Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thách thức lớn về nguồn nước

Chủ Nhật, 17/12/2017, 09:09
Là vựa lúa lớn nhất cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, đặc biệt là trong bối cảnh các thuỷ điện trên dòng chính Mê Kông được xây dựng ồ ạt.


Theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, khoảng 40% diện tích đất tại ĐBSCL có thể bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, đe dọa trực tiếp tới sinh kế của hàng triệu người dân.

TS Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra phức tạp và nhanh hơn các kịch bản dự báo tại ĐBSCL. Việc đẩy mạnh xây dựng thuỷ điện của các quốc gia trên thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản và gia tăng xâm nhập mặn.

“Đã có nhiều quan ngại về tác động tiêu cực của thuỷ điện tới ĐBSCL. Trong khi đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới năm 2030 cũng dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển khu vực. Điều này cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL nếu không có các giải pháp hữu hiệu” – TS Tân nói.

Việc thiếu phù sa sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất nông nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh minh họa

Là chuyên gia phát triển bền vững ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết, mực nước ngầm ở ĐBSCL đang sụt giảm rất nhanh. Hiện toàn khu vực có trên 1 triệu giếng khoan, gây ra sự sụt giảm mực nước ngầm trung bình khoảng 26cm/năm trên toàn vùng, làm sụt lún đất trung bình 1,6cm/năm.

Trong 25 năm qua, nhiều nơi của ĐBSCL đã bị hạ mực nước ngầm hơn 5m, điển hình như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, mức độ sụt lún sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vấn đề sụt lún của ĐBSCL sẽ trở nên đáng lo ngại hơn nhiều so với nước biển dâng (trung bình chỉ khoảng 3mm/năm).

Để cứu ĐBSCL khỏi bị chìm nhanh, cách duy nhất là phải giảm khai thác nước ngầm. Để làm được điều này, vùng ven biển có thể áp dụng các công nghệ lọc nước biển như màng Nano và RO. Đối với vùng nội địa, cần phải khôi phục chất lượng nước mặt bằng cách giảm ô nhiễm.

Theo vị chuyên gia này, việc xây dựng các đập thuỷ điện cũng sẽ ngăn nước về ĐBSCL, làm gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô. Dự báo, sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn tất, lượng phù sa mịn sẽ giảm 50% và 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị các đập giữ lại. Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn mà không có giải pháp nào ứng phó.

Là nhà khoa học có trên 40 năm gắn bó với ngành thuỷ lợi, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam nhấn mạnh, nếu các quốc gia thượng nguồn vẫn tiếp tục xây thuỷ điện, trong tương lai, dòng sông Mê Kông sẽ chết. Về mùa khô, khi các đập tích nước lại, sẽ không còn nước về hạ du. Về mùa lũ, các đập xả ồ ạt sẽ khiến lũ chồng lũ.

“Việt Nam là nước nằm ở hạ lưu dòng Mê Kông, dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể phản đối các nước vùng Mê Kông xây thủy điện vì không có văn bản pháp lý nào ràng buộc. Nhưng ngay từ lúc này, Việt Nam cần phải có phương án trữ nước cho ĐBSCL.

Trong mùa lũ, nước về ĐBSCL rất nhiều, ta phải tích nước lại để sử dụng cho mùa kiệt. Muốn vậy, cần phải khôi phục tính năng trữ nước của hai túi nước tự nhiên là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, ĐBSCL cũng cần thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch canh tác để phù hợp với tình trạng khan hiếm nước trong mùa khô”.

Để phát triển bền vững nguồn nước ở ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng cần tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Không chỉ vậy, ĐBSCL cũng cần thay đổi chiến lược nông nghiệp sang hướng nông nghiệp sạch, giảm thâm canh và đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản.

Trong khi đó, PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ đề xuất, khu vực ĐBSCL cần có quy hoạch tích hợp nước – lương thực – năng lượng nhằm tránh xung đột giữa các ngành; đồng thời xem xét lại Quy hoạch điện, giảm thiểu tỷ trọng nhiệt điện than, trước hết là ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.

Khánh Vy
.
.
.