Để một chủ trương nhân văn không bị "chết yểu"

Thứ Sáu, 30/11/2018, 09:16
Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh quy định về phân loại rác, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24-11 vừa qua. Trong đó, áp dụng mức xử phạt dành cho người vi phạm sẽ lên tới 20 triệu đồng…


Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều nơi vẫn đang diễn ra cảnh chính quyền thì bị động, lúng túng, còn người dân thì không mặn mà thực hiện. Rất cần một giải pháp đồng bộ để một chủ trương mang tính nhân văn này sẽ không bị tình trạng ... “chết yểu" .

Ban ngành sốt ruột...

Cho rằng việc phân loại rác là vấn đề rất cấp bách, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Việc này  nhằm đi đến chủ trương sử dụng được nguồn rác hữu ích, có thêm nguồn nguyên liệu để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Mục tiêu của thành phố không phải xử phạt các hộ dân không phân loại rác để lấy tiền, mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

Cũng theo ông Thắng, kì vọng của chương trình này cũng nhằm sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải trên địa bàn. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác thải gây ra. “Song nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn thờ ơ với chủ trương này. Đây là điều mà ban ngành đang rất sốt ruột”, ông Thắng nói.

Trẻ em phường Tây Thạnh Tân Phú thực hiện phân loại rác tái chế để đổi quà.

Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại phường Phước Bình (quận 9) đã triển khai nhiều biện pháp để người dân cùng phân loại rác. Theo đó, các ngày từ thứ hai đến chủ nhật, sẽ bỏ rác hữu cơ vào bao có màu, riêng thứ ba và thứ sáu sẽ bỏ rác vô cơ vào bao màu đen. Lúc đầu, phường phát bao nilon theo màu cho người dân, sau đó người dân tự chuẩn bị bao, tận dụng các bao nilông sau khi đi chợ về, giặt sạch phơi khô để đựng rác.

Nhưng qua kiểm tra cho thấy, mới đạt được 50%/tổng số hộ dân thực hiện được phân loại. Trong khi đó, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn sử dụng chiếc thùng kéo cũ kỹ, được gắn thêm các tấm gỗ chắn xung quanh nhằm chứa được nhiều rác. Xe cũng không có dòng chữ về loại rác thu gom. Tuyệt nhiên không có sự phân loại rác ngay từ hộ gia đình đến đơn vị thu gom.

Theo ông Lê Văn Hùng (ngụ phường 7, quận Bình Thạnh), người đã có 24 năm làm nghề thu gom rác tư nhân và phụ trách khoảng 2 đường rác với 500 hộ dân tại khu vực phường 16 quận Gò Vấp, việc mua sắm xe chuyên dụng chở rác từ nhiều năm nay ông có ý kiến với quận nhưng chưa khi nào được nghe chủ trương hỗ trợ cho người hành nghề mua xe chuyên dụng nên dùng xe ba gác máy hoặc xe ba gác tự chế. Ngoài ra, phí thu với Công ty Đô thị môi trường với những người hành nghề thu gom rác còn cao trong khi họ lại không được hỗ trợ trong việc mua BHYT hay bảo hiểm về bệnh nghề nghiệp.

“Nghe nói lâu rồi"! ...           

Cũng theo ông Hùng, ông đã được "nghe" việc phân loại rác tại hộ dân cả chục năm nay. Đã trực tiếp phổ biến tới từng hộ dân mỗi khi mình tới thu gom rác là phân loại riêng ra, hữu cơ, rác thải rắn, rác tái chế để thu gom cũng tiện. Tuy nhiên chẳng thấy ai làm. Từ đó chủ trương bị "chìm nghỉm" theo thời gian!

"Theo tôi, vấn đề "kinh tế" là lý do khiến người dân không mặn mà thực hiện. Họ cho rằng, mỗi tháng đã phải tốn vài chục ngàn mua bao đựng rác (cuộn) để đựng rác. Chủ trương lại yêu cầu phải đáp ứng mua bao đựng rác có nhiều màu khác nhau nên thấy phức tạp", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ghi nhận thực tế của PV Báo CAND, phía chính quyền, địa phương còn nhiều nơi đang rất lúng túng chưa triển khai thực hiện được việc phân loại rác trong dân. Chị T.Nga ngụ tại đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp cho biết: “Theo tôi biết, để làm đúng chủ trương phân loại thì phải mua thùng rác có 2-3 ngăn hoặc nếu không phải mua ít nhất là 2 thùng đặt cạnh nhau trong nhà để hướng dẫn mọi người trong nhà cùng thực hiện tạo thành thói quen. Nhưng nhà tôi chật quá, không có chỗ để nhiều thùng rác”.

Bà N.T.Ph., Tổ trưởng dân phố một phường thuộc quận Gò Vấp cũng cho hay: "Cách đây hơn 1 tháng, các tổ trưởng dân phố chúng tôi được mời lên phường nghe tập huấn về qui định này nhưng lại chưa hề nghe hướng dẫn cụ thể. Người đi tập huấn còn chưa nắm được thì làm sao về đôn đốc bà con thực hiện?".

Chị Thanh Thuỷ, ngụ tại phường 1, quận Gò Vấp chia sẻ: "Khoảng 5 năm lại đây, vợ chồng tôi đã thực hiện việc phân loại rác trước khi đưa lên xe tới thu gom rác. Trong nhà có sẵn 2 thùng rác màu xanh và vàng ứng với rác hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, do nhà tôi đã có nhiều năm sống tại nước ngoài nên đã làm quen với qui định phân loại rác này".

Cũng theo chị Thuỷ, con chị học tại Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp). Bắt đầu từ năm 2016, trường có đặt vấn đề với phụ huynh về dạy cho các học sinh làm quen với phân loại rác. Phụ huynh sau khi họp lớp cân nhắc và cùng đóng góp với nhà trường, mỗi lớp góp kinh phí mua một thùng rác thông minh, giá 6 triệu đồng/thùng có 3 hộc đựng, có ghi chữ và hình ảnh bên ngoài để học sinh nhận biết để cho đúng rác vô cơ, chất thải rắn và rác tái chế.

Hiện con chị lên lớp 2 đã có thói quen bỏ rác vào thùng rác thông minh. Do vậy theo chị Thuỷ, việc thay đổi nhận thức tới thành một thói quen trong dân về phân loại rác tại nguồn là rất khó do thói quen đã quá lâu của dân ta là để chung nhiều loại vào một bao. Qua việc này nên liên tưởng tới việc như vận động trong phòng chống dịch bệnh. Việc phân loại rác văn minh phải chăng nên bắt đầu từ nhà trường, học sinh về nhắc nhở cha mẹ cùng thực hiện thì việc vận động không gì hiệu quả bằng (!).

Anh N.V.U. (ngụ tại phường 11, quận Bình Thạnh), làm nghề thu gom rác cho biết, khi nghe chủ trương sẽ phạt 20 triệu nếu không phân loại rác, có người dân cũng hỏi là phân loại thế nào vì chưa được chỉ cách. Nhưng cũng có rất nhiều người "chặc lưỡi" cho rằng, đó là chuyện của Nhà nước, họ không quan tâm.

“Tuy nhiên, theo tôi biết, có nhiều chương trình động viên đã được thực hiện tại một số chung cư như đổi rác tích điểm, lấy quà là kem đánh răng, nước rửa chén,… Cái cách này cũng có tác động đôi chút tạo được sự đồng thuận trong dân. Do vậy, chủ trương này rất cần sự động viên, khuyến khích, tới tạo thành thói quen, chứ còn chế tài, xử phạt không là không đủ", anh U., nói.

Huyền Nga
.
.
.