Chiêu trò của người bán chim, cá phóng sinh

Chủ Nhật, 21/02/2016, 10:51
Sau khi người thả chim phóng sinh đi, bà bán chim nhanh nhẩu đứng dậy tìm bắt lại tất cả các con chim yếu không bay được  bỏ lại vào lồng tiếp tục chờ khách khác đến để bán.


Còn vài ngày nữa mới đến ngày tổ chức lễ hội chùa Bà vào Rằm tháng Giêng hằng năm, nhưng trên các nẻo đường TP Thủ Dầu Một, Bình Dương lúc nào cũng tấp nập khách thập phương. Họ về đây để vào chùa Bà đốt nhang, xin lộc, cầu phước. Muốn được hưởng phước lành, may mắn cả năm, nhiều người đã ra bờ sông Sài Gòn ven đường Bạch Đằng để thả cá hay vào các chùa để thả chim phóng sinh.

Đã gần nửa đêm mùng 10 Tết Bính Thân,  trên đường Bạch Đằng (con đường được mệnh danh là đẹp nhất Bình Dương) có hàng chục điểm bán cá phóng sinh, kẻ bán, người mua và cả người đến xem gây náo nhiệt cả một đoạn sông dài.

Tại một điểm bán cá, chủ là một phụ nữ chừng 40 tuổi, trông người béo khỏe, da trắng, mặc bộ quần áo đen bó sát thân người. Một đôi thanh niên còn rất trẻ, có vẻ sang trọng, nhẹ nhàng bước xuống chiếc xe máy mang biển số TP Hồ Chí Minh tiến lại gần chỗ bán cá: “Chị chọn bán cho em một cặp cá đẹp”. Mừng rỡ, chị bán cá vội cầm chiếc vợt vớt  2 con cá rồi nhanh nhẹn trút vào một bịch nilon đưa cho người thanh niên. 

Một số chim bị nhốt để đem bán.

Không cần phải xem xét, người thanh niên nhờ chị bán cá trông chừng chiếc xe máy rồi đi thả 2 con cá xuống dòng nước. Xong việc, người thanh niên  hỏi: “Bao nhiêu tiền hả chị”, chị bán cá nhanh nhảu: “300 ngàn chú ạ”. Đưa tiền xong cho người bán cá, đôi thanh niên lên xe chạy về hướng chợ Thủ Dầu Một, ngay sau đó, có hai thiếu niên mặc quần đùi lội xuống chỗ lúc nãy đôi thanh niên vừa thả cá.

Mò mẫm một lúc, thấy trên tay có 2 con cá và lội lên bờ thả vào cái chậu nhựa xanh lưng lửng nước, có một chiếc ống nhựa thổi bọt khí liên tục. Thắc mắc, tôi liền hỏi một người trung niên đang ngồi hút thuốc bên bờ sông , anh ta chậm rãi: “Khó gì, dưới nước người ta đã để sẵn lưới chích điện, sử dụng bằng bình ắc quy, cá thả xuống thì ít có con nào bơi thoát được. Gặp điện, chúng chúi xuống bùn, cứ thế xuống mà vớt lên, bỏ vào chậu có ống dẫn ô xy, chỉ vài phút là cá tỉnh lại, tiếp tục bán cho người khác”.

Sáng 18-2 (11 Tết Bính Thân), chúng tôi tới một ngôi chùa nghèo ở TX. Tân Uyên. Tại chùa có gần chục cái lồng chim (chủ yếu là chim sẻ), bà bán chim ngồi dưới một bóng cây to, không ngớt miệng mời chào. Một khách hành hương chừng 50 tuổi, ăn mặc sang trọng hỏi mua 100 con chim với giá 400 ngàn đồng. Thả chim xong, bước đi một đoạn, như sực nhớ ra chuyện gì, bà quay lại chỉ tay vào số chim còn lại hỏi: “Tất cả số chim này bán bao nhiêu”, sau vài phút tính nhẩm, bà bán chim ra giá 2,4 triệu đồng. Không trả giá, bà mua chim móc ví trả tiền rồi yêu cầu mở lồng thả hết số chim còn lại.

Được phóng sinh, thay vì sẽ tung bay đi lên nhưng do bị nhốt lâu ngày nên nhiều con đã đuối sức, không bay nổi mà chỉ chạy quanh quẩn tìm chỗ trú thân, đứng lù rù, run rẩy.  Chờ cho người mua chim và khách hành hương đi qua, bà bán chim nhanh nhẩu đứng dậy tìm bắt lại tất cả các con chim yếu không bay được  bỏ lại vào lồng tiếp tục chờ khách khác đến để bán.

Chị Trần Thị Gái - một người dân sống bên chùa khẳng định: “Nhiều lần để ý, tôi thấy người bán chim chọn những con còn khỏe nhốt riêng một lồng, xếp trên các lồng chim đuối, yếu. Có người hỏi mua, họ không bán chim khỏe mà chỉ bán những con chim yếu để sau khi phóng sinh, họ dễ bắt lại được để bán tiếp cho người khác. Cứ như thế, một con chim có thể được phóng sinh nhiều lần và người bán cũng thu lợi nhiều lần.”

Hòa thượng Thích Thiện Duyên - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, cho biết: “Gần đây, ý nghĩa của việc phóng sinh đã bị những kẻ xấu lợi dụng để kinh doanh trục lợi, nghĩ thật là buồn. Tôi vẫn thường khuyên người thiện tâm phải biết phân biệt thật giả, đừng để bị lợi dụng rồi vô tình chính mình tiếp tay cho cái xấu, cái ác”.

Ngọc Ánh
.
.
.