Cổng chùa Chén Kiểu biến thành… chợ

Thứ Ba, 29/12/2015, 10:52
Hơn 2 năm nay, nhiều du khách khi đến tham quan chùa Sà-Lôn (còn gọi là chùa Chén Kiểu), tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer, rất khó khăn khi vào vãn cảnh chùa.

Bởi ngoài cảnh họp chợ bát nháo trong khuôn viên chùa, du khách còn phải chứng kiến nhiều hình ảnh trái ngược với vẻ tôn nghiêm nơi cửa thiền của những người bán vé số, xin ăn ngay từ ngoài cổng cho tới sân chùa…

Chợ tự phát họp kín trước cửa chùa Chén Kiểu.
Đủ các loại hàng hóa bán trước cửa chùa Chén Kiểu.
Cảnh mua bán nhộn nhịp trước chính điện chùa.
Lều, bạt chen chắn làm mất vẻ mỹ quan, tôi nghiêm của ngôi chùa độc đáo này

Chợ tự phát mọc trong sân chùa bán đủ thứ, như: các loại rau, củ, quả; các loại bánh kẹo, thậm chí cả các loại cá khô… Ngoài ra còn rất nhiều quán ăn uống, như: cơm, cháo, bún nước lèo, các loại nước giải khát phục vụ du khách cũng hiện diện trong khuôn viên chùa. Đứng trên chính điện nhìn xuống không thể nào thấy lối đi vì những hàng dù (ô) tạm bợ che kín. Muốn vào chùa phải lách, né để không va phải hàng hóa của người dân bày bán tràn lan.                                                                                   

Cổng chùa Chén Kiểu… giờ thành cổng chợ

Đại đức Lâm Chanh - Trụ trì chùa Chén Kiểu, cho biết: Từ năm 2011, chùa đã sắp xếp cho khoảng 90 hộ dân bán rau cải và đồ chay ở một khu vực bên trong chùa. Nhưng từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, số người mượn cảnh chùa để buôn bán đã lên đến hàng trăm người, trong đó có cả những người dân ở xứ khác đến.

Trước thực trạng này, địa phương và nhà chùa đã nhiều lần họp với bà con, sắp xếp khu vực buôn bán ổn định phía sau chùa nhưng chỉ được vài ba ngày người buôn bán lại tràn lên trước cửa chùa khi thấy có nhiều đoàn khách đến viếng. 

Tình trạng này kéo dài trong 2 năm qua mà không có cách nào giải quyết được... Đại đức Lâm Chanh, bày tỏ: “Chúng tôi rất thông cảm với cuộc sống của bà con nhưng cũng mong mọi người hãy vì sự tôn nghiêm của nhà chùa cũng như tôn trọng bà con phật tử khắp nơi đến chùa mà chấp hành di dời các sạp hàng ra khu vực qui hoạch, trả lại sự yên tĩnh cho nhà chùa”.

Văn Đức
.
.
.