Đề nghị cải cách và nới lỏng điều kiện đăng ký hộ khẩu

Thứ Năm, 16/06/2016, 11:37
Đa số người dân trong cuộc khảo sát đều cho thấy rằng hệ thống đăng kí hộ khẩu cần được nới lỏng hơn, cần được cải cách, vì nó đã hạn chế quyền tự do cư trú của công dân...

Hầu hết giao dịch dân sự cần sổ hộ khẩu

Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng kí hộ khẩu ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu củaNgân hàng Thế giới tại Việt Nam và Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được công bố sáng nay (16-6) tại Hà Nội cho biết, những người tạm trú thường phải trả tiền điện cao hơn người có đăng kí thường trú.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết: “Nhìn từ góc độ phương diện quản lý xã hội, ở Việt Nam cuốn sổ hổ khẩu được sử dụng như một công cụ quan trọng, song trên thực tế hệ thống đăng kí hộ khẩu đã gây rất nhiều khó khăn, trở ngại cho người dân, đặc biệt là những người di cư không có hộ khẩu thường trú nội tuyến”.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện trưởng Viện Xã hội học phải biểu khai mạc hội thảo.

Sổ hộ khẩu ra đời từ những năm 50 của thế kỉ trước, là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Đến nay hầu hết các giao dịch dân sự đều yêu cầu có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ là điều cần thiết bắt buộc như công chứng, xin cấp giấy xin phép kinh doanh, vay vốn, đăng kí xe…

Trong vấn đề bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh hàng ngày, cuốn sổ hộ khẩu được sử dụng tạo cơ sở mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, từ đó xác minh được việc khám chữa bệnh có vượt tuyến hay không.
Khách mời tại buổi Hội thảo.

“Đa số người dân trong cuộc khảo sát đều cho thấy rằng hệ thống đăng kí hộ khẩu cần được nới lỏng hơn, cần được cải cách, vì nó đã hạn chế quyền tự do cư trú của công dân...” – ông Đặng Nguyên Anh cho biết thêm.

Người tạm trú thường phải trả tiền điện cao hơn

Kết quả báo cáo cho thấy rằng, người tạm trú phải trả tiền điện cao hơn do không được áp dụng chế độ giá bậc thang theo mức tiêu dùng mà thường phải trả mức phí cố định theo kilowat giờ. Trong số những hộ phải trả mức phí cố định cho chủ nhà theo HRS, mức phí trung bình là 2884 đồng/kwh, cao hơn một chút so với mức giá cao nhất trong thang giá điện lũy tiến (2846 đồng/kwh cho mức tiêu thụ vượt 400kwh)

Luật điện lực có điều khoản cho phép áp dụng thang giá điện lũy tiến với người thuê nhà không có hộ khẩu. Nhưng thực tế, điều khoản này rất ít khi được vận dụng. Do các chủ thuê nhà có thể chuyển chi phí cho người đi thuê, họ không cảm thấy có động lực để áp dụng điều khoản này trên thực tế.

Nhiều ý kiến đề nghị hệ thống đăng kí hộ khẩu cần được nới lỏng hơn...

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Cần có cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam”.

Ngoài ra, kết quả báo cáo cho thấy tầm quan trọng của hệ thống hộ khẩu càng ngày càng giảm đi. Một loạt những cải cách trong thời gian gần đây đã làm giảm tầm ảnh hưởng của hệ thống này, cụ thể là thủ tục đăng kí tạm trú đã dễ dàng hơn. Đáng chú ý, Việt Nam đã tiến xa hơn Trung Quốc trong tiến trình cải cách hệ thống đăng kí hộ khẩu.

Thúy Hằng
.
.
.