Chuyện học chữ trên 'bản mặt trời'

Thứ Ba, 14/04/2015, 17:59
“Bản mặt trời” Mỹ Á thuộc xã Thu Cúc, (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) là vùng tam giác giáp ranh giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Sơn La – Yên Bái. Năm trên đỉnh núi cao 2.000m nên mọi hoạt động sinh hoạt đến chuyện học cái chữ của lũ trẻ nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.
Mưu sinh trên đỉnh cao 2.000m

Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đồng bào người Mông ở Suối Giàng, (Văn Chấn, Yên Bái) đối mặt với nạn đói nên đã chuyển lên mưu sinh trên đỉnh Củm Cò, nay là bản Mỹ Á, (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ).

Sau một thời gian bám trụ trên vùng đất quanh năm mấy trắng bao phủ, người dân bản Mông đã biết đứng lên khai hoang đất đai để lập nghiệp. Trưởng bản Sùng A Tủa là người đầu tiên đưa gia đình cùng 3 hộ dân đã tiên phong lên khu đất trống để khai hoang, mưu sinh. Khi mới lập ấp, cuộc sống khốn khó, nghèo khổ lắm. Các gia đình đều lập ấp gần nhau để đói khát còn san sẻ cho nhau.

Thời gian trước, đói kém là do người dân chưa biết canh tác, trồng trọt, cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắn thú hoang và hái lượm quả trong rừng hoặc đi đào củ mài, củ sắn mọc hoang về nướng ăn qua bữa. Từ khi chuyển sang vùng đất này, mọi người học được nhiều điều hơn, họ biết cách trồng trọt, dần rồi biết chăn nuôi để tự nuôi sống bản thân mà không cần dựa vào thiên nhiên.

Cuộc sống khó nhọc vẫn tiếp diễn những năm sau đó nhưng rồi nạn đói cũng bị đẩy lùi dần. Từ chỗ chỉ lác đác vài hộ dân sinh sống, sau 50 năm qua trên mảnh đất ấy đã hình thành nên một bản làng với 90 hộ gia đình, gần 600 nhân khẩu. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chan chứa tình yêu thương, mọi người gần gũi, đùm bọc lấy nhau để sống. 

Khi người dân mới đến lập ấp để mưu sinh, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Ngày ấy, đường đến bản chưa được làm mà chỉ là con đường mòn nhỏ ven qua các bụi cây, trường học, trạm xá ở cách xa bản trên 30 chục cây số, điều kiện kỹ thuật canh tác không có nên mọi thứ đều được người dân tự mày mò rồi đi xuống xuôi học hỏi thêm kinh nghiệm của người Kinh.

Sau một vài năm, được sự quan tâm của chính quyền, người dân ở đây được xây dựng tập trung lại sinh sống, dần lập nên bản Mỹ Á ngày nay. Bản mới lập, đường sá được làm rộng ra thuận lợi cho việc đi lại. Đường xương cá đến bản được kết nối với đường chính và dự án điện, trường, trạm đến bản cũng được thắp sáng sau đó không lâu.

Sau khi đường sá được làm, người dân không còn phải cất công đi ra tận Quốc lộ, chờ người đi qua để đổi sắn, thú lấy gạo, lương thực, nước nữa. Thay vào đó, đã có người phụ trách chuyên chở lương lực, đồ dùng cá nhân đến tận bản để cung cấp cho mọi người.

“Người dân Mỹ Á phấn khởi và biết ơn Đảng, biết ơn nhà nước lắm vì đã đem điện, nước, cái ăn đến với người dân trong bản nghèo” – ông Sùng A Sinh nói.

Học chữ để thoát đói

Sau khi đã no cái bụng, người dân chuyên tâm làm ăn và bắt đầu lo lắng cho thế hệ tương lai, những đứa trẻ trong bản cũng vì thế mà được quan tâm hơn, được đến trường đi học cái chữ để biết viết, biết đọc. Hiện rất nhiều trẻ trong bản được đi học nhưng cũng có một số ít không được đến trường học cái chữ cùng các bạn vì lý do nhà nghèo, chưa đủ cái ăn nên phải ở nhà giúp mẹ.

Dù mới bước sang tuổi 16 nhưng A Sủng vẫn chỉ biết ngày ngày ngày nhìn các bạn đến trường còn mình thì đi lên nương giúp mẹ làm sắn. Do nhà nghèo nên em chỉ được cho học đến lớp 6 rồi nghỉ học. Trong bản vẫn còn không ít trường hợp các em chỉ theo học đến cấp 2 do đường sá xa xôi, gia đình không đủ kinh phí cho các em học lên bậc phổ thông.

Các em vui tươi trong ngày đến trường.

Em Vừa A Dinh là một trong số đó tâm sự: Em và các bạn dự định sẽ chỉ học hết bậc trung học rồi nghỉ học ở nhà theo bố mẹ lên nương. Trường cấp hai cách bản gần 20 km, để đến được trường phổ thông, các em phải trải qua ít nhất vài ba con suối trên con đường gồ ghề đầy đá hơn 30 km.

Các bạn theo học ở bậc trung học và phổ thông đều phải ở bán trú trong các khu nhà dân, cuối tuần về nhà xách rau, muối, mắm, gạo lên trường để theo học. Tuy nhiên, muốn theo học ở bậc phổ thông thì nhiều bạn không đủ điều kiện kinh tế vì đa phần gia đình trong bản đều thuộc hộ nghèo.

Nhiều trẻ bản Mông mê cái chữ, mong muống được hòa mình vào sự học với các bạn người Kinh dưới xuôi nhưng phần lớn đều chỉ học hết bậc trung học rồi về theo mẹ lên nương. Trên địa điểm gần bản Mỹ Á, ngôi trường mầm non và tiểu học khang trang đã được xây dựng và các em có thể an tâm học tiểu học nhưng với các em trong bản Mỹ Á ở trường THCS Thu Cúc giờ đây vẫn phải nửa ngày lên lớp, nửa ngày lên nương làm việc.Các em chưa quan tâm lắm đến việc học phổ thông và đại học, đó có lẽ là cái gì đó xa xôi mà các em chưa dám nghĩ đến. Trong thời gian đến trường thì cái nghiệp mưu sinh vẫn còn đè nặng lên vai các em.

Thầy giáo Mùa A Đàn, giáo viên giảng dạy tại trường THS Thu Cúc cho hay: Hiện tại có khoảng 30 em học sinh Mỹ Á theo học tại trường, vì đường xa nên các em đều ở bán trú dân nuôi, thuận tiện cho việc học tập. Khu ở bán trú cũng chỉ được quây tạm bợ bởi những vách tôn, khi trời mưa gió thì các em phải tìm cách để bịt những lỗ thủng trên nhà hoặc lấy chậu hứng nước mưa dột.

Cuộc sống của bản Mông trên đỉnh núi cao 2.000m tuy đã có những khởi sắc, đang từng ngày thay da, đổi thịt nhưng vẫn còn đó những khó khăn chồng chất. Đường sá đến khu trung tâm còn sa, đường gồ ghề khó đi, phải mất cả ngày trời. Ứơc mơ đi học đã được thực hiện nhưng đó mới chỉ là ước mơ đi học để hết nghèo cái chữ.

Các em vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học để đổi đời, học để làm ăn và học để làm người có ích với chính bản thân, giúp ích cho người trong bản. Để làm được điều đó, các em cần được học đến bậc phổ thông và lên đại học hoặc học trung cấp nghề để đem cái nghề về với bản, giúp bản bớt nghèo...

Lê Kiên - Hải Châu
.
.
.