Chuyện về loài hoa, thảo dược quý hiếm trên vùng cao Ba Chẽ

Chủ Nhật, 24/01/2016, 17:31
Chúng tôi đến vùng cao huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh tìm hiểu về trà hoa vàng đúng vào thời điểm loại cây dược liệu quý hiếm này đang trổ hoa, thu hoạch (trà hoa vàng nở vào tháng 1, 2 dương lịch, tức tháng 11, 12 âm lịch).

Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ có từ rất lâu. Nhưng phải tới gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến. Trà hoa vàng thuộc thực vật hạt kín, hai lám mầm, họ sơn trà, là loại cây cảnh quý hiếm trên thế giới. Trà hoa vàng có hoa màu vàng kim đặc trưng, màu sắc rực rỡ, dường như bôi một lớp sáp mỏng bên trên, óng ánh mà mềm mượt, cảm giác như bán trong suốt. Hiện nay, cây trà hoa vàng và nhiều loại thảo dược quý đặc trưng của vùng cao Ba Chẽ đang từng bước đổi thay cuộc sống cho người dân nơi đây.

Anh Nịnh Văn Trắng chăm sóc, thu hoạch trà hoa vàng.

Theo “Camellia International Journal” - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33%, giảm 35% hàm lượng cholesterol trong máu (mỡ máu). Loại trà này làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu. Những năm gần đây, người dân Ba Chẽ thường thu hái nụ và hoa trà hoa vàng để dùng, giúp tăng cường sức khỏe hoặc bán ra thị trường với mức giá 15-20 triệu đồng/kg khô; hoa tươi thu mua với giá 1,5-1,6 triệu đồng/kg.

Trà hoa vàng trổ hoa.

Nhận thấy giá trị kinh tế lớn, những năm gần đây bà con nơi đây tiến hành trồng cây trà hoa vàng. Đi đầu trong phong trào chế biến dược liệu quý này là anh Nịnh Văn Trắng, dân tộc Sán Chỉ, thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Khu vườn trà hoa vàng của anh Trắng rộng 2 ha, trồng được hơn 5 năm, đã ra hoa, thu hoạch được, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Để tìm hiểu thực tế và có cơ sở khoa học, huyện Ba Chẽ đã làm việc và mời PGS.TS Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội nghiên cứu về loại thảo dược này. Trà hoa vàng (tên tiếng Anh Golden Camellia, tên khoa học Camellia chrysantha) còn gọi là kim hoa trà. “Trong đó, hoa và lá cây trà bao hàm hơn 400 thành phần hóa học, không có độc và tác dụng phụ. Trong đó phải kể tới Saponin; các hợp chất phenolic; amio acid; axit folic; protein; vitamin B1, B2, C, E, axit béo… cùng rất nhiều các thành phần dinh dưỡng tự nhiên. Trà hoa vàng có vài chục loại axit axitamin, nhiều các nguyên tố vi lượng Ge, Se, Mo, Zn, V… có tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật…”.

Sản phẩm trà hoa vàng đóng gói.

Theo tài liệu “Cây thuốc sạch của Việt Nam cho sức khoẻ cộng đồng” của Công ty TNHH Cây thuốc Việt Nam thì trà hoa vàng hiện mới chỉ thấy có ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Cây có hình dáng gần giống cây chè xanh và sinh sống trong các khu rừng có độ ẩm, có độ cao dưới 500m. Cây trà hoa vàng đâm lộc khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, tháng 11 bắt đầu nở hoa có đường kính 5-6cm. Trà hoa vàng ưa khí hậu nóng ẩm, bên bờ suối có bóng râm, rất thích hợp ở vùng cao Ba Chẽ vì nơi đây có con sông Ba Chẽ khí hậu ẩm ướt.

Anh Nịnh Văn Trắng, trú tại thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ dẫn chúng tôi tới tham quan vườn cây trà hoa vàng xanh mướt đang kết nụ, trổ hoa. Để có đồi cây này, người dân nơi đây từng cần mẫn nhặt từng hạt chè hoa vàng từ rừng về trồng. Từ nhiều năm nay, người cao tuổi ở các xã trong huyện Ba Chẽ biết về cây chè hoa vàng dùng để nấu nước uống như chè xanh. Đây là loài cây mọc tự nhiên trong rừng. Người dân dùng trà hoa vàng nấu lấy nước uống, người khoẻ mạnh ăn được nhiều cơm, đêm ngủ ngon giấc.

Anh cho biết: năm 2006, người Trung Quốc thu mua loại trà này với giá rất cao. Người dân các xã vùng cao ở Ba Chẽ đổ xô vào rừng tìm trà hoa vàng. Họ đào rễ bán cả cây cho thương lái thu gom mang sang bên kia biên giới. Để tránh người dân khai thác mang tính huỷ diệt, một số hộ ở các xã Đạp Thanh, Đồn Đạc (Ba Chẽ) thu mua cây trà để tránh thất thoát, mất giống trà quý hiếm. Do nguồn lợi lớn và nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý, anh Trắng trồng và nhân rộng loại cây dược liệu này. Anh Trắng là người tiên phong trồng 2 ha cây trà hoa vàng với 3.300 cây, đã cho thu hoạch được 1 vụ. Anh tham khảo kinh nghiệm của các cụ trong làng; ý kiến của cán bộ khuyến nông huyện và chăm sóc. Sau đó anh ươm trồng, chiết cành, ươm hạt phát triển các đồi trà của gia đình và bán cây giống cho người dân trong xã. Hiện, trong xã có khoảng 50-60 hộ tham gia trồng giống trà này. Mỗi năm, gia đình anh hái và thu mua trà hoa vàng, thu nhập  khoảng 1 tỷ đồng.

Sau một thời gian sử dụng trà hoa vàng, anh Trắng nhận thấy đây là loài cây chữa bệnh rất tốt cho sức khỏe, bổ máu, chống được bệnh cao huyết áp. Cây trà hoa vàng rất dễ trồng, vì đây là cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng của Ba Chẽ. Trà trồng 3 năm cho thu hoạch, 1 cây cho 1 kg hoa tươi/vụ, 1 ha trà cho khoảng 250kg hoa tươi. Với giá bán hiện nay, người trồng trà thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay, ở Ba Chẽ có nhiều hộ dân đứng ra thu mua cây trà giống để bảo tồn và phát triển kinh tế, tìm biện pháp nhân rộng.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Bí thư Huyện uỷ Ba Chẽ cho biết, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành quy hoạch vùng trồng dược liệu trên 3.000 ha, trong đó trồng cây trà hoa vàng 500 ha tập trung ở các xã: Đạp Thanh, Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Minh Cầm, Lương Mông; sản lượng 20,7 tấn hoa khô. Hiện, toàn huyện trồng được 70 ha, cho thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư trồng và chế biến dược liệu như Công ty Cổ phần Phú Khang lập dự án trồng 250 ha, chế biến dược liệu tại chỗ và đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch. Công ty đang tiến hành triển khai các bước để kịp thời đầu tư trong năm 2016. Việc đưa cây trà hoa vàng vào sản xuất trồng đại trà là hướng đi phù hợp, vừa bảo vệ nguồn dược liệu quý, vừa tạo nguồn và nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đăng Hùng
.
.
.