Đồng bằng sông Cửu Long khi không còn lũ

Thứ Bảy, 17/09/2016, 10:54
Mùa nước nổi (mùa lũ) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng năm mang theo sản vật, sinh kế cho hàng ngàn người dân trong vùng. Những năm trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, người dân miền Tây không còn cơ hội để “sống chung với lũ” hay mưu sinh trong “mùa lũ đẹp” nữa. Đã vào mùa lũ nhưng ở miền Tây vẫn có những cánh đồng khô khốc; thanh niên lại lặng lẽ rời xứ lên thành phố, các khu công nghiệp mưu sinh…

Kỳ 1: Lũ chỉ còn trong ký ức

Trước đây, hằng năm vào các tháng 8, 9, 10, 11, ở vùng ĐBSCL đều có lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Lũ mang lại những lợi ích, như: cung cấp phù sa, tháo chua rửa phèn, mang lại nguồn lợi thủy sản rất phong phú... Nhưng năm nay, dù đã vào giữa tháng 9, vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nước chỉ mấp mé đồng. Nhiều nơi ruộng trơ đáy, không còn cảnh đồng nước mênh mông; không có các điểm bán sản vật đặc trưng mùa lũ…

Tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi đón nhận lượng nước và cá đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu, những năm trước vào mùa này, cả khúc sông tấp nập người, ghe mưu sinh. Vậy mà năm nay vắng lặng đến ngỡ ngàng. Lũ không về, những cánh đồng ở các địa phương đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp trơ trọi, không còn cảnh sung túc đánh bắt tôm, cá hay cảnh người dân đi hái bông điên điển, hái bông súng, mò cua, bắt ốc…

Ông Huỳnh Văn Gừng (ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang), trầm buồn: “Mùa lũ đẹp” giờ chỉ còn trong kí ức của người dân. Những năm trước, vào tháng này con nước đã tràn đồng, mang theo biết bao sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo vùng lũ. Giờ đây, ghe, lưới đã sẵn sàng, còn người dân thì ngồi ngóng con nước”.

Di dọc theo các huyện An Phú (An Giang), Tân Hồng, Tam Nông (Đồng Tháp), chúng tôi thấy nhiều cánh đồng bỏ hoang vì thiếu nước. Những hộ dân trồng lúa lo lắng bởi theo kinh nghiệm của bà con, năm nào lũ nhỏ thì vụ lúa năm đó rất “khó ăn”.

Búng Bình Thiên, huyện An Phú (An Giang) không còn cảnh tấp nập người đánh bắt thủy sản vào mùa lũ.

Ông Huỳnh Văn Kha (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú), cho biết: Nếu lũ nhỏ, không ngập được cánh đồng, thì đến vụ Đông Xuân bà con phải tốn rất nhiều chi phí cho việc vệ sinh đồng ruộng, từ khâu làm cỏ cho đến tiêu diệt sâu bọ. Đồng thời các cánh đồng sẽ trở nên cằn cỗi vì không được vun bồi phù sa từ đầu nguồn đổ về. Vì vậy, nông dân sẽ tốn thêm chi phí làm đất, mua phân… từ đó nâng giá thành sản xuất. “Ba năm trở lại đây, mỗi năm lượng nước lũ về ngày một ít, thông thường đầu tháng 8 (AL) là nước đã tràn về ngập đồng.

Vào năm 2015, đến giữa tháng 9 nước mới “phân đồng” rồi bắt đầu rút. Năm nay, có thể nước lũ sẽ không đủ để tràn được vào đồng. Đất bị “chai” sau 2 mùa vụ canh tác và chỉ chờ phù sa về để cải thiện, nhưng lũ không về coi như bỏ không mùa vụ 3” - anh Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết. Tại nhiều nơi, người dân trồng lúa đều tính đến giải pháp bơm nước vào ruộng  chuẩn bị vụ Đông Xuân tới.

Gần 20 năm trở lại đây, lũ ở ĐBSCL có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên và đặc biệt là sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng lưu. Sau các trận lũ lớn năm 1994, 1996, 2000, 2001, 2002, hơn 10 năm liền, ĐBSCL chỉ có lũ vừa đến nhỏ, thậm chí rất nhỏ (trừ lũ năm 2011). Tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380-420 tỉ m3 và kéo dài đến tháng 11, 12 như trước đây, đến nay chỉ còn khoảng 300-320 tỉ m3 và hầu như kết thúc vào tháng 11. Thêm vào đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh tiến hành kiểm soát lũ để sản xuất vụ Thu Đông, khiến khả năng trữ lũ của ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (từ 5-7 tỉ m3 xuống 3-4 tỉ m3).

Theo các nhà khoa học, lũ năm nay không về do 2 nguyên nhân chính: các đập ở thượng nguồn và do không có mưa trên sông Mê Kông. Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết: “82% lượng nước mà ĐBSCL nhận được là từ phần hạ lưu vực sông Mê Kông (tính từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống) nên tình trạng khô hạn, ít mưa mới là yếu tố quyết định xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào những tháng đầu năm 2016. Tác động lớn của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn đến ĐBSCL không phải là về lượng nước mà là việc giảm đến 50% lượng phù sa, ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, nông nghiệp và làm cắt đứt quá trình bồ tụ phù sa, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL”.

Trong mùa khô hạn ở những tháng đầu năm 2016, một mặt là do ít mưa, mặt khác do sự trữ nước trong mùa lũ của các đập ở Trung Quốc cũng góp phần làm giảm đỉnh lũ về hạ lưu và lượng nước vào hồ Tonle Sap (Campuchia), khiến mùa khô hồ Tonle Sap không đủ nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn.

TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) cho rằng, vùng ĐBSCL đang bị thiệt hại kép, khi đợt thiên tai hạn mặn lịch sử vừa đi qua thì lại đối mặt với tình trạng lũ không về. Nước lũ về nhiều, tuy gây ngập lụt nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng; đặc biệt là bồi đắp phù sa. Năm nào lũ cao, chắc chắn mùa vụ Đông Xuân của nông dân miền Tây trúng đậm.

Th.s Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho biết, qua số liệu đo đạc từ một số trạm tại Thái Lan đến Campuchia thì mực nước ở lưu vực sông Mê Kông thấp hơn năm 2015 có khi đến 1m. Vì vậy, dự báo lũ về ĐBSCL thấp.

Ông Vinh dự báo: “Quan trọng là từ năm rồi đến năm nay, những cơn mưa lớn hay cơn bão đều xuất hiện ở bờ biển chứ không phải trên lưu vực sông Mê Kông nên không có lượng mưa bổ sung cho con sông này. Hiện nay chưa hết mùa mưa nên chưa thể kết luận điều gì. Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL nên có tâm lý chuẩn bị đối phó với hạn, mặn vào năm 2017 nếu như lũ năm nay về thấp”.

Th.s Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, năm 2015 cũng là năm lũ không về ĐBSCL. Ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, thay vì hằng năm lũ ngập sâu 2-3m thì năm 2015, lũ chỉ tới đầu gối. Điều này cho thấy, vào mùa khô 2016-2017, vùng ven biển sẽ tiếp tục bị xâm nhập mặn, khuyến cáo nông dân ven biển không nên xuống giống vụ Đông Xuân và tăng cường tích trữ nước cho sinh hoạt.

Vì vậy, nếu năm nay không có lũ thì dự báo mùa khô tới đây, mặn tiếp tục hoành hành ĐBSCL nếu không có biện pháp trữ nước và khuyến cáo sản xuất ngay từ bây giờ.

Nhóm PV
.
.
.