục năm qua, ngành "kinh tế vỉa hè" đang nuôi sống hàng triệu người dân thành phố. Trong khi đó, chiến dịch lập lại trật tự lòng, lề đường tại thành phố đến nay vẫn chưa thể dung hòa được với cả ngành kinh tế vỉa hè. Bởi khi chỉ áp dụng Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng hoặc các văn bản pháp quy về quản lý đô thị để lập lại trật tự vỉa hè, thì chính quyền mới chỉ đạt được một nửa là đúng về mặt pháp lý. Còn xét về tình và đời sống dân sinh, cách làm này chưa đứng về hoạt động kinh doanh của người dân sinh sống ở mặt tiền đường và người nghèo với số lượng lên đến cả triệu người.

Việc đảm bảo trật tự lòng lề đường ở một đô thị văn minh là việc đương nhiên phải làm, nhưng làm thế nào, chọn cách gì để hòa hợp cả tình lẫn lý vẫn là vấn đề các cấp chính quyền thành phố phải lưu tâm.

Quyết liệt nhưng phải có giải pháp căn cơ

Chỉ đạo tại cuộc họp về việc tổ chức xử lý tình hình vi phạm trật tự lòng lề đường vào ngày 24-5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhận xét, nhiều quận, huyện chưa duy trì sau khi ra quân, để tình trạng tái chiếm; làm việc theo lối mòn, chưa thuyết phục…

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, một tủ thuốc, một gánh xôi bán rong buổi sáng nhưng đằng sau đó là cả một gia đình. Vì vậy giải pháp xử lý vỉa hè phải mang tinh thần chia sẻ với người dân. Tuy nhiên, cũng không nên xem vỉa hè là nơi giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, việc giữ trật tự lòng lề đường không phải làm ngày một ngày hai, không nóng vội nhưng cần những cán bộ nói được, làm được. Các quận, huyện cần làm quyết liệt hơn, nhưng cần có giải pháp căn cơ. (PV)

Bảo Sơn - Minh Đức
.
.
.