Chuyên gia hướng dẫn phòng chống cháy nổ trong ngôi nhà ống

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:40
Chỉ trong 2 ngày 13 và 19-7, hai vụ hỏa hoạn tại nhà dân ở Hà Nội đã khiến nhiều người tử vong. Một lần nữa nỗi lo về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại được gióng lên. 

Như Báo CAND đã đưa tin, hồi 1h sáng 19-7, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi nhà buôn bán tạp hóa nằm trong ngõ 41 phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến hai người tử vong là bà Nguyễn Thị Ngọc (81 tuổi) và chị Bùi Thanh Thủy (49 tuổi). Riêng cháu Lê Thanh Ngân (17 tuổi) bị bỏng hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Theo người dân có mặt tại đây, đám cháy được phát hiện tại tầng 2 của ngôi nhà. Do bên trong có nhiều đồ vật, hàng hóa dễ bắt cháy khiến ngọn lửa bùng lên nhanh, dù lực lượng chức năng cùng người dân cố gắng phá cửa giải cứu các nạn nhân bị kẹt bên trong nhưng đã không thể bảo toàn tính mạng cho tất cả gia đình…

Trước đó, vào hồi 2h50 ngày 13-7, đám cháy bùng phát tại ngôi nhà 4 tầng ở số 37, ngõ 205/53, đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã khiến 4 người trong một gia đình tử vong gồm ông Văn Trung Bộ (51 tuổi), bà Hoàng Thị Hoa (49 tuổi, vợ ông Bộ), con trai Văn Trọng Hoàng (25 tuổi) và con gái Văn Thảo Ngà (17 tuổi). 

Các cửa ra vào và cửa sổ đều được làm bằng sắt, bên trong là cánh cửa bằng nhôm kính rất chắc chắn và khóa rất cẩn thận, khi xảy ra cháy ông Bộ và vợ con kêu cứu, hoảng loạn nhưng không thể thoát ra ngoài dẫn đến hậu quả đau lòng trên…

Các giám định viên Phòng Giám định kỹ thuật pháp lý đang khám nghiệm hiện trường cháy tại Phố Vọng.

Hai vụ cháy trên chỉ là những vụ điển hình trong nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua. “Tất cả những vụ án trên đều xảy ra vào thời điểm khi các nhà dân đã đi ngủ. Chỉ sau một đêm, nhiều người trong một gia đình đã phải bỏ mạng, nhà cửa thì thành tro bụi là điều không ai muốn nghĩ tới, nhưng tất cả mọi người hãy cẩn trọng hơn, hiểu biết hơn và tìm cách phòng tránh hỏa hoạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy gây ra…” - Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng Phòng Giám định kỹ thuật pháp lý (Viện Khoa học hình sự) chia sẻ.

Thực tế cho thấy, từ các thành phố, thị xã, thị trấn và các vùng nông thôn đồng bằng hầu hết nhà dân đều là nhà dạng ống, hệ thống cửa rất chắc chắn, xây hàn khung sắt, chuồng cọp kiên cố để chống trộm. Trong nhà sử dụng nhiều thiết bị điện, bếp đun hầu hết là bếp gas. Dù Cảnh sát PCCC và các cơ quan tuyên truyền liên tục cảnh báo, nêu cao ý thức cảnh giác, cần trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ cũng như người dân cần có những kiến thức, tập huấn phòng cháy, thoát nạn tốt nhất khi chẳng may bị hỏa hoạn cả trong lúc thức hay khi ngủ… nhưng người dân tỏ ra khá thờ ơ.

Là giám định viên lâu năm, chuyên giám định nguyên nhân những vụ cháy nổ, bằng kinh nghiệm và qua thực tế công tác điều tra nguyên nhân các vụ cháy nổ, Thượng tá Nguyễn Viết Nội cho biết: Nguyên nhân gây cháy thường là do sự cố điện như chập mạch điện trên hệ thống điện trong gia đình hoặc trong các hộp kỹ thuật và tủ điện của các chung cư, sự cố điện ở các thiết bị dùng điện trong các gia đình như quạt, ấm điện, tủ lạnh, ti vi.

Đặc biệt hay xảy ra vào ban đêm khi cả nhà đang ngủ (nguyên nhân này chiếm tỷ lệ cao nhất). Cùng với đó, nguyên nhân cháy có thể do sự cố điện ở ôtô, xe gắn máy, xe đạp điện để trong nhà; rò rỉ khí gas ở trong bếp của các gia đình ra không gian nhà, khi gặp nguồn nhiệt thích hợp gây cháy nổ; do bất cẩn khi thắp hương, nến, đèn dầu trên ban thờ, bất cẩn khi đun nấu quên tắt bếp gas hoặc bếp điện, khi hóa vàng mã trong nhà hoặc ở hành lang, bất cẩn khi hàn cắt, sửa chữa nhà…

Người dân cũng cần lưu ý đến quá trình thiết kế các công trình dân sinh. Dù là nhà ở hay cửa hàng đều phải có cửa thoát nạn, nếu có điều kiện thì có cửa ở cả hai đầu nhà là tốt nhất, còn lại đa số các nhà chỉ có một phía trước thì cửa phải thiết kế thế nào để người trong nhà có thể mở thoát ra nhanh nhất. Với những ngôi nhà ống thì nên có ban công thoát hiểm (lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà) và lắp cửa chống cháy lối ra ban công để ngăn lửa và khói từ trong nhà ra ban công, có thể cả cửa từ cầu thang vào các phòng cũng lắp cửa chống cháy.

Tuyệt đối không làm lồng sắt bao kín nhà, nếu phải làm lồng sắt chống trộm thì hãy làm thế nào trộm không vào được nhưng người trong nhà thoát ra dễ dàng (làm khung giả hoặc cánh cửa có khóa); Hệ thống điện phải được lắp đặt có thiết kế phù hợp công suất cho từng tầng, từng khu vực, từng cụm thiết bị riêng biệt, khi không dùng là tắt điện. Không để các thiết bị nạp điện qua đêm. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện, nếu thiết bị điện nào thấy không bình thường thì phải kiểm tra, sửa chữa thay thế ngay…

Theo các cán bộ Phòng Giám định kỹ thuật pháp y: Nếu trong nhà chẳng may bị cháy, mọi người phải hết sức bình tĩnh tìm cách thoát hiểm. Trong trường hợp, nếu ngọn lửa đang cháy ở tầng dưới khói bốc mạnh ở cầu thang thì không được chạy xuống qua cầu thang, không chạy vào buồng kín, không chạy vào nhà vệ sinh (đặc biệt là nhà vệ sinh ở cạnh cầu thang) mà phải ra ban công nơi có dưỡng khí, đóng chặt cửa chống cháy ngăn ban công với trong nhà.

Thực tế đã cho thấy, trong những vụ cháy như: Vụ hai thợ hàn sửa nhà 55 Mã Mây khi thấy cháy không chạy ra ngoài mà chạy vào nhà vệ sinh tầng 2 nên bị chết; vụ cháy nhà 4 tầng tại 336 Cầu Giấy, trong khi đang cháy ở phòng tầng 1 phía Bắc cầu thang thì có 1 nạn nhân nữ cố chạy xuống qua cầu thang, bị bỏng nặng và tử vong, còn 7 người khác bị thương là những người ở phòng tầng 1 phía Nam cầu thang (trong đó có 1 nạn nhân do hoảng loạn đã nhảy từ tầng 2 ra cây phượng và bị ngã chấn thương)…

Nếu như các nạn nhân biết chọn cho mình giải pháp chạy hết ra ban công của các tầng sẽ có thể không dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy…

Thảo Vy
.
.
.