Đừng đặt toan tính đời thường vào đời sống tâm linh

Chủ Nhật, 25/02/2018, 16:17
Lễ hội là một tập quán văn hóa tốt đẹp, không phải cần lưu giữ mà tồn tại một cách rất tự nhiên. Chúng ta không chủ động lưu giữ, không muốn thì nó cũng sẽ vẫn tồn tại như thế. Vì nó tồn tại theo nhu cầu của cuộc sống, theo quy luật phát triển bình thường của văn hóa...


Lễ hội đầu năm luôn là tâm điểm gây chú ý mà trong đó, bên cạnh những nét đẹp truyền thống thì được phản ánh nhiều lại luôn là những hình ảnh không đẹp, nếu không muốn nói là xấu xí. Nhân dịp đầu xuân, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đã có buổi trò chuyện, trao đổi thẳng thắn với phóng viên chuyên mục Trò chuyện chủ nhật về nhiều vấn đề đang gây bức xúc quanh câu chuyện lễ hội đầu năm này.

Phóng viên:  Là một nhà nghiên cứu và cũng từng tham gia công tác quản lý văn hóa lâu năm, ông có quan sát và đánh giá về những hiện tượng khiến hình ảnh nhiều lễ hội trở lên méo mó, lệch lạc hiện nay như thế nào?

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Viết Chức: Trước tiên tôi phải nói rằng lễ hội là một tập quán văn hóa tốt đẹp, không phải cần lưu giữ mà tồn tại một cách rất tự nhiên. Chúng ta không chủ động lưu giữ, không muốn thì nó cũng sẽ vẫn tồn tại như thế. Vì nó tồn tại theo nhu cầu của cuộc sống, theo quy luật phát triển bình thường của văn hóa.

Tất nhiên, khi có vai trò quản lý của Nhà nước thì nó sẽ tốt hơn, đúng hướng hơn. Văn hóa có con đường riêng của nó. Những gì thuộc về giá trị, về nhu cầu thì sẽ tồn tại, thậm chí tồn tại ngoài ý muốn của ai đó. Trước đây chúng ta cứ nghĩ chúng ta muốn thế nào thì nó sẽ như thế. Đây là chuyện không đúng.

Thứ hai là, lễ hội mùa xuân hoàn toàn đúng với cư dân nông nghiệp. Cư dân nông nghiệp thì đầu xuân là xuống đồng gieo mạ, cấy lúa. Đến tháng Giêng là tháng ăn chơi vì mọi việc nông nhàn, người ta nghỉ ngơi. Lễ hội gắn liền với mùa xuân còn theo nghĩa của thời tiết, của cuộc sống, cây cối đâm chồi. Ngày xuân là ngày người ta đi hái lộc. Người ta không thể đi hái lộc vào mùa đông hay mùa thu.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

Tất cả những quan niệm truyền thống tốt đẹp ấy được lưu giữ đến tận bây giờ. Chúng ta khó chịu về một số biểu hiện thương mại hóa, biểu hiện lễ hội không đúng với thuần phong mỹ tục nhưng đây chỉ là ở một vài lễ hội. Còn hàng ngàn lễ hội khác đang diễn ra rất đúng đấy chứ?! Tôi nghĩ có thể có những lễ hội này lễ hội khác, nét này nét kia bị méo mó một chút, gây ra phản cảm, nhiều lễ hội gây ra phản cảm nhưng không phải số đông, không phải là đa số. Chúng ta phải rất là bình tĩnh ở chỗ này. Nhà quản lý văn hóa cũng phải rất bình tĩnh.

Phóng viên: Tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy, tranh giành khi đặt lễ... tái diễn ở nhiều lễ hội và chúng ta kêu gọi nêu cao ý thức con người nhiều năm rồi nhưng rõ ràng nếu chỉ kêu gọi thì có vẻ không chuyển biến được, thưa ông?

TS Nguyễn Viết Chức: Bắt buộc phải trông chờ vào ý thức con người thôi. Chỉ có khi nào con người cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình có lỗi với người khác thì dù có lễ lạt như thế nào không xin được bất kỳ điều gì. Những giá trị văn hóa của lễ hội, giá trị con người Việt không phải thế.

Ngày xuân chúng ra đi cầu những điều tốt lành, không có lý do gì chúng ta cầu những điều tốt lành cho mình, cho gia đình, người thân mà lại làm những điều không tốt lành cho người khác. Xả rác là không tốt lành cho người khác. Trong lễ hội, “chặt chém” là không tốt lành cho người khác. Không nhà quản lý nào đi nhắc nhở từng người một được mà chỉ có thể nhắc nhở chung mà mỗi người phải tự răn mình, không làm những điều không tốt. Xưa nay người Việt Nam hiền hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, từ đâu lại nảy ra những điều không tốt như thế?

Phóng viên: Theo ông thì tại sao có nghững chuyện như vậy?

TS Nguyễn Viết Chức: Vì lợi ích của đời thường. Chúng ta đang mang những toan tính của đời thường, áp đặt toan tính đời thường vào đời sống tâm linh. Cứ nghĩ chúng ta làm cỗ cho thật to thì xin được nhiều nhưng không phải thế. Ý nghĩa lễ hội cũng bị hiểu sai đi. Trong lễ hội có trò diễn xướng dân gian diễn lại tích xưa, truyện xưa.

