Du lịch Khánh Hòa đối diện nỗi lo quá tải

Thứ Năm, 06/12/2018, 09:30
Hiện tại, Khánh Hòa có khoảng 1,2 triệu dân nhưng ước lượng năm 2018, tỉnh đón 6,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế.

Như thế, bình quân, mỗi người dân Khánh Hòa sẽ đón khoảng 6 du khách, trong đó có 3 du khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng du lịch tăng cao mang lại doanh thu 20.500 tỷ đồng, góp phần tích cực phát triển kinh tế nhưng cũng đang tạo nhiều áp lực cho địa phương…

Ông Trần Sơn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2019 – Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, việc gia tăng lượng khách du lịch tạo nhiều áp lực về mọi mặt cho tỉnh, từ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho đến các hoạt động dịch vụ khác. 

Nếu chỉ đảm bảo cho 1,2 triệu dân địa phương, giao thông Khánh Hòa hiện nay tương đối ổn thỏa nhưng phục vụ nhu cầu cho 6,3 triệu lượt khách nữa thì không tránh khỏi việc tình trạng đường tắc và nhiều vấn đề khác.

Theo kế hoạch dự kiến, trong Năm Du lịch quốc gia 2019 – Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra từ 31-12-2018 đến 31-12-2019. Dịp này, riêng tại Khánh Hòa sẽ có 61 hoạt động lớn. 

Ngoài đợt lễ khai mạc và bế mạc, các sự kiện như cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, liên hoan du lịch Biển, Tuần lễ festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa 2019, Giải golf quốc tế “KN Golf Championship”, đua thuyền buồm HongKong – Nha Trang 2019… đều hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. 

Nếu năm 2018, với 6,3 triệu lượt khách, cơ sở hạ tầng, các hoạt động dịch vụ của tỉnh Khánh Hòa còn gặp khó khăn thì với lượng khách tăng cao hơn vào năm 2019, sự lo lắng về việc quá tải đối với du lịch Khánh Hòa không phải không có cơ sở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây khách quốc tế đến Khánh Hòa chỉ chiếm từ chiếm 10%  đến 20% tổng lượng khách nhưng hiện nay là trên 40% tổng lượng khách. Tỷ lệ khách quốc tế ngày càng tăng, đòi hỏi dịch vụ du lịch tăng cả về lượng lẫn chất. Hiện tại, Khánh Hòa có 690 cơ sở lưu trú với hơn 32.000 phòng, trong đó có 108 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao với hơn 18.000 phòng. Các dịch vụ giao thông vận tải, ăn uống, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đã được đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hạ tầng giao thông đã tương đối phát triển và đồng bộ hơn cả về đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Đã có hơn 20 hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay quốc tế Cam Ranh với nhiều đường bay thẳng và nối chuyến, giúp du khách dễ dàng di chuyển tới các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác các thị trường du lịch xa hơn, hướng đến đối tượng du khách có mức chi tiêu cao hơn. Hiện nay, Khánh Hòa cũng đã có chủ trương cơ cấu lại hoạt động du lịch cho phù hợp.

Du lịch biển là thế mạnh của Nha Trang, Khánh Hòa.

Cũng theo ông Trung, Năm Du lịch quốc gia 2019, Khánh Hòa không kỳ vọng quảng bá, phát triển du lịch theo diện rộng mà tập trung chủ yếu cho các thị trường du lịch khách có mức chi tiêu cao, có khả năng đi du lịch độc lập, đi các chuyến bay thương mại, đi du lịch tự do, khách có lứa tuổi trẻ, tham gia du lịch theo kiểu đi phượt, khách du lịch mice như Nhật, Hàn Quốc, Australia, Canada và một số nước Tây Âu. 

Năm 2019, tỉnh chỉ đặt mục tiêu phấn đấu trên 7 triệu lượt khách, trên 3 triệu đối với khách quốc tế. Vì hướng đến lượng khách có mức chi tiêu cao nên tỉnh cũng tích cực thực hiện cơ cấu lại về sản phẩm du lịch cho phù hợp. Hiện tại, chi tiêu của khách tại Khánh Hòa chủ yếu mới dừng ở dịch vụ lưu trú, ăn uống. 

Các chi tiêu về mua sắm rất ít. Vì vậy, tỉnh đã liên tục kêu gọi các tập đoàn đưa sản phẩm về, cung cấp hàng miễn thuế để thu hút khách chi tiêu thêm, đưa sản phẩm truyền thống, văn hóa như trầm, lụa vào các làng văn hóa… Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này chỉ mang tính định hướng chiến lược, không thể dùng mệnh lệnh hành chính. Thị trường, doanh nghiệp sẽ hoạt động, tự điều tiết theo nhu cầu thị trường.

Ông Trần Sơn Hải cũng cho  hay, nhiều năm trở lại đây, Khánh Hòa thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện lớn nên bước đầu đã thực hiện khá tốt trong kiểm soát đầu cơ tăng giá các dịp lễ hội cao điểm. Tỉnh đã thực hiện đăng ký kê khai giá bán sản phẩm, dịch vụ, xây dựng các tiểu ban về an ninh trật tự, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường biển… 

Riêng những bất cập về nhân lực cho ngành Du lịch địa phương nói chung, Năm Du lịch quốc gia 2019 nói riêng thì chưa thể khắc phục triệt để trong thời gian gần. Những bất cập này không chỉ riêng với Khánh Hòa mà là với ngành du lịch cả nước và nếu chỉ riêng ngành Du lịch thì không giải quyết được. Nhân lực du lịch liên quan đến câu chuyện đào tạo nghề trong xã hội. 

Nhiều gia đình đầu tư cho con cái học nhưng kinh phí đào tạo ra nghề du lịch cao. Người học xong về các doanh nghiệp làm việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại nhiều. Khánh Hòa đã điều chỉnh bằng cách  tích cực gắn kết hoạt động của các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để người học có thời gian ở trường và thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp hợp lý, khi ra trường có thể làm được việc ngay. 

Hướng dẫn viên cũng là một vấn đề nan giải vì họ hành nghề trên cả nước, di chuyển theo quy luật cung – cầu. Ở đâu du lịch phát triển thì họ di chuyển đến. Hiện nay, Khánh Hòa mới cấp thẻ hành nghề cho gần 12.000 hướng dẫn viên. So với  một số địa phương khác thì hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại địa phương cao hơn, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung và tiếng Nga. 

Ngoài Khánh Hòa, họ còn làm việc ở nhiều địa phương phát triển du lịch khác nên Khánh Hòa phải phối hợp với các địa phương khác mới mong quản lý đội ngũ này hiệu quả, phát huy vai trò của họ trong quảng bá du lịch, đất nước, con người Việt Nam.

N.Nguyễn
.
.
.