Đồng bằng sông Cửu Long lo hạn, mặn gay gắt

Thứ Hai, 26/09/2016, 09:37
Lũ năm nay về cực thấp, thậm chí một số địa phương lũ không tràn đồng như mọi năm là một cảnh báo vào mùa khô năm 2017 hạn, mặn tiếp tục tái diễn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang lo lắng: “Hiện nay đi dọc một số tuyến đường như đường nối Vị Thanh-Cần Thơ, 2 bên đường là những cánh đồng đã gặt hái xong, nông dân đốt đồng khói nghi ngút, nhưng không có nước, điều trước nay chưa từng có vào thời điểm mùa lũ”.

Hạn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL.

Theo ông Đồng, trước thực trạng này, thì chắc chắn năm sau mặn sẽ sớm xâm nhập vào Hậu Giang, trong khi đợt hạn, mặn vừa qua, địa phương còn nợ nần nhiều. Bà Nguyễn Thị Năm (ngụ ấp Long Trường, xã Hoà Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) phản ánh: “Những năm trước, vào mùa này là tôi đốn mía bán cho nhà máy đường xong là lên liếp trồng lúa ngay vì lũ về. Nhưng năm nay, do không có nước, mía còn neo trên ruộng để tăng trữ đường”.

Dù là vào đỉnh điểm của mùa lũ nhưng nông dân tại các huyện của tỉnh Kiên Giang như: Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, An Minh đối mặt với tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, việc xuống giống vụ thu đông của tỉnh này không đạt kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những nơi này gặp khô hạn. Nếu từ nay đến ngày 10-10, những nơi này không có mưa thì Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang sẽ không cho gieo sạ lúa đông xuân 2016-2017 ở một số khu vực.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, an ninh nguồn nước là vấn đề của quốc gia nên cần sử dụng hợp lý, tiết kiệm. “Bộ NN-PTNT cần tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện liên kết vùng, trong đó có nói đến việc chia sẻ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Sánh kiến nghị.

Nhiều nhà khoa học cũng đưa ra nhiều biện pháp giúp người dân ĐBSCL thích ứng với hạn, mặn nếu có xảy ra trong thời gian tới. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ khuyến cáo: “Nông dân có thể trữ nước với khối lượng lớn bằng việc cải tạo kênh, rạch hiện có. Đồng thời, có thể xử lý nước sạch rồi đưa xuống tầng nước ngầm để dùng dần trong tình trạng hạn hán. Khi nước ngọt nhiễm mặn, có thể xây nhà máy khử nước biển để cấp nước sinh hoạt”.

Trường ĐH Cần Thơ cũng đã lai tạo nhiều giống lúa chịu được độ mặn cao. Trong đó phải kể đến giống Một Bụi Đỏ có khả năng chịu mặn từ 6-8‰, giống lúa Sỏi có khả năng chịu mặn từ 9‰-10‰. PGS-TS Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng-Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: “Với độ mặn từ 2‰-5‰, nếu sử dụng giống thường thì lúc lúa trổ và chín dễ bị “hả họng”, tức vỏ trấu của hạt mở ra chứ không khép lại, còn lúc chín hạt sẽ lép dần đi.

Nhưng 2 giống lúa vừa kể trên chịu được mặn suốt từ giai đoạn trổ cho đến chín. Đặc biệt là giống Một Bụi Đỏ cho cơm dẻo, mềm và đặc biệt không sử dụng phân vô cơ, thuốc nên cho nguồn gạo sạch, đủ chuẩn để xuất khẩu”. Trường ĐH Cần Thơ cho biết đang trồng thử nghiệm một giống lúa “siêu” chịu mặn ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Giống lúa này chịu được độ mặn lên đến 12,7‰, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.