Để thích ứng với hạn, mặn ở Tây Nam Bộ:

Sự chủ động của người dân là yếu tố quyết định

Thứ Tư, 13/05/2020, 06:58
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ năm 2020 đã vượt ngưỡng lịch sử 100 năm qua. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần dự báo, tính toán tính cực đoan của thời tiết, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung và hạn, mặn nói riêng.


Tính đến nay, có 6 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. 

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục Trưởng cục quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), trước những tác động nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, các ngành, các cấp đã chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục từ tháng 6-2019, chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sớm, quyết liệt các giải pháp ứng phó.

Hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang đang được khẩn trương xây dựng tại xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy).

Do hạn hán kéo dài, hồ Kênh Lấp (Bến Tre) bị nhiễm mặn, khiến không ít người hoài nghi về giải pháp xây hồ trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, theo các địa phương, đây vẫn là giải pháp khả thi nhất. Hiện, một số công trình hồ trữ nước ngọt đang được triển khai ở các tỉnh miền Tây.

Tại Hậu Giang, công trình xây dựng hô trữ 1,8 triệu mét khối nước ngọt của tỉnh chưa hoàn thành, nhưng ông Trần Thanh Nhi (nông dân xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy) rất kỳ vọng vào dự án này. Có hồ chứa, những nông dân như ông Nhi không phải lo thiếu nước sản xuất, sinh hoạt khi bị hạn, mặn.

Ông Nhi cho biết: “Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều tỉnh miền Tây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là nông dân như chúng tôi. Là nông dân trồng lúa bao năm qua, tôi thấy Nhà nước đầu tư hồ chứa nước ngọt như thế này là quá tốt”. Hồ trữ nước ngọt của tỉnh Hậu Giang có vốn đầu tư 164 tỷ đồng, diện tích 50ha. Trong đó, phần mặt hồ rộng 21ha đang được thi công.

Dự kiến tháng 3-2021, hồ hoàn thành cung cấp nước cho khoảng 248.000 hộ dân địa phương. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hồ chứa nước của tỉnh nằm vùng ngọt, giữa địa giới hành chính tỉnh. “Chúng tôi đề phòng trường hợp mặn xâm nhập sâu cũng không ảnh hưởng đến hồ chứa. Ngoài trữ nước, tỉnh có kế hoạch phát triển du lịch, năng lượng mặt trời từ dự án đang được triển khai”, ông Tuyên cho biết.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, ứng phó với hạn, mặn khó khăn, tốn kém hơn việc chủ động sống chung với nó. Nhưng, xâm nhập mặn vẫn là một trong những cơ hội để khai thác những lợi thế mà nó mang lại cho cư dân ven biển.

“Thay vì lấy lúa làm gốc, nhất nhất vùng nào cũng trồng lúa, bà con nông dân có thể thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nuôi trồng những loài có mức độ thích nghi với môi trường ổn định hơn. Như vậy, thách thức sẽ được biến thành cơ hội để ĐBSCL phát triển bền vững trong tương lai”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, cần kêu gọi nông dân ở những khu vực này không nên trồng lúa vào mùa nắng. Đồng thời không nên ngọt hóa vùng mặn vì sẽ không đủ nước để ngọt hóa vùng mặn. “Thay vào đó, người nông dân cần chủ động, linh hoạt biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Nhà nước hỗ trợ và đảm bảo đầu ra cho những nông sản mới. Chẳng hạn, thay vì trồng lúa ở những vùng rất dễ bị hạn mặn, tổn thương, thì có thể chuyển thành những vùng trồng cây ăn trái hay rau màu cao cấp”, ông Xuân nói.

Trong cuộc chiến ứng phó với hạn, mặn, sự chủ động của người dân được xem là yếu tố quyết định thắng lợi. Không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền địa phương, người dân ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã tự tìm hướng đi riêng, bằng cách điều chỉnh mùa vụ, chuyển đổi mô hình từ 3 lúa sang 2 lúa 1 màu, 1 lúa 2 màu, lúa-tôm hay trồng rừng nuôi tôm... nhằm bảo vệ thành quả của mình.

Ông Lê Văn Vui (ngụ Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, những năm trước, gia đình ông sống bằng nghề trồng lúa nhưng không hiệu quả. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khiến người dân ngày càng khó khăn, vì thế địa phương kêu gọi bà con chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn. “Gia đình tôi chuyển sang trồng cây mãng cầu xiêm mỗi năm cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát này nước ngập không chết, còn hạn, mặn cũng không sợ vì sức sống của bình bát vô cùng mãnh liệt”, ông Vui chia sẻ. Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL) cho biết, mùa khô 2016, miền Tây Nam Bộ đã trải qua một mùa hạn mặn gay gắt, năm nay lặp lại một lần nữa, nhưng cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung là không nên vội vã “bi đát hóa” rằng, ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước và cho rằng đây là tình chung trong tương lai rồi hốt hoảng.

Ngược lại, chúng ta cần tính toán tính cực đoan của thời tiết của năm 2016 và năm 2020 làm chuẩn cho việc xây dựng chiến lược lâu dài ứng phó trong bối cảnh BĐKH, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn. Ông Thiện cho rằng, người dân phải thích ứng với hạn, mặn; phải phân biệt năm cực đoan và phi cực đoan. Năm cực đoan nên có phương án để ứng phó tình huống. “Bình thường hết năm cực đoan là trở lại những năm phi cực đoan.

Chiến lược năm nay vẫn là né hạn, mặn. Bởi thực tế, hạn, mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng; chủ động dự báo và “né” là hoàn toàn hợp lý. Năm 2020, chúng ta phải dành lời khen cho ngành Nông nghiệp, bởi nhờ có dự báo sớm và khuyến cáo bà con xuống giống sớm, nên dù tình hình thời tiết gay gắt hơn nhưng việc né vụ đã tránh được thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp”, ông Thiện nói.

Theo TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế ĐBSCL), Nghị quyết 120 của Chính phủ cho vùng ĐBSCL đã có, đó là tầm nhìn dài hạn, tư duy thích ứng “thuận thiên”, phát huy kinh nghiệm truyền thống bản địa. “Tuy nhiên, đây mới là cái khung tạo thuận lợi cho người dân. Cơ quan chức năng phải có cảnh báo sớm để người dân dịch chuyển.

Nếu như không nâng cao được năng lực cảnh báo sớm của các cơ quan khoa học thì người dân cũng không biết. Bên cạnh đó phải đồng bộ hạ tầng, nhất là nông nghiệp. Thứ ba, là nâng cao năng lực. Nếu trước đây bằng kinh nghiệm sản xuất, truyền thống thì bây giờ phải bước sang kinh tế tri thức, người dân phải nắm được thông tin. Ngoài thông tin về thời tiết, thuỷ văn thì còn thị trường nữa”, TS Trần Hữu Hiệp chia sẻ.

Đức Văn
.
.
.