Địa phương than “khó” trong quản lý rượu thủ công

Thứ Ba, 04/04/2017, 08:12
Sau 2 tuần triển khai tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên phạm vi toàn quốc, đã có trên 40.000 lít rượu và hàng trăm chai rượu không nguồn gốc bị tịch thu. Tuy nhiên, ngay sau thời gian ngắn triển khai, nhiều bất cập cũng đã được các địa phương phản ánh trong quản lý mặt hàng này. 


Tại Hà Nội, Sở Công Thương đã tổ chức tổng kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc rượu với 689 đoàn kiểm tra, trong đó 45 đoàn tuyến thành phố; 60 đoàn liên ngành tuyến quận, huyện, thị xã và 584 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn.

Tại Bắc Ninh, Sở Công Thương đã phối hợp với Phòng kinh tế các huyện, thị xã lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề sản xuất rượu thủ công tại những địa bàn tập trung nhiều hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ. Sơn La thậm chí đã xây dựng kế hoạch kiểm tra từ giữa tháng 3 cho đến nửa cuối tháng 6 năm nay.

Kết quả kiểm tra bước đầu trong tháng 3 cho thấy: Chi cục Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm, từ các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai... đến các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... đã kiểm tra 966 vụ, phát hiện sai phạm và xử lý 491 vụ với số tiền phạt gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng. 

Trong đợt ra quân này, 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu và 59 vỏ chai rượu đã bị tạm giữ hoặc tịch thu. Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.

Câu hỏi quản lý rượu thủ công thế nào cho “trúng” vẫn chưa có câu trả lời.

Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhiều nơi mới chỉ ở bước lập kế hoạch và phân giao nhiệm vụ để chuẩn bị thực hiện, nhưng một số địa phương đã có báo cáo về bất cập phát sinh. Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh và Kon Tum cho rằng đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập, nên không chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm này.

Việc sản xuất diễn ra không thường xuyên, nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề đã được lường trước ngay khi vấn đề quản lý thị trường rượu được đặt ra. Nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi: Yêu cầu có giấy phép với từng người dân sản xuất tại gia đình thì có thực tiễn hay không, nếu đặt ra thủ tục quá phức tạp, người dân sẽ không tuân thủ mà chỉ đặt ra để đó.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiết lộ: Từ 2012 đến nay, cả Hà Nội mới cấp được 3 giấy phép cho cơ sở nấu rượu thủ công. Đây là thực tế phải nhìn nhận để đặt ra cách quản lý cho phù hợp, chứ không phải xây dựng Nghị định thật chặt nhưng ai cũng vi phạm.

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân ngày 3-4, ông Nguyễn Đắc Lộc cũng cho biết từ thực tế kiểm tra cho thấy việc xử lý hiện nay rất vướng. “Rượu có một nghị định chuyên ngành về quản lý nhưng lại không có nghị định chuyên ngành về xử phạt như phân bón hay xăng dầu. Chúng tôi đã kiểm tra một cơ sở có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất rượu, không công bố hợp quy và không có hóa đơn chứng từ, thu 4.000 lít rượu, kiểm tra chất lượng đảm bảo, vẫn phải tịch thu, tiêu hủy.

Lại kiểm tra một trường hợp ở Bắc Ninh bán vào Hà Nội, có đầy đủ hết tất cả: đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, công bố hợp quy và có hóa đơn chứng từ, chất lượng đảm bảo, chỉ không có tem sản phẩm – cũng phải tịch thu, tiêu hủy. Nếu có nghị định chuyên ngành về xử phạt, thì người ta vi phạm về thuế (thiếu tem, nhãn) thì chỉ xử phạt lỗi đó thôi, sản phẩm có thể tái chế, đây đều phải tịch thu, tiêu hủy hết, rất lãng phí và thiệt hại cho người dân. Đâu đó có rất nhiều vấn đề trong xử lý an toàn thực phẩm bị vướng và chỉ có thể giải quyết ở cấp Bộ. Chúng tôi đã có kiến nghị để tháo gỡ sớm” – ông Lộc bày tỏ.

Ngoài những vấn đề trên, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện địa phương chưa được bố trí nguồn ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm nên việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc lấy mẫu test nhanh hàm lượng methanol trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ.

Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu hiện nay cũng chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Địa phương hiện cũng thiếu cán bộ chuyên trách nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở chưa được thường xuyên, thiếu sâu sát, trong khi số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chủ yếu nhỏ lẻ, phân bố rải rác... Mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường rượu, nhưng những câu hỏi đặt ra về quản lý rượu ở quy mô hộ gia đình vẫn chưa có câu trả lời.

Vũ Hân
.
.
.