Độc đáo nghề nuôi cấy ngọc trai trên vịnh Bái Tử Long

Chủ Nhật, 13/11/2016, 10:50
Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có hàng chục nghìn ha diện tích bãi triều ngập nước và hàng vạn ha diện tích mặt nước, khí hậu, môi trường ở vùng Vịnh Bái Tử Long tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc.


Huyện Vân Đồn là nơi tập trung 4 loài ngọc trai có giá trị gồm: trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson.

Đây là những loài trai ngọc rất quý và có giá trị xuất khẩu cao. Trước đây, nghề nuôi trai, cấy ngọc làm theo phương pháp thủ công. Lồng nuôi trai, cấy ngọc được treo lên đầu sào tre, số lượng ít, hiệu quả kinh tế không cao.

Ngày nay, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi trai lồng bè với phao dây theo phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như: treo lồng không quá 2,5m để khi thuỷ triều rút, lồng nuôi được nổi lên trên mặt nước hoặc không chạm được vào đáy, loài khác sẽ ăn trai hoặc con trai sẽ hớp phải bùn…

Công nhân nuôi cấy ngọc trai.

Phương pháp ghép bè thành giàn bằng các cây tre dài và thẳng, diện tích dài hàng trăm m2/khu. Những bè này có thể nuôi trai theo nhiều lứa tuổi, việc di chuyển và chăm sóc trai dễ dàng.

Ngọc trai là sản phẩm mỹ nghệ quý có giá trị kinh tế cao. Vỏ trai là nguyên liệu cho kỹ thuật khảm trai. Thịt trai và cơ trai có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, thịt và ngọc trai có thể làm ra nhiều loại thuốc quý hiếm.

Nhiệt độ và độ mặn là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường ngày của ngọc trai. Trai sống ở vùng biển cạn ở mức thủy triều thấp nhất cho đến độ sâu 75m nước cách bờ khoảng 10-16km. Trai Mã Thị thích ứng với vùng biển, vùng vịnh có độ sâu từ 3-15m nước, đáy biển, vịnh là cát sỏi nhỏ, cát bùn. Nhiệt độ nước biển từ 20-25 độ C, nhiệt độ giảm xuống 13 độ C hầu như trai ngừng hoạt động.

Trai Mã Thị rất nhạy cảm với sự thay đổi nồng độ muối, thích hợp với nồng độ muối cao từ 22 đến 30 phần nghìn phù hợp với vùng biển Quảng Ninh, đặc biệt là vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long có nồng độ muối cao phù hợp với loài Trai Mã Thị.

Theo chị Bùi Thị Thanh, Phó quản đốc phụ trách khu nuôi trai (Cống Đỏ, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), Công ty ngọc trai Taiheiyo Shinju Việt Nam - người có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cấy ngọc trai: vùng biển huyện Vân Đồn là môi trường thuận lợi cho việc nuôi trai lấy ngọc.

Đây là vùng vịnh nơi đây kín gió, nước sạch, phù du sinh vật phong phú, đa dạng là nguồn thức ăn tốt cho trai ngọc.

Nhiệt độ và nước mặn rất phù hợp cho môi trường sinh sống và phát triển của ngọc trai. Nuôi trai trên bè nổi hoặc phao dây. Trai dùng để cấy ngọc là trai nguyên liệu, hoặc gọi là trai mẹ. Trai hai năm tuổi có thể cấy ngọc. Trai cấy ngọc phải chọn đủ quy cỡ, trọng lượng từ 30 đến 40 gram/con, phải thật đều để sản phẩm ngọc trai đồng đều.

Trước khi đưa trai vào cấy, ngọc trai được đưa vào lồng nhựa hoặc lồng tre để xử lý làm vệ sinh. Dụng cụ cấy ngọc gồm: giá cấy ngọc, kìm mở vỏ trai, dao cấy, kìm đưa hạt, kìm giữ, dao cắt tế bào, phanh các loại, kéo cắt tế bào, giá gỗ...

Nhân ngọc làm bằng nhựa tổng hợp, vỏ các loài nhuyễn thể. Nhân ngọc có kích thước từ 2mm đến 10mm, mỗi trai cấy hai viên nhân (bên trái và bên phải).

Công nhân dùng kìm mở miệng trai, dùng dao rạch và đưa nhân vào phần mềm của màng áo ngoài tạo thành một cái túi, miệng túi bằng đường kính của viên nhân. Sau đó, công nhân dùng kim đưa miếng tế bào vào đáy túi, đưa hạt nhân vào ép sát miệng mô tế bào.

Miếng mô tế bào tái sinh bọc lấy viên nhân tiết ra chất ngọc bám vào nhân ngọc tạo thành viên ngọc. Sau khi ghép nhân, trai rất yếu phải nuôi hồi sức trong lồng. Trai được nuôi trong 10-15 ngày rồi đưa lên xác định tỷ lệ trai chết hoặc nhả nhân. Trai sống và ngậm nhân được chuyển sang lồng nuôi đến khi thu hoạch.

Công đoạn cấy ngọc đòi hỏi tay nghề của người thợ phải rất chính xác. Nếu đặt lệch, mô tế bào không bọc được viên nhân, nhân ngọc sẽ vô giá trị, không tạo thành được viên ngọc.  Con trai tiết ra chất xà cừ (carbonate calcium) khi có vật lạ lọt vào cơ thể. Theo thời gian, hàng nghìn lớp xà cừ mỏng bao bọc dần và hình thành nên viên ngọc.

Chất lượng ngọc trai được xác định bằng các tiêu chuẩn như: kích thước, hình dáng, màu sắc, độ khúc xạ ánh sáng, bóng mịn của bề mặt, độ dày của lớp xà cừ bao bọc viên ngọc và độ đồng nhất của các viên ngọc trong chuỗi hay một bộ nữ trang.

Đăng Hùng
.
.
.