Lực lượng Công an tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3:

Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người dân trong mưa bão

Chủ Nhật, 04/08/2019, 09:20
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương. Cùng với chính quyền và các ban, ngành chức năng, lực lượng Công an đã không quản ngại khó khăn, dầm mình trong mưa lớn, vật lộn với bão lũ để đảm bảo ANTT, đảm bảo giao thông và kịp thời cứu dân tại những khu vực nguy hiểm.


Chủ động chống bão, ứng trực 24/24h

Đêm 2-8, bão số 3 đi vào Quảng Ninh và Hải Phòng, với gió giật mạnh kèm theo mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ, cây xanh đổ gãy…, khiến giao thông đi lại khó khăn.

Cụ thể, tại Hải Phòng mặc dù bị bão số 3 đổ bộ vào đã gây mưa lớn, kèm theo gió giật. Đến đầu giờ sáng 3-8, xuất hiện úng ngập cục bộ tại một số tuyến phố như Sở Dầu, Thượng Lý, Mê Linh, Phố Cấm, Trần Nguyên Hãn, và làm ảnh hưởng đến dân sinh, cơ sở hạ tầng. 

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Hải Phòng, bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm đổ 24 cây xanh, 1 cột điện chiếu sáng bị gãy đổ, 2 biển quảng cáo hư hỏng. Do làm tốt công tác phòng chống, chủ động hạ mực nước đệm tại các sông ngòi, hồ đập nên theo thống kê của các địa phương, hiện bão chưa gây thiệt hại gì đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

CSGT Công an TP Hà Nội hướng dẫn an toàn cho người dân tại khu vực ngập nước.

Để chủ động công tác phòng chống cũng như khắc phục hậu quả do bão, ngay từ ngày 2 – 8, Công an TP Hải Phòng đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tại các đơn vị và Công an các quận, huyện. Theo đó Công an TP Hải Phòng yêu cầu Công an các đơn vị và địa phương phải chủ động đảm an toàn nơi làm việc, đồng thời tham gia cùng với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão…

Thời điểm trước khi bão đổ bộ vào địa phận Hải Phòng, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp kiểm đếm, sơ tán nhân dân và kêu gọi 3.183 phương tiện, với 9.681 lao động; 261 chòi canh với 206 lao động về nơi tránh trú an toàn. 

Trong đó, Công an quận Đồ Sơn phối hợp kêu gọi 186 phương tiện, Công an quận Dương Kinh kêu gọi 138 phương tiện, Công an huyện đảo Bạch Long Vỹ vận động 146 phương tiện, Công an huyện Tiên Lãng kêu gọi 256 phương tiện với 403 lao động, 45 lao động tại 102 chòi ngao, Công an huyện Kiến Thụy kêu gọi 154 phương tiện với 527 lao động, 159 chòi ngao với 161 lao động, Công an huyện Cát Hải kêu gọi 2.303 phương tiện với 8.651 lao động, di dời 30 nhà hàng nổi và bè thu mua hải sản, sơ tán 468 người dân ở khu vực xung yếu và 550 khách lưu trú tại Cát Bà…

Các đơn vị Công an TP cũng đã xây dựng phương án tăng cường bảo đảm ANTT, kịp thời giải tỏa, không để xảy ra ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng chốt điểm phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, các bến đò ngang, đò dọc, khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm, kiên quyết không cho người lưu thông khi chưa bảo đảm an toàn.

Công an TP Hải Phòng cũng thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy 24/24h, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, bố trí 4.491 lượt CBCS ứng trực tại đơn vị, bố trí phương tiện, trang thiết bị gồm: 217 xe ôtô, 4 tàu, 17 xuồng, 1.347 phao cứu sinh, 104 lều bạt… để sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống khi có sự cố về bão, chuẩn bị đủ cơ số thuốc và y bác sĩ thường ứng trực sẵn sàng giúp đỡ nhân dân.

Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hoá vượt lũ cứu dân.

Đến 5h sáng 3-8, ngay sau khi bão tan, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, đã bố trí lực lượng có mặt tại các vị trí ngập lụt, ách tắc do cây xanh gãy đổ để hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông. Trung tá Lã Đức Tiềm, Trưởng Trạm CSGT số 3 cho biết, khi nhận được thông tin trên đường Hoàng Diệu (quận Hồng Bàng) một cây xanh đổ chắn ngang đường, lực lượng CSGT đã nhanh chóng có mặt hướng dẫn các phương tiện chuyển hướng tránh ùn tắc, đồng thời tham gia cùng công nhân của Công ty Môi trường đô thị dọn dẹp, di chuyển cây đổ, đảm bảo việc lưu thông trở lại an toàn.

