Đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH vào cuộc sống

Thứ Năm, 27/06/2019, 09:21
Ngày 23-5-2018, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28). Ngày 8-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28.


Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội  (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai một cách đồng bộ các nội dung của Nghị quyết số 28.

Ngay sau khi Nghị quyết số 28 ra đời, công tác tổ chức việc học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng dưới nhiều hình thức, trên phạm vi cả nước. Qua đó, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có thay đổi nhận thức rõ nét về việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH; xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc phát triển đối tượng tham gia BHXH; từ đó, tăng cường chỉ đạo và có sự vào cuộc quyết liệt.

Người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hân hoan nhận sổ.

Công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28 đã được Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam chủ động triển khai với sự tham gia tích cực của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Bưu điện Việt Nam) và BHXH các tỉnh thành phố, nhằm hướng tới mục tiêu tăng diện bao phủ BHXH, lấy trọng tâm hướng vào đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức với nhiều giải pháp sáng tạo. Kết quả, chỉ tính riêng trong 4 tháng cuối năm 2018, cả nước đã phát triển được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện mới, bằng 20% tổng số phát triển BHXH tự nguyện của 10 năm qua.

Công tác thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 28 cũng được các Bộ, ngành tích cực tham mưu, cụ thể đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, trong đó phân công 26 nhiệm vụ, đề án cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng quy định, chính sách thể chế hoá nội dung cải cách chính sách BHXH theo quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và giải pháp tại Nghị quyết.

Thực hiện cơ chế "một cửa", tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngày 3-8-2018, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Theo đó, các địa phương căn cứ các nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu của Nghị quyết để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho từng loại đối tượng, từng thời gian, từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, có tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nhằm cụ thể hoá quy định của Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15-10-2018 quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tổ chức đàm phán Hiệp định song phương về BHXH với Hàn Quốc; tổ chức các hoạt động trao đổi, tìm hiểu để hướng tới đàm phán chính thức với Nhật Bản; tiến tới việc sớm ký kết các hiệp định song phương về BHXH với các nước nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được bảo đảm quyền về an sinh xã hội.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ ngành thể chế hóa nội dung cải cách mà Nghị quyết số 28 đề ra như: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chungt thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung” và “Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động” trong Dự thảo Bộ luật này.

Chi trả lương hưu cho người tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong năm 2019, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28, đặc biệt trong đó là mục tiêu, phát triển tăng mới được ít nhất 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện (bằng quá trình 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện), theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là hoàn toàn khả thi. Bởi đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, với sự vào cuộc chủ động, quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, Bưu điện Việt Nam và các địa phương. Đạt được sự thống nhất cao của BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra 0\5 giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tính toán và giao chỉ tiêu phát triển số người cụ thể của từng địa phương để ngành BHXH và ngành Bưu điện vận động thuyết phục từng người, từng nhà.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng bên.

Thứ ba, tổ chức 2 hội nghị khu vực với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương nhằm bàn giải pháp thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ.

Thứ tư, chuẩn hoá tài liệu tuyên truyền để triển khai khoảng 5.000 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến từng thôn xóm.

Thứ năm, tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về lợi ích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.

Tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, việc triển khai Nghị quyết số 28 sẽ đưa chính sách BHXH tiếp tục lan tỏa sâu rộng vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân và người lao động.

PV
.
.
.