Đừng làm xấu Đà Lạt khi “du lịch bình dân”

Thứ Năm, 26/07/2018, 08:41
Tiết kiệm để giảm chi phí cho chuyến du lịch là điều đáng quý đối với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đáng buồn là một bộ phận không nhỏ thuộc đối tượng du khách này lại xả rác bừa bãi, phóng uế ngay tại chỗ…


Những cung đường uốn lượn mềm mại vắt qua các triền đồi thông xanh mướt ở khu vực Suối Vàng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 25km, vốn là địa điểm lý tưởng cho các đoàn khách dừng chân dã ngoại. Giữa mùa hè, cả nước nắng nóng nên khi “lạc” vào rừng thông bát ngát, mát rượi, du khách chẳng mấy ai muốn rời xa chốn này. Cũng chính sự hấp dẫn của Suối Vàng, nhiều năm qua nơi đây trở thành địa điểm nấu nướng, ăn uống và xả rác bừa bãi của một bộ phận không nhỏ du khách, nhất là người đi du lịch theo hình thức “bình dân”.

Cũng cần nói thêm, đây là nhóm khách chiếm tỉ lệ không nhỏ, thường có nguồn kinh phí eo hẹp dành cho chuyến du lịch. Bởi vậy, họ tìm cách giảm chi tiêu tối đa cho chuyến đi bằng việc tự túc ăn uống. Tức là chuẩn bị các loại thực phẩm, dụng cụ cần thiết cho chuyến đi du lịch ngay từ ở nhà rồi đem theo. Họ thường lựa chọn những địa điểm tham quan miễn phí làm nơi dừng chân và nổi lửa nấu nước, ăn uống tại chỗ. Thậm chí, không ít nhóm khách còn chấp nhận ngủ luôn trên xe ôtô để giảm chi tiêu.

Những ngày này, không quá khó khăn để bắt gặp các nhóm du khách tổ chức nấu nướng, ăn uống dọc theo hai bên tuyến đường tại khu vực rừng thông ở Suối Vàng. Chị Thủy, một du khách đến từ một huyện giáp biên giới ở An Giang cho biết, gia đình chị cùng 4 hộ khác trong thôn chung tiền thuê một chiếc xe 16 chỗ lên Đà Lạt du lịch 3 ngày hai đêm với giá 5 triệu đồng. Cả 5 gia đình đều làm nông nghiệp nên chẳng khá giả gì.

Để tiết kiệm tối đa cho chuyến đi, các gia đình đã chuẩn bị sẵn 2 bếp gas mini, nước uống và các loại thực phẩm đủ cho gần 20 người lớn nhỏ ăn uống trong 3 ngày đi du lịch ở Đà Lạt. Tài xế là người chuyên nhận tour chở khách lên Đà Lạt nên khá rành về những địa điểm du lịch.

“Biết họ là người cũng chẳng dư giả gì, tôi hướng dẫn họ đến những địa điểm du lịch miễn phí nhiều hơn là các địa điểm có thu tiền. Nông dân mà, ăn ở thế nào cũng được, chẳng than phiền hay đòi hỏi gì. Cái họ quan tâm lớn nhất là chi phí rẻ!..”, anh Tuấn, tài xế được 5 gia đình trên thuê chia sẻ.

Nhóm du khách người nước ngoài đang dọn rác ở khu vực Suối Vàng.

Cách nhóm của chị Thủy không xa là đoàn du khách đến từ Khánh Hòa. Họ cũng vừa nổi lửa nấu ăn trên khoảng đất trống bên đường cạnh rừng thông sau khi ra khỏi Khu du lịch Làng Cù Lần. Trưởng nhóm là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, tên Mừng, cho biết nhóm của anh là 6 gia đình. Nghề nghiệp của những gia đình này là buôn bán vặt ở chợ huyện Diên Khánh. Mùa hè nắng nóng, họ cùng gom tiền, nghỉ buôn bán hai ngày, rủ nhau lên Đà Lạt du lịch.

Ở Đà Lạt, họ chỉ ngủ lại một đêm nên trước khi đi đã chuẩn bị các loại thực phẩm sẵn có hằng ngày vẫn buôn bán để nấu nướng, ăn uống tại chỗ. Về nơi ngủ, nhóm của anh Mừng thuê 3 phòng của một homestay trên đường An Bình, TP Đà Lạt, với giá 1,7 triệu đồng/đêm. “Tính ra chi phí cho chuyến du lịch này mỗi gia đình chỉ phải đóng hơn 2 triệu đồng!…”, anh Mừng cho biết.

Tiết kiệm để giảm chi phí cho chuyến du lịch là điều đáng quý đối với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đáng buồn là một bộ phận không nhỏ thuộc đối tượng du khách này lại xả rác bừa bãi, phóng uế ngay tại chỗ. Điều này đã khiến cho những khu, điểm du lịch miễn phí tại Đà Lạt và các vùng lân cận tràn lan chất thải, nhất là chai lọ, túi nilon, thực phẩm thừa…

Trước việc Đà Lạt đang bị “làm bẩn” bởi rác thải từ hoạt động du lịch, gần đây đã hình thành các nhóm đứng ra tổ chức nhặt rác. Những nhóm này thường quy tụ vài chục người, đến từ nhiều nơi, trong đó có du khách người nước ngoài, vào những ngày cuối tuần, họ thường tới các điểm đang có nhiều rác thải để tổ chức thu gom, với hi vọng làm sạch môi trường và cổ vũ, nâng cao ý thức của du khách và người dân trong việc bảo vệ Đà Lạt từ những việc làm thiết thực nhất.

Khu vực rừng thông, từ địa phận phường 7, TP Đà Lạt, tới Khu du lịch Làng Cù Lần, xã Lát, huyện Lạc Dương, kéo dài hơn 10km, đi trên đường cũng dễ dàng trông thấy từng đống rác thải ngập ngụa. Tệ hại hơn, không ít loại rác thải du lịch bị những cơn mưa lớn mùa hè kéo phăng tất cả xuống hồ Suối Vàng, một hồ cung cấp khoảng 70% nguồn nước sinh hoạt cho thành phố du lịch Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương. Đó là hậu quả rất xấu của những nhóm khách đi du lịch theo hình thức bình dân còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường.

Ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết, những năm gần đây, du khách đến Đà Lạt tăng mạnh, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và hệ lụy, trong đó có việc không ít du khách còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, xả rác, phóng uế bừa bãi, không chỉ trong rừng thông mà ngay cả ở khu vực trung tâm Đà Lạt.

Để giải quyết “vấn nạn” trên, ngành du lịch Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp, như thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, lắp đặt thêm nhiều thùng đựng rác nơi công cộng, điểm, khu du lịch, đặt các biển cảnh báo, tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách trong ứng xử văn minh, xả rác đúng nơi quy định...

Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận, để thay đổi ý thức của du khách, nhất là khách “du lịch bình dân” trong việc xả rác bừa bãi còn gặp rất nhiều khó khăn. “Bên cạnh việc tuyên truyền, chúng tôi cũng đang chú trọng tới các chế tài xử phạt đối với những du khách vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng…”, ông Hoàng Ngọc Huy nói.

Khắc Lịch
.
.
.