Chuyện về một phụ nữ giúp nhiều người lầm lỡ vượt lên chính mình

Thứ Năm, 07/03/2019, 10:51
Với gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, cùng sự nhiệt huyết trong công việc, gần 30 năm công tác (từ năm 1991), bà Trần Thị Lựu (64 tuổi, ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên chính mình, trở thành người có ích.

Theo ông Lê Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, bà Lựu là người luôn sâu sát nắm chắc hoàn cảnh của từng trường hợp thanh thiếu niên hồi gia trên địa bàn, nhiệt tình giúp đỡ để những người lầm lỡ vươn lên, có người đã lâm vào cảnh đường cùng trong cuộc sống. Với sự cảm thông và chia sẻ chân tình, bà luôn kiên trì dìu dắt, truyền nghị lực quyết tâm để để đưa “ánh sáng” đến cho nhiều cảnh đời bất hạnh. Từ đó tạo thêm niềm tin để họ bước tiếp và làm lại cuộc đời, giã từ cuộc sống tối tăm. Hiện tại, ngoài là Đội trưởng Đội cán sự xã hội tình nguyện, bà còn là là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 của phường.

Có mấy lần tôi muốn viết một bài báo về bà, nhưng lần nào bà cũng từ chối. Mất khá nhiều lần thuyết phục, mãi đến gần dịp Ngày quốc tết phụ nữ 8-3 năm nay, bà Lựu mới đồng ý ngồi tâm sự về công việc của bản thân mình. Nhưng bà vẫn chỉ nói “mỗi người một công việc, tôi thấy mình làm được việc gì giúp ích cho cuộc sống thì ráng làm, chứ viết báo thì để tìm người khác”.

Vẫn với giọng nói ấm áp, gương mặt tươi vui, bà Lựu kể khi đang làm cán bộ hội phụ nữ phường Hiệp Bình Chánh, đến năm 2005, bà được phân công làm Tổ trưởng tổ cán sự xã hội tình nguyện (sau này từ Tổ đổi thành Đội). Nhiệm vụ chuyên làm công tác giúp đỡ những người sau cai nghiện hồi gia và phụ nữ hoàn lương từ trung tâm phục hồi nhân phẩm trở về địa phương.

Là công việc mới nên lúc này bà chưa biết phải làm như thế nào, trong khi đó phải tiếp xúc với những người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, gái mại dâm. Nhưng nhờ trước đó đã làm công tác hội phụ nữ, giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn trong cuộc sống nên phần nào bà có chút kinh nghiệm. Vậy là bà lao vào làm việc, vừa làm vừa học hỏi.

Bà Trần Thị Lựu đã giúp nhiều người lầm lỡ vượt lên chính mình.

Đến nay, bà đã giúp rất nhiều người vượt qua nghịch cảnh vươn lên và có cuộc sống tốt ngoài sự tưởng tượng của bản thân họ. Trong đó phải kể đến trường hợp chị P.N.S. ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Sau 5 năm cai nghiện ma tuý và giáo dục phục hồi nhân phẩm (vừa nghiện ma tuý vừa làm gái bán dâm), năm 2007, chị S. được đưa về địa phương và bà Lựu được giao nhiệm vụ giúp đỡ. Hoàn cảnh chị S. khá éo le, khi chị được đưa đi cai nghiện thì người chồng nghiện ngập ma tuý cũng bỏ nhà đi biệt tích, để lại một đứa con thơ dại mới hơn 1 tuổi cho bà ngoại nuôi cùng với người anh bị mù. Hàng ngày, mẹ chị vẫn dẫn theo cháu bé (con chị) đi bán vé số.

Khi trở về, chị S. chưa biết làm việc gì để sinh sống và nuôi con cùng mẹ già. Lúc đó, bà Lựu nhiều lần gặp gỡ tâm sự, dần dà chị S. cũng mở lòng nói chuyện. Năm 2007, có chương trình tập huấn thực hiện dự án phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, bà Lựu được cử đi dự. Sau đó về bà đề xuất địa phương xét duyệt cho chị S. vay tiền theo dự án này để làm kế “sinh nhai”. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương đưa gia đình chị S. vào diện xoá đói giảm nghèo và xin cho chị làm việc tại một cơ sở kinh doanh ở gần nhà, rồi bà xin học bổng cho con gái chị vào tiểu học. Đến năm 2010, bà vận động phường và khu phố hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng xây nhà tình thương cho gia đình chị S.

Được bà Lựu cũng như chính quyền địa phương giúp đỡ, chị S. tu chí làm ăn tích luỹ có chút vốn, nên chị nghỉ đi làm thuê để mở một sạp bán rau củ ở chợ. Cuộc sống của chị đã ổn định, con đã lớn và đang học nghề.

