Để không sập bẫy những “diễn viên online”

Chủ Nhật, 25/08/2019, 09:38
Vậy là Nguyễn Thanh Trung (tức Công) – bố của bé gái 6 tuổi “bị xâm hại” ở Nghệ An được cộng đồng mạng thương xót hai tháng qua, đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh tạm giữ để điều tra và Trung đã thừa nhận chính mình dựng chuyện với động cơ hèn mọn.


Vở kịch đã hạ màn và có kết cục na ná sự lu loa để lấn át, che đậy hành vi phạm tội của bà Trần Thị Hiền, mẹ nữ sinh xấu số Cao Mỹ Duyên trong vụ án cô gái ship gà ở Điện Biên.

Sự việc ban đầu chỉ đơn giản là Trung có quan hệ tình cảm với một cô gái tên T.A., quê Hậu Giang, làm nhân viên mát-xa tại một khách sạn ở TP Vinh. Do mâu thuẫn và ghen tuông nên Trung tìm cách vu oan, tố T.A. đã cùng với hai người khác xâm hại tình dục con mình tại khách sạn. Tuy nhiên do không có chứng cứ nên sau khi được Công an mời lên làm việc, T.A. đã trở về quê.

Về phần Trung càng thêm ấm ức nên liên tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và tung tin bịa đặt, sai sự thật trên mạng xã hội. Trung cho rằng, con gái bị tổn thương nặng nề về sức khỏe và tinh thần...

Cứ tưởng sự việc chỉ dừng lại trên mạng, không ngờ Trung còn lên một số báo bịa chuyện, khóc lóc, kể lể để mong sự thương cảm của dư luận: “Tôi cố dỗ cháu và hỏi “Con đau ở đâu?”. Cháu chỉ vào bộ phận sinh dục và hậu môn nói rất đau. Vì cháu xa mẹ từ nhỏ, nên chỉ ở bên cạnh bố và rất thương bố, khi thấy cháu không trả lời tôi dọa cháu “Con không kể thì ba chết đây”.

Lúc ấy, cháu mới kể. Cháu kể xong chân tay tôi rụng rời, thật sự quá đau lòng chuyện như vậy xảy ra với con gái tôi”. Thậm chí Trung post lên Facebook cả clip cháu bé kể về sự việc, khóc đòi “đi nơi khác”...

Có lẽ Trung đã diễn quá sâu vở kịch, đánh vào tâm lý cả xã hội đang lên án gay gắt tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, cũng như sự thương xót đối với bé gái xinh xắn, vô tội nên thu hút sự cảm thông của hàng ngàn ông bố, bà mẹ. Thậm chí còn được một số phóng viên báo chí “lên tiếng”…

Sự việc càng kéo dài thì xuất hiện hai luồng ý kiến, một luồng ý kiến nghe theo Trung và một luồng ý kiến khác nghi ngờ mục đích thực sự của ông bố này. Phía nghe theo Trung còn “lên đồng” chửi rủa những người ý kiến khác là dù ông bố có nhân thân bất hảo đi chăng nữa thì cũng vẫn có quyền “đòi công bằng cho con”; không bố mẹ nào mong muốn con bị như thế; “cháu bé không biết nói dối”...

Nhưng nhiều người không hề hay biết rằng, bản thân Trung là đối tượng nghiện, thường xuyên sử dụng ma tuý đá. Mà đã “ngáo đá” thì tinh thần và ý thức của người đó như thế nào ai cũng đã rõ.

Theo Cơ quan điều tra, việc Trung lúc ngáo lên tưởng tượng con mình bị xâm hại cũng là điều dễ hiểu. Về phần cháu bé, dù không muốn nói dối nhưng do Trung dọa “sẽ tự tử nếu không nói theo bố”, nên cháu đã làm theo như trong clip.

Còn ý kiến cho rằng, Cơ quan điều tra chậm trễ, không làm hết trách nhiệm… Riêng luồng ý kiến này, đề nghị độc giả hãy bình tĩnh trước khi đưa ra lời phán xét, phê bình, chí ít cũng phải dựa trên các căn cứ xác thực, nhất là kết luận điều tra của vụ án hình sự. Thực tế khi vụ việc bắt đầu được báo chí quan tâm thì lãnh đạo Công an TP Vinh đã trả lời báo chí, cho biết hiện vụ việc đang được xác minh, làm rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, Công an đang vào cuộc điều tra và sẽ sớm có kết luận. Theo quy định của pháp luật, việc xác minh tin báo tố giác tội phạm phải tuân thủ quy định của pháp luật, thu thập đầy đủ chứng cứ, đảm bảo khách quan, khoa học chứ không chạy theo bất cứ áp lực nào, kể cả mạng xã hội, nhằm tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Rồi mấy hôm nay, cộng đồng mạng “ngã ngửa” khi hay tin Trung bị tạm giữ, Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ cháu bé bị xâm hại. Ngày 16-8, chính Trung đã xoá tài khoản Facebook của mình, chấm dứt chuỗi ngày “cầu cứu” trên mạng, nhưng những thông tin về cháu bé thì vẫn tràn ngập khắp “thế giới phẳng” này.

Cháu bé không hề bị xâm hại. Nhưng chính cộng đồng mạng đã “xâm hại” cháu bé qua sự “tiếp tay” gián tiếp của người bố! Trách người bố đã tự tay đăng tải thông tin, hình ảnh, clip về cháu bé thì cũng nên trách cả những người đã lan truyền, chia sẻ những thông tin, hình ảnh không xác thực đó.

“Mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật, nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã cảnh báo về tác động của thông tin trên mạng tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 31-10-2018.

Trong vụ việc này, những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng qua sự chia sẻ, lan truyền chóng mặt đã nghiễm nhiên trở thành thông tin thật, chình ình trên mặt báo, gây tác động không hề nhỏ. Hơn ai hết, mỗi người dân cần tỉnh táo, chọn lọc trước biển thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội để không mắc bẫy các “diễn viên online”.

Đây cũng là bài học đối với cơ quan báo chí khi tác nghiệp, trong môi trường truyền thông số hiện nay, tránh chạy theo hiệu ứng câu “view”, câu “like” mà sa đà vào việc đưa tin lệch lạc, thất thiệt, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong nhân dân. Thậm chí không quan tâm đến tính chính xác của thông tin.

Và vụ việc trên đây là bài học để mỗi phóng viên nêu cao đạo đức nghề báo, cần lắm những “trái tim nóng”, “cái đầu lạnh” nhằm chuyển tải thông tin một cách chính xác, kịp thời và nhân văn tới công chúng. 

Bảo Quân
.
.
.