Thiếu tá Nguyễn Đức Dương, Đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ (Công an quận Hồng Bàng) cho biết, tại khu vực trung tâm thành phố, trong đó có các tuyến đường trọng điểm, như Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bến Bính, Trần Quang Khải, Lý Tự Trọng..., sau mỗi trận bão cây xanh gãy đổ rất nhiều. 

Với vai trò chủ công, lực lượng CSGT đã triển khai ứng trực 100% quân số, khi xảy ra các sự cố lập tức có mặt hướng dẫn giao thông, đồng thời trực tiếp hỗ trợ di chuyển các vật cản khỏi các tuyến đường. Theo đó đến khoảng 9h sáng 3-8, sau khi bão tan chừng 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ những cây đổ, cột điện cong gập, phương tiện hư hỏng trên địa bàn quận Hồng Bàng đã được khắc phục.

Theo báo cáo của Công an TP Hải Phòng, ngoài khu vực trung tâm thành phố, lực lượng Công an các đơn vị địa phương còn tổ chức, di chuyển vật cản, cây đổ trên các tuyến đường ngoại thành, quốc lộ 5, quốc lộ 10, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngay trong sáng 3- 8.

Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đến sáng 3-8, bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu bão, tại một số địa phương, như Móng Cái, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí xuất hiện mưa lớn. Mưa lớn đã làm nước lũ trên sông biên giới Ka Long (TP Móng Cái) và sông Tiên Yên dâng cao.

Theo đó Công an TP Móng Cái đã đảm bảo giao thông trên các tuyến phố bị ngập lụt, như Trần Phú, đại lộ Hòa Bình, khu vực trước cửa Vincom… Đồng thời tham gia cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả di chuyển hơn 30 cây xanh bị gãy đổ và 1 cột đèn cao áp tại Km 9.

Ngoài ra, tại huyện Tiên Yên, để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Công an đã ứng trực tại những khu vực nguy hiểm, ngầm tràn, không cho người dân, phương tiện qua lại. Lực lượng Cảnh sát đường thủy cũng đã phối hợp cùng Cảng vụ đường thuỷ nội địa tỉnh Quảng Ninh, giám sát chặt chẽ các phương tiện chở khách tham quan du lịch tại vịnh Hạ Long và các đảo, cho đến khi được cấp phép hoạt động bình thường…

Do ảnh hưởng của bão số 3, Ngoài tình trạng ngập úng thì các cây xanh gãy, đổ do gió to, mưa lớn cũng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân Hà Nội.

Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí đã được dự đoán trước có thể gây ngập úng, cây đổ tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm Thủ đô để kịp thời hỗ trợ, phân luồng giao thông. Đồng thời, Phòng CSGT Công an TP còn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, Công an các quận, huyện, phường, xã chống ngập, kịp thời xử lý các xử cố trên đường để đảm bảo giao thông đi lại an toàn.

Lực lượng thuộc Công an TP Hải Phòng tham gia khắc phục hậu quả của cơn bão.

Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó Đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: Đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu và phối hợp với các đơn vị khác để kịp thời xử lý các sự cố trên đường nhằm đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt, an toàn.

Ngoài ra, Đội CSGT số 6 cũng phối hợp với các đơn vị thi công bố trí các thiết bị cảnh báo ngập úng để cảnh báo cho người dân tránh đi vào vị trí bị ngập sâu.

“Riêng tuyến Hoàng Quốc Việt có tình trạng cây đổ, đơn vị đã phối hợp với Công ty Cây xanh Hà Nội bố trí lực lượng giải tỏa nhanh nhất nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này”, Đại uý Trần Ngọc Trung cho biết.

Theo Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), đơn vị đã bố trí các tổ tuần tra lưu động trên các tuyến, đặc biệt là tuyến Trần Phú - Chu Văn An - Điện Biên - Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học - Đào Tấn - Liễu Giai - Hoàng Hoa Thám… để kịp thời phát hiện những sự cố, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông.

Cụ thể, tại ngã ba Hoàng Diệu có ba cây to bị đổ, Đội CSGT số 2 phối hợp với Công ty Cây xanh Hà Nội đưa phương tiện thiết bị đến cắt tỉa, vận chuyển đi nơi khác nên không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.

