Đổi mới trên vùng đất văn hiến cách mạng Tam Sơn, Bắc Ninh

Thứ Hai, 03/12/2018, 09:24
Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo cùng niềm tự hào về vùng đất có truyền thống cách mạng vẻ vang, nơi sinh ra người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc Ngô Gia Tự, trong những năm qua, diện mạo xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đổi thay từng ngày, hiện rõ trên từng đường làng, ngõ xóm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.


Tự hào quê hương cách mạng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình và mảnh đất có truyền thống văn hiến cách mạng làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đồng chí Ngô Gia Tự sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia phong trào đấu tranh ngay từ khi còn đi học. 

Trở về quê hoạt động cách mạng, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sau đó tham gia lớp huấn luyện ở Bản Đáy (Trung Quốc). Trở về nước, đồng chí đã tích cực tuyên truyền giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Ninh, Bắc Giang...  

Đặc biệt, đồng chí đã tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó được phân công trách nhiệm làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Tại cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè, đồng chí bị mật thám Pháp bắt ngày 31-5-1930, sau đó bị giam tại nhiều nhà tù và cuối cùng bị đày ra Côn Ðảo. Trong một cuộc vượt ngục không thành công, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.

Noi gương người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc Ngô Gia Tự, nhân dân xã Tam Sơn đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tam Sơn đã huy động hàng nghìn lượt người ra mặt trận, là hậu phương vững mạnh chi viện lương thực cho tiền tuyến. Trung bình, mỗi năm cung cấp cho chiến trường khoảng 500 tấn lương thực, thực phẩm.

Không chỉ làm tốt vai trò hậu phương, nhân dân Tam Sơn còn làm tốt công tác hậu cần, phát động nhiều phong trào thi đua, chung sức bảo vệ quê hương Tổ quốc, tiêu biểu với phong trào “Nghìn việc tốt”. Phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất tam khôi, thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”. Sau đó, phong trào phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước, từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng hăng hái đua nhau làm việc tốt.

Ngày mùng 1 Tết Đinh Mùi (năm 1967), Bác Hồ đã về thăm xã Tam Sơn, động viên nhân dân tích cực thi đua sản xuất, vượt qua gian khó chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Đồng thời, Bác tuyên dương các cháu học sinh Tam Sơn đã làm nhiều việc tốt, căn dặn các cháu cần giúp đỡ nhau làm nhiều việc tốt hơn nữa để chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với nhiều đóng góp to lớn, Tam Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ðảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn được Nhà nước tặng thưởng 343 Huân chương và 164 Huy chương kháng chiến các loại.

Đoàn kết xây dựng quê hương

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Sơn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Xuất phát điểm từ một xã thuần nông, thu nhập của nhân dân xã Tam Sơn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Trước đây, đặc thù ruộng trũng nên sau một vụ lúa, người dân phải bỏ hoang đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đã chủ động tìm tòi các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hơn, tăng gia canh tác, chú trọng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ phù hợp. 

Đến nay, diện tích gieo trồng lúa đạt 99,5%, trong đó, diện tích lúa nếp đạt 90% cho năng suất bình quân 53 ha/tạ, sản lượng đạt khoảng 2.900 tấn. Mô hình gieo trồng lúa nếp hàng hóa đưa Tam Sơn trở thành vùng lúa nếp có quy mô lớn của tỉnh Bắc Ninh với tổng giá trị trồng trọt vụ xuân 2018 ước đạt 35,5 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. 

Bên cạnh đó, người dân tích cực lựa chọn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 12.000 tấn thương phẩm gia súc, gia cầm, đem lại thu nhập ước đạt 13 tỷ đồng.

Song song với phát triển nông nghiệp, Tam Sơn chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 75%, ước đạt khoảng 370 tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ hình thành tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các vùng lân cận, nâng cao mức thu nhập người dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm/người.

Chị Ngô Thị Hồng Liên, người dân thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nói: “Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất anh hùng cách mạng, không chỉ tôi mà người dân nơi đây rất tự hào với truyền thống vẻ vang của quê hương. Cũng nhờ niềm tự hào, lòng tin yêu đó, chúng tôi cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn”.

Đời sống kinh tế phát triển, diện mạo vùng đất cách mạng Tam Sơn được thay đổi từng ngày, sạch đẹp và khang trang hơn. Đường làng, ngõ xóm trong toàn xã được bê tông hóa, đổ nhựa cứng cáp, phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, vận chuyển hàng hóa kinh doanh của người dân địa phương. Hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế xã được đầy tư nâng cấp, xây dựng đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn quốc gia.

Từ một xã nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá, đến nay, Tam Sơn đã trở mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới phát triển bền vững.

Theo ông Ngô Đức Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5%. Phát huy những tiềm lực sẵn có, cùng với sự đoàn kết, sáng tạo, chịu khó của người dân, trong thời gian tới, xã Tam Sơn quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị, tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn Hoàng Bá Huy cho biết, Tam Sơn là một trong những địa phương giàu truyền thống văn hiến cách mạng, phát triển ổn định và vững chắc trên toàn thể các lĩnh vực. Đặc biệt, đây là địa phương có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, tạo liên kết vùng với các xã lân cận như Hương Mạc, Đồng Kỵ, phát triển kinh tế làng nghề.

“Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn đang vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng với truyền thống của vùng đất cội nguồn cách mạng. Với những thành tựu đã đạt được về kinh tế xã hội, nhân dân Tam Sơn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức xây dựng vùng quê cách mạng ngày thêm ấm no, giàu sức sống, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh”, ông Hoàng Bá Huy khẳng định.

Diệp Trương
.
.
.