Máy test thực phẩm Soeks: Chỉ là kết quả thử nghiệm ban đầu

Thứ Sáu, 13/05/2016, 13:52
Báo CANDonline đã có bài viết “Hoang mang vì kết quả máy test thử nhanh thực phẩm” phản ánh tình trạng nhiều người dân bỏ ra số tiền hàng triệu đồng để mua máy test nhanh thực phẩm Soeks. Tuy nhiên, hàm lượng Nitrat mà máy đo được trên thực phẩm thường cao gấp nhiều lần mức cho phép khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng có nên tin vào chỉ số đo được trên máy hay không?

Trước những thắc mắc cũng như lo lắng của người tiêu dùng về chỉ số đo được từ máy thử test nhanh Soeks gây “sốc” vừa qua, chúng tôi đã liên hệ làm việc với đơn vị cấp phép lưu hành chiếc máy này là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). 

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng cho biết: Bộ xét nghiệm nhanh dư lượng Nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi (SOEKS NUC-019-1) do SOEKS LLC sản xuất, đã được liên bang Nga cấp phép lưu hành, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga. Ngoài hồ sơ do Liên bang Nga đã cấp, bộ xét nghiệm nhanh trên trước khi Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đã khảo nghiệm thực tế tại Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, Viện Dinh dưỡng, và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 1 (QUATEST 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ). Hồ sơ được báo cáo Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan để thẩm định và cho ý kiến, trên cơ sở kết luận và đề  xuất của Hội đồng, Cục An toàn thực phẩm xem xét cho phép lưu hành.

Sử dụng máy Soeks để đo dưa bở, kết quả vượt ngưỡng cho phép gần gấp 2 lần.

Theo ông Tuấn, có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá một sản phẩm có an toàn hay không, thiết bị này chỉ kiểm tra sơ bộ nitrat trong thực phẩm. Để đảm bảo độ chính xác của thiết bị, người tiêu dùng cần sử dụng bảo đảm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như cần đọc kỹ và tuân theo hướng dẫn sử dụng cũng như các lưu ý trong bản hướng dẫn sử dụng đã được Cục An toàn thực phẩm phê duyệt. Người tiêu dùng cần chú ý không được để đầu kim đo chạm vào tay và thực phẩm, hoặc đầu kim đo chưa được làm sạch trước khi ấn nút thao tác cắm kim đo. 

Một số hướng dẫn sử dụng cụ thể khi dùng bộ xét nghiệm nhanh nitrat: Đối với rau ăn lá: Với sản phẩm rau ăn lá, cần phải xay, nghiền khô rau ăn lá thật nhỏ ở dạng nhũ tương sau đó cho vào cốc, chọn mục dành cho đo sản phẩm rau ăn lá - cắm ngập kim vào rau ở dạng nhũ tương và bấm ok. Đối với thịt tươi: Giữ nguyên mẫu – chọn danh mục tương ứng – cắm ngập kim vào mẫu và bấm ok. Đối với củ, quả: Giữ nguyên mẫu – chọn danh mục tương ứng – cắm ngập kim vào mẫu và bấm ok. 

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên cần lưu ý kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, để khẳng định đạt hay không đạt cần phải có các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm”. 

Cũng liên quan đến chỉ số thử thực phẩm vượt ngưỡng an toàn nhiều lần từ máy Soeks, chúng tôi đã liên hệ hẹn lịch làm việc với lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia. Tuy nhiên, sau khi đã gửi câu hỏi và chờ đợi trong vài ngày, chúng tôi nhận được trả lời của lãnh đạo viện là có việc bận nên chưa thể trả lời được(?!).

Chọn mua thực phẩm như thế nào là an toàn? Theo một số chuyên gia về thực phẩm thì ngay cả cơ quan quản lý nếu kiểm tra bằng mắt thường cũng không biết đâu là thực phẩm có sử dụng hóa chất, thuốc kích thích mà tất cả phải là xét nghiệm chỉ tiêu. 

Vậy, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, theo ông Đỗ Hữu Tuấn thì các bà nội trợ khi chọn mua và sử dụng thực phẩm, nên mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, tuyệt đối không mua sản phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. 

Đối với các nhóm như rau, củ, quả thì nên mua các sản phẩm đúng mùa, vụ chính, đây là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ít. Đối với nhóm thịt động vật thì phải lựa chọn các sản phẩm còn tươi, bề mặt không có màu sắc lạ, ấn vào có độ đàn hồi, không có mùi lạ. 

Người dân cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, hóa chất không đảm bảo gây độc hại cho sức khỏe. Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cả gia đình, mỗi người dân cần lưu ý chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, được phép kinh doanh thực phẩm, thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm. 

Thiết nghĩ, người dân không nên quá hoang mang với các thông tin về thực phẩm bẩn để mua về những thiết bị đo, thử chưa được kiểm định, vừa mất tiền lại càng thêm lo lắng.

Ng. Hương – Tr. Hằng
.
.
.