Hành hương Vía Bà đầu xuân tại phương Nam:

Để mùa hành hương bình an

Thứ Sáu, 17/02/2017, 10:39
Bên cạnh nỗ lực của lực lượng Công an, chính quyền địa phương tại những nơi có điểm hành hương của phương Nam đã triển khai các giải pháp mang tính cương quyết, nhằm lập lại trật tự tại các điểm thu hút đông đảo khách hành hương, tạo ấn tượng tốt đẹp. Những đối tượng có hành vi như bán hàng gian lận, móc túi, chèo kéo khách, bói toán… bị xử lý và dần bị thu hẹp “đất sống”.

Trong những ngày lưu lại Châu Đốc, ngoài việc một số du khách bị lường gạt chuyện “nhang đèn, muối gạo”, tình hình ANTT tại đây có nhiều cải thiện đáng kể, với sự nỗ lực của lực lượng Công an. Trong 2 năm trở lại đây, lãnh đạo UBND TP Châu Đốc quyết tâm loại bỏ các TNXH quanh khu vực miếu Bà Chúa Xứ để du khách được an tâm. Điều dễ nhận thấy quanh khu vực Núi Sam không xuất hiện tình trạng ăn xin...

Từ 4 giờ sáng Rằm tháng Giêng, hàng trăm lượt phương tiện các loại nườm nượp đổ về khu vực miếu Bà, gây nên cảnh ùn tắc cục bộ.

“Sau Tết, hầu như ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, các phương tiện đổ đồn về đây rất nhiều. Mấy anh em giao thông, Công an phường và Cảnh sát trật tự, cơ động chia làm nhiều tổ tiến hành, phân luồng giao thông cho các phương tiện di chuyển được dễ dàng”, một cán bộ CSGT Công an TP Châu Đốc đang lau giọt mồ hôi trên trán nói với PV.

Lực lượng Công an nỗ lực điều tiết, phân luồng tạo thuận lợi cho các phương tiện di chuyển.

Ngoài việc điều tiết giao thông, trong buổi sáng hôm đó, các anh phải kiêm luôn nhiệm vụ tìm trẻ lạc. Một bà mẹ trẻ ở Đồng Nai đi viếng nhưng lạc mất đứa con trai 12 tuổi. Trong lúc người mẹ trẻ tìm con, cán bộ CSGT đã chở đứa trẻ đang đứng khóc ngay ngã ba chen đặc người vì bị lạc mất mẹ để về trụ sở Công an phường. Qua bộ đàm, Trung tá Dương Hữu Hoà – Phó trưởng Công an phường Núi Sam đã kết nối với các tổ công tác đang làm nhiệm vụ, thông báo trên loa phát thanh về trường hợp của cháu bé. Chưa đến 10 phút sau, người mẹ hớt hơ hớt hải đến Công an phường nhận con, trong niềm hạnh phúc...

Trung tá Hoà bày tỏ: “Công an phường phối hợp với lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự đảm bảo tốt ATGT, phối hợp với trinh sát hình sự thực hiện công tác phòng ngừa móc túi, cướp giật. Sau Tết, tỉnh đã tăng cường thêm Cảnh sát cơ động để cùng bảo an toàn cho khách hành hương. Riêng ngày cuối tuần, Công an phường trực 100% quân số, phối hợp bố trí thêm 3 chốt, điểm ngay chùa Tây An đến cuối Cua Đình và ngay trước khu vực miếu Bà để đảm bảo, ngăn chặn nhóm đối tượng… nhang, đèn, muối, gạo, không lừa gạt khách hành hương”.

Du khách hành hương về Khu du lịch Núi Sam.

Thượng tá Phạm Thành Mỹ, Trưởng Công an TP Châu Đốc cho biết, Châu Đốc là địa bàn trọng điểm về du lịch của ĐBSCL nên lực lượng Công an tập trung quyết liệt, chủ động, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Với khẩu hiệu hành động: “Châu Đốc là địa bàn du lịch xanh sạch và tăng trưởng xanh, văn minh, thương mại”, Công an Châu Đốc đã đề xuất và được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền và ngành chức năng. Theo đó, việc mua bán phải niêm yết giá cả rõ ràng, chất lượng, vệ sinh được đảm bảo ATTP, không để xảy ra cháy nổ. 

Theo lãnh đạo Công an TP Châu Đốc, từ năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp quốc gia. Ngoài phần Lễ được tổ chức trang trọng theo lối cổ truyền, phần Hội cũng được tổ chức trọng thể hàng năm.

Tại Bình Dương, Thiếu tá Hà Minh Thắng, Phó Trưởng Công an TP Thủ Dầu Một, cho biết, để đảm bảo an toàn cho du khách thập phương tham gia Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu dịp rằm tháng Giêng vừa qua, lực lượng CSGT đã thường trực điều tiết giao thông các tuyến đường dẫn vào chùa Bà từ những ngày đầu xuân. Khác với mọi năm, công an tỉnh Bình Dương đã bố trí nơi dừng đậu xe ôtô, niêm yết giá cả phục vụ du khách tại Công viên Thanh Lễ, đường Bạch Đằng, khu dân cư Chánh Nghĩa.

Tại khu vực chùa Bà, lực lượng Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện đối tượng nghi vấn trộm, móc túi, mê tín dị đoan…; đồng thời, kịp thời giải quyết các tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra, đặc biệt lễ rước cộ (kiệu) chùa Bà với hơn 40 đoàn múa lân, hàng chục vạn du khách tham gia, kéo dài đoạn đường gần 3km.

Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh và mật phục hiệu quả mà lực lượng Công an chưa phát hiện trường hợp trộm cắp, móc túi lúc du khách dâng hương và rước cộ Bà chùa Bà trong TP mới Bình Dương và chùa Bà.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, trên bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, chúa Liễu đã từ Phủ Giầy (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa) đi về phương Nam, tạm dừng ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp bà Pô Nưgar tại Nha Trang (Khánh Hòa), gặp bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc (An Giang)... Tất cả các bà đều là một Mẹ duy nhất trong tâm thức của tín ngưỡng và tập tục thờ mẫu của người Việt...

Do ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo cùng với các tín ngưỡng đồng bóng của dân gian mà các vị thần được thờ chủ yếu là nữ, như: Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thượng Ngàn, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Cố Hỷ, Bà Thủy, Bà Hỏa... và Bà Chúa Xứ trở thành một dạng như "Phật Bà Quan Âm" (đối với người Việt), "Bà Mã Hậu" hay "Thiên Hậu Nương Nương" (đối với người Hoa). Bà được tin tưởng đến độ có rất nhiều huyền thoại về "quyền lực linh thiêng" của Bà trong việc "ban phúc, giáng họa" cho con người.

Nhóm PV
.
.
.