Còn chị N.M.T. cũng ở trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh trở về địa phương năm 2012, sau khi được đưa đi giáo dục phục hồi nhân phẩm, bà Lựu đã đến gặp gỡ, động viên. Để bước đầu tạo cơ sở cho chị T. làm ăn, bà đề xuất địa phương hỗ trợ mua tặng chị T. xe bán nước mía. Cuộc sống khó khăn, chị nuôi hai đứa con cùng vợ chồng anh chị ruột không có công ăn việc làm ổn định, hết tiền nên chị T. bán luôn xe nước mía lấy tiền lo cuộc sống. Bà Lựu lại đề xuất địa phương cho vay vốn xoá đói giảm nghèo 5 triệu đồng. Được bà động viên, tư vấn, chị đã nỗ lực dùng đồng vốn vay để kinh doanh đồ ăn vặt nuôi hai đứa con ăn học. Đến nay chị T. đã có cuộc sống ổn định, vui vẻ, mỗi ngày đi làm qua gặp đều vui vẻ chào hỏi bà. Chị T. tâm sự: “Tôi không thể nào quên công ơn của cô, nhờ cô mà tôi có cuộc sống như ngày hôm nay”. “Tôi rất vui khi đã làm cho chị ấy vui cười như ngày hôm nay, chứ khi chị ấy mới trở về, tôi khó tiếp cận và chị ấy không nói chuyện”, bà Lựu nói.

Một trường hợp không thể không nói đến mà bà Lựu đã nỗ lực hết mình giúp anh vươn lên là anh M.V.T cũng ở phường Hiệp Bình Chánh. Anh T. từng hai lần đi cai nghiện ma tuý bắt buộc, bị nhiễm HIV/AIDS. Lúc đó anh T. nghĩ rằng cuộc sống đối với anh coi như chấm hết, nhưng khi về địa phương năm 2007, anh đã được bà Lựu tận tình giúp đỡ, rồi bà vận động cha mẹ anh cùng hỗ trợ để giúp anh. Được bà ân cần hướng dẫn, anh đã thực hiện theo phương pháp của bà và của bác sĩ, uống thuốc đều đặn. Đến nay, anh đã có vợ và một đứa con gái 6 tuổi rất dễ thương. Anh T. xúc động nói: “Thật sự tôi không phải biết sử dụng từ ngữ như thế nào để miêu tả về tấm lòng của cô Lựu. Cô như mẹ của tôi vậy, cô đã sinh tôi lần thứ hai, tôi không bao giờ quên ơn cô”.

Bà Lựu coi việc giúp đỡ người lầm lỗi thoát khỏi vũng lầy là trách nhiệm và niềm vui của mình.

Điều mà bà Lựu cũng như những cán bộ làm công tác này gặp khó khăn là khi tiếp cận với những người đi cai nghiện ma tuý và đi giáo dục phục hồi nhân phẩm hồi gia. Hầu hết đều không muốn người khác đến gần mình, nhất là những người ở chính quyền địa phương. Nhiều người khi thấy bà đến còn nói “làm gì mà bà đến gặp tôi hoài vậy?”. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ cũng không muốn bà đến gặp con cái họ và đã thể hiện ra mặt.

Biết là khó khăn, nhưng bà kiên trì không nản lòng, rồi tìm cách tiếp cận bằng được. Ngoài việc bà thuyết phục người thân để cùng bà giúp đỡ con em họ vượt qua mặc cảm trong cuộc sống, bà hạn chế đến nhà mà mời người đó ra quán cà phê ngồi tâm sự. Theo tìm hiểu, bà biết được nếu đến nhà sẽ bị hàng xóm những người này để ý, lời ra tiếng vào không hay, rồi họ sợ bà đến để dò xét vấn đề gì… Nên bà đổi phương pháp tiếp cận, nhiều khi gặp ngoài đường, bà hỏi những câu rất gần gũi “con dạo này khoẻ không, công việc thế nào, có cần cô giúp đỡ gì không?...”.

Theo bà Lựu, những người bà tiếp nhận để giúp đỡ, bản thân bà luôn coi họ như người thân, kiên trì bằng cả tấm lòng của mình để phân tích giúp họ hiểu vấn đề để họ bỏ qua mặc cảm mà vươn lên.

Là người thường xuyên làm việc với bà Trần Thị Lựu, anh Nguyễn Chí Nghĩa, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội phường Hiệp Bình Chánh cho biết: “Cô Lựu là người rất nhiệt tình trong công việc, không quản ngại khó khăn gian khổ. Cô luôn cố gắng làm sao để giúp được những người không may có đủ nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Ngoài ra, bà Lưu còn vận động các mạnh thường quân và bà tự bỏ tiền ra mua quà, bảo hiểm y tế tặng cho những gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ hoàn lương trên địa bàn vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ như 8-3, 28-6, 20-10… Vận động kinh phí tặng học bổng cho con những gia đình ặp khó khăn trên địa bàn.

Ông Lê Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết: “Cô Trần Thị Lựu là người rất có trách nhiệm với các hoạt động cộng tác xã hội tại địa phương, nhất là việc giúp đỡ những thanh niên hồi gia, những người lầm lỡ. Cô đã dành nhiều tâm huyết của mình cùng các ban, ngành, đoàn thể của địa phương để dìu dắt những người lầm lỗi tiến bộ, hướng họ đến cuộc sống tươi đẹp và tích cực hơn”.

Trong tâm trí những người được bà Lựu dìu bắt đã tiến bộ, bà luôn là người cán bộ thân thương đã truyền nghị lực sống để họ vươn lên. Đến nay đã ở cái tuổi 64, nhưng bà vẫn luôn nhiệt huyết với công việc và trăn trở mong sao có sức khoẻ để tiếp tục giúp đỡ những người kém may mắn vượt lên chính mình.
Nhân Sơn
.
.
.