Chính sách chưa hấp dẫn khiến BHXH tự nguyện ít người mua

Thứ Năm, 30/11/2017, 08:50
Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 13,2 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,4 triệu người, và lượng người tham gia BHXH tự nguyện lại rất thấp, chỉ có 220 nghìn người. Nguyên nhân được chính BHXH Việt Nam thừa nhận là do chính sách chưa thực sự hấp dẫn người dân.

Theo con số được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đưa ra tại buổi thông tin báo chí chiều 29-11, hiện tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 80 triệu người. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 13,2 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,4 triệu người, và lượng người tham gia BHXH tự nguyện lại rất thấp, chỉ có 220 nghìn người. Nguyên nhân được chính BHXH Việt Nam thừa nhận là do chính sách chưa thực sự hấp dẫn người dân.

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện rất thấp. Ảnh: CTV.

Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, con số hơn 220 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện là đã tăng thêm gần 20 nghìn người so với thời điểm 31-12-2016. Ông Đại cũng thừa nhận đây là con số “khiêm tốn”. 

Nguyên nhân theo ông Đại là do quy định hiện nay người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% tổng thu nhập. Đây là con số không nhỏ, đặc biệt là với những người lao động tự do. Số hỗ trợ của Nhà nước lại thấp, đối với người nghèo được hỗ trợ 30% trong số 22% phải đóng, người cận nghèo 25%, những đối tượng khác được hỗ trợ 10%, quy định này chỉ được thực hiện từ 1-1-2018. 

Mức hỗ trợ tính theo mức sống trung bình của vùng nông thôn (khoảng 700 nghìn đồng). Một tháng được hỗ trợ khoảng 15 nghìn đồng/người đối với người bình thường khi tham gia BHXH tự nguyện. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đến 2020 có 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. 

Cơ quan BHXH đã tập trung các công tác tuyên truyền, phổ biến, các đại lý cũng được mở rộng nhưng đến nay hầu hết các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động có thời gian làm việc ở các đơn vị, các doanh nghiệp. Sau khi nghỉ không còn làm việc nữa thì mới tham gia. Còn đối tượng trong độ tuổi lao động có điều kiện tham gia thì số lượng rất hạn chế”, ông Đại nói.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để phát triển được các đối tượng lao động tham gia BHXH tự nguyện cần phải tạo điều kiện về mặt cơ chế cho người lao động, cho người dân có thể tham gia được. “Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này. Chính sách đã hấp dẫn chưa, nếu cứ bắt buộc người ta tham gia BHXH thì ví dụ hết sức sinh động là các hãng taxi thay vì giao hết hợp đồng, họ lại khoán xe cho tài xế, họ không mất đi thu nhập, vẫn đảm bảo doanh thu, trong khi đó BHXH lại khó khăn trong việc yều cầu chủ hãng hay tài xế tham gia BHXH để bảo vệ quyền lợi cho chính người ta”, ông Sơn nói.

Không nhiều người "mặn mà" với BHXH tự nguyện.

Một trong những vấn đề đang tạo được sự quan tâm của dư luận hiện nay là cách tính lương hưu áp dụng từ ngày 1-1-2018, đặc biệt đối với lao động nữ. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết, điều chỉnh cách tính lương hưu, đặc biệt là lương hưu đối với lao động nữ theo Luật BHXH 2014, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã có các ý kiến cho rằng cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể. 

Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri, cũng như phản ánh của người lao động, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã có báo cáo trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã ủy quyền cho Bộ trưởng LĐ-TB&XH trình bày trước Quốc hội. Để sửa đổi, thay thế hay có sự điều chỉnh vẫn đang chờ ý kiến của Quốc hội.

“Trong báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra đề xuất là áp một lộ trình cho cách tính lương hưu của lao động nữ thay thế cho khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014. Thực tế theo điều 56 này, cách tính lương hưu của lao động nam có lộ trình, còn lao động nữ không áp dụng lộ trình. Vì thế Chính phủ cũng đã đề xuất với Quốc hội áp dụng lộ trình cho lao động nữ để đảm bảo cho người nghỉ hưu năm trước và năm sau không bị chênh quá lớn. Thẩm quyền quyết định vẫn phải chờ ý kiến của Quốc hội”, ông Cường cho biết.

Trước thông tin lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 nếu chưa đủ thời gian tham gia BHXH sẽ bị thiệt, số lượng lao động nữ đến các trung tâm giám định sức khỏe tăng lên rất nhiều, thậm chí tăng gấp 3 lần như ở Viện Giám định Trung ương, có những địa phương đi cả chuyến xe 60 người lên giám định sức khỏe để được nghỉ “hưu non”. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cách tính lương hưu, đặc biệt với lao động nữ từ 1-1-2018 đang có kỳ vọng sẽ thay đổi. 

“Tôi xin khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đã có tờ trình lên Chính phủ đưa ra đề xuất lộ trình tính tuổi nghỉ hưu sao cho phù hợp với lao động nam, có nghĩa là cùng đến năm 2022 sẽ có thời gian tham gia BHXH thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc nghỉ hưu sớm cũng chưa chắc đã được lợi hơn, bởi nghỉ hưu sớm thì lương hưu sẽ thấp hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Phan Hoạt
.
.
.