Chất lượng 3G tại Việt Nam đang ‘lõm bõm’?

Thứ Hai, 26/10/2015, 09:33
Theo thống kê của các nhà mạng, sau gần 5 năm triển khai dịch vụ 3G, số lượng thuê bao 3G của các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều mới chiếm khoảng trên 30% trong tổng số thuê bao di động, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của khu vực ASEAN là 45%.



Bên cạnh số lượng thuê bao thấp chưa đạt như kỳ vọng thì tốc độ và chất lượng 3G cũng đang được đánh giá là thấp hơn so với khu vực, thực tế khác xa với lý thuyết, gây bức xúc cho người dùng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, thực tế cho thấy, công nghệ 3G là rất tốt, có thể đạt tốc độ tối đa 42 Mbps. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại nhiều năm nay là cùng công nghệ này nhưng khi truy cập dịch vụ tại một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì tốc độ rất nhanh nhưng khi về tới Việt Nam lại chậm. Điều này chứng tỏ, vấn đề không nằm ở công nghệ mà chính là chất lượng đầu tư của các nhà mạng. 

“Nếu các nhà mạng tiếp tục triển khai các trạm 3G lỗ chỗ, mỗi nơi vài trạm như hiện nay tốc độ không thể nào đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, với cách đầu tư này, có triển khai 4G, 5G thì cũng vậy”-nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh.

Từ phía các nhà mạng, đại diện Viettel cho biết: Bên cạnh khó khăn trong cấp phép xây dựng do thủ tục xây dựng trạm thu phát sóng khá phức tạp, rườm rà, các doanh nghiệp còn bị người dân cản trở xây dựng trạm với lý do sợ ảnh hưởng sức khỏe từ các trạm thu phát sóng di động này. Hàng loạt các vụ khiếu kiện của người dân liên quan đến việc dựng trạm BTS đã diễn ra tại nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và kể cả Bộ trưởng Bộ TT&TT đã lên tiếng giải thích rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy các trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, song tình hình chưa cải thiện thêm được bao nhiêu. Hơn nữa, số lượng thuê bao 3G hiện nay chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, môi trường phủ sóng tại các địa phương này, đặc biệt như Hà Nội rất phức tạp, nhà bé, ngõ nhỏ, đi bộ vào còn vướng; có những khu vực 4-5 năm nay vẫn chưa lắp được trạm thu phát sóng vì chưa xin được phép. Trong đó, nguyên nhân chính là do người dân không đồng thuận. 

Ngoài ra, thực tế tại Việt Nam cho thấy, chất lượng đo đạc 3G định kỳ hàng năm đang có sự khác biệt rõ nét giữa các khu vực trong nhà và ngoài trời. Tại nhiều khu vực ở Hà Nội, kết quả đo đạc ngoài trời rất tốt nhưng trong nhà lại không có sóng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “lệch pha” trong kết quả đo đạc của nhà mạng và trải nghiệm thực tế của người dùng.

Chia sẻ quan điểm này, đại diện VinaPhone cũng cho rằng: Vấn đề không phải là nhà mạng không dám đầu tư xây mới các trạm thu phát sóng để nâng cao chất lượng mà do vướng mắc, khó khăn trong việc xin cấp phép. Bằng chứng là trong những năm qua, VNPT đã đầu tư mạng 3G phủ sóng 90% lãnh thổ Việt Nam nhưng  vướng mắc lớn nhất vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng, tại nhiều khu vực, nhiều nơi dù đã mua thiết bị rồi nhưng vẫn chưa xây được trạm. “Nếu cắm thêm được các trạm phát sóng thì chất lượng 3G chắc chắn sẽ được cải thiện, tránh được tình trạng lõm bõm khi cả một phường chỉ có một vài trạm phát sóng, dẫn đến quá tải và không đáp ứng được nhu cầu”, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT Net cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.