Công nghệ dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam chỉ ở mức trung bình

Thứ Sáu, 26/08/2016, 09:54
Trước thông tin cho rằng, công tác dự báo bão của Việt Nam còn thiếu chính xác là do sử dụng nhiều thiết bị của Trung Quốc, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia khẳng định, 80% thiết bị dự báo bão đều là của các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Anh…

Theo ông Hải, hiện nay, mạng lưới quan trắc đã lắp đặt ở hầu hết các đảo lớn như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Trường Sa… Đây là căn cứ quan trọng cho công tác dự báo. 

“Trước đây có một số thiết bị của Trung Quốc lắp đặt ở gần biển nhưng những thiết bị này không đo được gió trên cấp 12, cũng không chịu được độ mặn nên phải đưa vào đất liền. Đối với dự báo bão, 80% là thiết bị của Mỹ, Anh, Pháp, chỉ có 20% của Trung Quốc. Các thiết bị của Trung Quốc chủ yếu được lắp đặt ở những vùng ít chịu ảnh hưởng của bão, cũng không có gì phải nghi ngờ về các thiết bị này. Chúng vẫn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thế giới và thường xuyên được kiểm định” – ông Hải nói. 

“Chúng tôi khẳng định, không có chuyện thiết bị Trung Quốc làm ảnh hưởng tới công tác dự báo. Ngoài việc dự báo cho Việt Nam, chúng tôi còn cung cấp số liệu cho quốc tế. Năm 2013 có tới 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, trong đó có 13 cơn ảnh hưởng tới Việt Nam. Nếu dữ liệu chúng tôi cung cấp sai, quốc tế phản ứng ngay”  – ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản thì sai số dự báo trước 24 giờ cũng lên tới 100-150km. 

“Hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn trong công tác dự báo do không thể tiếp cận với dự báo chính xác, giới hạn sai số rất rộng. Việt Nam cũng nằm trong thực trạng này. So với các nước trong khu vực, công nghệ dự báo của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, thua các nước Malaysia, Thái Lan”. 

Theo ông Lê Thanh Hải, một hướng mới trong công tác dự báo là sử dụng máy bay thám sát không người lái mang theo phương tiện đo để bay vào vùng tâm bão, gửi thông tin kịp thời về mặt đất. Đây là cách mà nhiều nước tiên tiến đã triển khai, mang lại hiệu quả cao. 

“Bằng cách này, chúng ta sẽ có dữ liệu sớm hơn về bão. Thông thường hiện nay, bão phải vào gần bờ rồi chúng ta mới đo được dữ liệu do thiếu các trạm quan trắc trên biển. Các cơn bão đều hình thành từ biển Đông nhưng mạng lưới quan trắc trên biển còn ít quá. 

Trước đây, Na Uy có hỗ trợ lắp đặt 5 trạm phao nhưng do không giám sát được nên các trạm phao này bị cắt mất. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Viettel để lắp đặt thiết bị đo trên các trạm BTS ở ven biển. Các trạm này có thể vươn xa tới 60km. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ bổ sung thêm các ra đa có thể vươn xa tới 200-300km” – ông Hải cho biết.         

Khánh Vy
.
.
.