Ví dụ có lễ hội có trò cướp bông, cướp kiếm thì cũng là cướp kiểu ước lệ. Người ta quan niệm người cướp bông thì sinh con gái, cướp được kiếm thì sinh con trai. Lễ hội của làng, còn có cái tình làng nghĩa xóm, biết hoàn cảnh gia đình này hay gia đình khác đang cầu mong có con trai hay con gái mà bố trí vào từng đội cho phù hợp, thậm chí nhường bông, nhường kiếm mà họ cướp được…

Tất nhiên không phải ai cũng được phép tham gia cướp mà người cướp phải không làm gì xấu trong năm, có uy tín. Bây giờ là tự ý cướp và cướp bằng được. Không loại trừ tâm lý tuổi trẻ, háo thắng, muốn thể hiện mình nhưng người làm như thế không hiểu rằng lộc, may mắn phải tự nó đến. Anh không thể cướp lộc, cướp may mắn được.

Nếu người tham gia lễ hội nghĩ rằng có thần thánh, có trời phật thật thì thần thánh, trời phật cũng không ban lộc, may mắn cho những người cố tình cướp. Nếu ai đó không tin, cứ thử đi cướp lộc, cướp may mắn xong thì năm ấy liệu có tốt không? Chắc chắn không tốt.

Người tham gia lễ hội nên hiểu mình tham gia để làm gì? Tham gia lễ hội mùa xuân thường là cầu mong những điều tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, vậy phải thể hiện tinh thần tốt đẹp ấy. Nếu sau lễ hội để lại di hại từ rác thực đến rác trong tâm hồn mình thì không nên đi thưởng ngoạn, tham gia lễ hội.

Phóng viên: Bây giờ rất nhiều di tích mà người ta đi lễ hội, đi cúng lễ không phải chỉ cầu an lành, mưa thuận gió hòa mà cầu rất nhiều thứ. Người ta tin phải cúng mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã thì thần thánh càng phù hộ. Nhiều người dự lễ ném tiền vào kiệu rước, rải tiền lẻ để cầu may mắn, tài lộc đấy ạ.

TS Nguyễn Viết Chức: Hiện tượng này không những phản văn hóa mà tôi tin sẽ còn làm cho chính những người đi cầu mong không may mắn. Vì Phật, thần thánh là đấng tối linh, mình phải kính trọng. Nhét cả đồng bạc lẻ vào tay, vào bất kỳ chỗ nào có thể nhét được, như thế là không tôn kính thần thánh, không tôn kính Phật.

Đi lễ như thế là mang trong mình cái tâm không sáng, tôi chưa nói là tà tâm. Nhiều người nghĩ mâm cao cỗ đầy cho tương xứng với điều mình cầu cũng chẳng phải vì họ cầu quá nhiều, lễ ngần nào cũng không thể tương xứng. Cầu sức khỏe, cầu bình an thôi thì cũng không lễ nào có thể tương xứng được.

Tôi nhớ hòa thượng Thích Thanh Tứ nhắc rằng: Nén hương thấu đến cửu trùng. Đốt hương nhiều cũng không tốt. Tại sao mình lại đốt nhiều? Đạo Phật khuyên con người sống tiết kiệm, chống sát sinh, thanh tịnh. Các biểu hiện nói trên đều hoang phí, di hại cho cuộc sống.

Phóng viên: Nhưng người Việt không chỉ thờ Phật, thưa Tiến sĩ?

TS Nguyễn Viết Chức: Tất nhiên là chúng ta là đa thần giáo, tam giáo đồng nguyên nên mỗi tôn giáo có những quy định quy chế khác nhau nhưng trong đạo Phật thì không khuyến khích. Còn thần thánh, nếu người đi lễ tin là có thật thì họ vẫn là đấng tối linh, chắc chắn thông tuệ, không thể nào không nhìn thấu tâm can của những người đi lễ. Người đi lễ mà tâm không sạch thì làm sao thần phật phù hộ được?

Những hành động phản văn hóa trong lễ hội, có thể người này làm thế vì người này bắt chước người kia, không hiểu bản chất vấn đề. Nếu chúng ta kiên trì giải thích, nói cho mọi người hiểu làm những điều ấy là bất kính, coi thường thần thánh thì tôi tin mọi người hiểu thì không những không làm mà còn biết sợ nữa là khác. Cần phải làm rõ điều này trong dân chúng. Tôi tin, khi mọi người hiểu rõ thì sẽ tự giác làm mà không cần phải cấm hay không cấm và lễ hội Việt Nam sẽ giữ được nét đẹp truyền thống.

Phóng viên: Năm nay cơ quan quản lý chủ động, quyết liệt hơn trong tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội đã từng bị phản ánh là có nhiều biểu hiện lệch lạc, biến tướng từ các mùa trước.

TS Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng làm như thế là đúng. Chúng ta không nên tập trung vào tất cả các lễ hội mà chỉ tập trung vào các lễ hội đã nhiều năm thường xuyên xảy ra những điều mà dư luận đánh giá là không tốt để kiểm tra, kiểm soát kỹ, tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Các lễ hội dân gian cố gắng để nó trở về không gian lễ hội của mình.

Người ta vẫn nói: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Lễ hội dân gian ngày xưa thường gắn bó với một địa chỉ rất cụ thể. Làng nào cũng có lễ hội hoặc có những lễ hội liên xã, liên làng nhưng nhìn chung là quy mô của làng, gắn bó với một không gian cụ thể, với số lượng người vừa phải. Ngày nay, có những lúc quy mô của lễ hội không như cũ mà phát triển hơn rất nhiều. Như thế không phải là không tốt vì lễ hội là làm cho mọi người, dù ở địa phương nào cũng có thể tham gia được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.