Vật lộn trong lũ dữ cứu dân

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua, mực nước các suối ở Thanh Hoá đang dâng cao. Tại các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thuỷ... đã xảy ra lũ, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Từ ngày 2-8, Giám đốc Công an Thanh Hoá đã chỉ đạo Công an các huyện, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và các lực lượng sơ tán, bảo vệ tài sản của nhân dân, giúp đỡ các gia đình có người già yếu, neo đơn chằng chống nhà cửa, vận chuyển tài sản của các hộ có nguy cơ ngập lụt đến chỗ an toàn. 

Theo đó, 100% quân số của Công an các huyện nằm trong diện có mưa, lũ tham gia cứu dân. Ngoài ra còn tăng cường 182 CBCS, 1 xe ôtô chở quân, 5 xe tải, 4 xuồng máy, 4 môtô nước, 340 phao tròn và 2 bộ thiết bị lặn đã được đưa về các huyện để tham gia cứu hộ, cứu nạn. 51 CBCS lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn nắm bắt tình tình, tham gia công tác phòng chống thiên tai khi có yêu cầu.

Ngày 3-8, mưa lớn trên diện rộng, mực nước các sông lên rất cao, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện Quan Sơn, tính đến 15h ngày 3-8, nước lũ đã thiệt hại hoàn toàn 24 nhà; 18 nhà bị trôi; 4 nhà bị sập; 17 nhà bị sập một phần. Huyện đã di dời khẩn cấp 8 hộ, 33 khẩu; sơ tán 76 hộ, 245 khẩu.

Lũ đã cuốn trôi 17 người,  đã cứu được 6 người, còn 11 người mất thông tin liên lạc (trong đó, bản Sa Ná, xã Na Mèo có 9 người; bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy có 2 người). Nhiều diện tích lúa nước bị ngập; tuyến quốc lộ 217, quốc lộ 16 bị sạt lở 3 điểm. Hiện tại quốc lộ 217 đã thông tuyến, quốc lộ 16 đang tiếp tục thông tuyến.

Trong đêm 2-8 và ngày 3-8, 100% CBCS Công an huyện đã ứng trực, phối hợp với Bộ đội Biên phòng UBND các xã, thị trấn và các lưc lượng chức năng tổ chức giúp nhân dân sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại khu vực bản Na Sá, thuộc xã Na Mèo, Quan Sơn, có 2 người dân bị lũ cuốn trôi, Công an huyện Quan Sơn đã cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chính quyền địa phương và nhân dân giải cứu kịp thời, đưa về trạm y tế xã sơ cứu. Cũng tại khu vực trên, khi đi làm rẫy, ông Lương Văn Chon bị lũ cuốn và mắc kẹt trên ngọn cây, Công an huyện, Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ đội Biên phòng, chính quyền và nhândân đã dùng luồng đóng bè, giải cứu nạn nhân. Đến khoảng 15h10 ngày 3-8, sau rất nhiều nỗ lực, các lực lượng chức năng đã tiếp cận và đưa được nạn nhân Lương Văn Chon vào bờ. Ngay sau đó, nạn nhân được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình giải cứu nạn nhân Lương Văn Chon, một thanh niên tham gia giải cứu là anh Phạm Bá Huy, SN 1993, ở bản Nhài, xã Sơn Điện (Quan Sơn) bị mắc kẹt tại vị trí mà nạn nhân Lương Văn Chon mắc kẹt trước đó nên lực lượng chức năng đang tiếp tục giải cứu. Đến 18h cùng ngày, anh Huy đã được đưa lên bờ.

Tại huyện Mường Lát, mưa rất to, lũ đổ về nhanh khiến nhiều nhà cửa, trường học đường giao thông bị hư hỏng.

Thấy nước lũ lớn, vợ chồng ông Bùi Văn Hoạt  ở bản Na Tao, xã Pù Nhi, Mường Lát đã di chuyển đàn lợn lên chỗ an toàn nhưng do lợn xổng chuồng nên hai vợ chồng đuổi bắt, bị lũ cuốn trôi. Vợ ông Hoạt may mắn bám vào mô đất cao, được lực lượng chức năng kịp thời giải cứu nên thoát chết, ông Hoạt bị lũ cuốn trôi, hiện nay vẫn chưa tìm thấy tung tích.

