Công tác cảnh báo, dự báo sớm thiên tai còn nhiều hạn chế

Chủ Nhật, 17/12/2017, 08:59
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỉ đồng, tương đương 1-1,5% GDP. Tuy nhiên, hiện chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu, đặc biệt là bản đồ dự báo, cảnh báo lại chưa đáp ứng được thực tế.


Tại Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi” được tổ chức chiều 15-12 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỉ đồng, tương đương 1-1,5% GDP. Tuy nhiên, hiện chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu, đặc biệt là bản đồ dự báo, cảnh báo lại chưa đáp ứng được thực tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng, năm 2017 tiếp tục là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước. 

“Mặc dù cả hệ thống chính trị đã khẩn trương và tích cực vào cuộc, song tổn thất về thiên tai rất lớn với 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta”. 

Riêng năm 2017, thiên tai đã làm thiệt hại 60.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, rét hại, băng giá, mưa lớn, dông lốc… gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu thế gia tăng. Tình hình mưa lớn cục bộ ở các tỉnh miền núi là nguyên nhân chính dẫn đến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nhưng, các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh kế thiếu bền vững hay tập quán sinh sống của người dân nơi đây cũng là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng các rủi ro thiên tai. 

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phân tích thêm, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, hoạt động xây dựng nhà ở ven sông, suối, mái dốc đã và đang diễn ra phổ biến tại một số nơi. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai tới cộng đồng và nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 26-11, đã có 17/19 tỉnh tổ chức triển khai, 1.274.673 hộ gia đình được khảo sát ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 83.868 chỗ ở kém an toàn, 5.176 chỗ ở cần di dời khẩn cấp. Về việc di dân khỏi vùng thiên tai, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến tháng 5, cả nước đạt 51.835 hộ (đạt 42,48% kế hoạch), di dân vùng thiên tai đạt 33.866 hộ, trong đó di dân khu vực miền núi phía Bắc đạt 9.705 hộ. 

Tại Hội nghị, đại điện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, năm nay xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật khi có 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ. Mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày. Đặc biệt 2 trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc để lại những hậu quả rất nặng nề và mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân, nhất là ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Yên Bái. 

Theo TS Vũ Bá Thao, Phòng Nghiên cứu Địa kỹ thuật, Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dù đã có nhiều điều tra, nghiên cứu, nhưng lại chưa đưa ra được tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, phân cấp thiên tai sạt lở, lũ quét. Đồng thời, cũng chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu. 

"Bên cạnh đó, Bản đồ dự báo, cảnh báo cho diện rộng (tỉnh, vùng) đã và đang triển khai rất “rầm rộ” nhưng không đủ chi tiết và chưa đáp ứng được việc cảnh báo hữu hiệu cho địa điểm cụ thể như thời gian, địa điểm xuất hiện và mức độ thiên tai sạt lở, lũ quét”, TS Vũ Bá Thao đánh giá.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo cho các điểm lũ quét, lũ bùn đá và sạt lở đất là rất cần thiết đối với khu vực có đường giao thông, công trình xây dựng, công trình văn hóa, lịch sử. Nên thí điểm một số trạm quan trắc để dần nhân rộng toàn quốc. 

Để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, các địa phương khẩn trương di dời dân cư vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, nhất là các hộ đang trong diện nguy cơ sau đợt mưa lũ lớn giữa tháng 10. Đồng thời, hoàn thành đánh giá nhà an toàn; xác định số hộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sơ tán khi cảnh báo xảy ra mưa lớn.

Chi Linh
.
.
.