Trời mưa to khiến đá lở, rơi trúng vào người và xe máy của anh Vàng A Lâu, SN 1986, là trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát khiến anh Lâu thiệt mạng.

Theo ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, tính đến 16h chiều 3-8, đã có 14 điểm dọc tuyến quốc lộ 15C về trung tâm thị trấn Mường Lát bị sạt lở, gây chia cắt. Phương tiện và người dân hiện không thể vào các xã Nhi Sơn, Pù Nhi. Tỉnh lộ 521D và quốc lộ 16 đi xã Mường Lý cũng sạt lở nhiều vị trí khiến địa phương này đang bị cô lập hoàn toàn.

Hiện nay, nước lũ ở hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện đang dâng cao. Mưa lũ làm nhiều tuyến đường bị sạt lở cục bộ, khiến giao thông bị ách tắc.

Tập trung khắc phục sự cố lưới điện, chống ngập úng đô thị

Thông tin tại cuộc họp cho biết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày và đêm 3-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An có lượng mưa từ 100-200mm/24 giờ). Từ đêm 4-8 đến ngày 6-8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi mưa rất to.

 Để ứng phó với diễn biến thiên tai trong những ngày tới, tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; vận hành các trạm bơm tiêu úng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các công trình đang thi công; chủ động vận hành hồ chứa để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong đó lưu ý các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi…

 Các tỉnh thuộc khu vực miền núi: Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên canh gác, kiểm tra hướng dẫn người dân, các phương tiện giao thông tại các khu vực ngầm tràn, tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt, cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai diễn ra vào ngày 3-8, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT đã ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ngành Điện trong việc chủ động ứng phó với bão số 3, đồng thời lưu ý ngành Điện cần tiếp tục theo dõi công tác vận hành hồ chứa thủy điện lớn để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Ngoài ra cần đảm bảo cung cấp điện an toàn, sẵn sàng phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

EVN cho biết, lưới điện truyền tải 500 – 220 kV được vận hành bình thường. Lưới điện 110kV: có 2 sự cố thoáng qua đường dây 110 kV khu vực Quảng Ninh, đóng điện trở lại sau 5 phút.  Lưới điện phân phối: đã có 61 đường dây trung áp ở các tỉnh,thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội... bị sự cố cũng như phải tạm cắt điện để đảm bảo an toàn, dẫn đến ảnh hưởng cấp điện tới khoảng hơn 294 nghìn khách hàng. Đến trưa 3-8 đãä cơ bản hoàn thành việc khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng, ngoại trừ các khách hàng ngoài biển sau khi gõ lệnh cấm biển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trực tiếp đi kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu thoát nước của Hà Nội

 Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 gây mưa lớn, trên địa bàn Hà Nội, ngày 3-8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác quản lý, vận hành 3 trạm bơm tiêu lớn, có vai trò quan trọng đối với việc điều tiết nước và tiêu úng cho thành phố.

Trực tiếp kiểm tra công tác quản lý, vận hành Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị cán bộ, công nhân viên của Trạm duy trì ứng trực 24/24 giờ, trước mắt chủ động tiêu nước đệm để hạ mực nước lưu vực sông Nhuệ, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất khi có mưa lớn. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, mở rộng kênh La Khê, giúp nâng cao khả năng tiêu úng cho sông Nhuệ. Đồng thời, chuẩn bị kỹ hồ sơ, chuyển đổi hình thức đầu tư để sớm triển khai các dự án Trạm bơm Liên Mạc và Trạm bơm Đông Mỹ, từ đó hỗ trợ, khớp nối hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố. 

Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra công tác quản lý, vận hành tại Trạm bơm tiêu Vân Đình (huyện Ứng Hòa). Trạm có nhiệm vụ tiêu úng cho 13 nghìn ha thuộc các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, đồng thời hỗ trợ tiêu thoát cho lưu vực sông Nhuệ với công suất 8.000m³/giờ, Bí thư Thành ủy đề nghị đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân viên Trạm bơm tiêu Vân Đình duy trì ứng trực, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị để bảo đảm trạm luôn trong tình trạng sẵn sàng vận hành tốt nhất. 

Đồng chí cũng đề nghị trạm nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành phù hợp, chủ động tiêu thoát nước một cách nhanh nhất khi xảy ra các trận mưa lớn, vượt dự báo.                                                     

Nhật Uyên


Nhóm PV
.
.
.