Chàng kỹ sư địa chất trở thành 'vua nấm'

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:54
Tốt nghiệp ngành Địa chất - Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chàng sinh viên 25 tuổi Trần Quang Hưng đã lặng lẽ trở về quê ở Đông Hà, Quảng Trị, để thực hiện ước mơ làm giàu từ việc trồng nấm. Và, Hưng đã được nhiều người biết đến với biệt danh “vua nấm”…
Hưng kể: “Một lần trên chuyến xe lên Lâm Đồng làm đồ án, em trò chuyện rồi quen với một người chuyên trồng nấm quy mô lớn. Vốn yêu thích công việc trồng trọt từ nhỏ nên em xin tới trang trại để học hỏi. Thế là suốt 2 năm cuối đại học, cứ tranh thủ ngày nghỉ, em bắt xe lên Lâm Đồng để học nghề”. Năm 2013, Hưng tốt nghiệp đại học và quyết định trở về Đông Hà bắt tay vào nghề trồng nấm. Với vốn kiến thức học hỏi được, Hưng vừa trồng nấm, vừa nghiên cứu tiếp cận thị trường đầu ra, công việc kéo dài hàng tháng.

Tuy nhiên, thu hoạch sản phẩm lần đầu, Hưng đã gặp phải khó khăn, do nấm anh trồng có trọng lượng nhẹ nên bị thua lỗ. Hưng vắt óc suy nghĩ, nếu cứ liên tục thất bại, gánh nặng nợ nần sẽ dồn lên gánh cháo bán rong của mẹ; trong khi ba thì bị bệnh, việc đi lại rất khó khăn. Không thể bỏ cuộc, dập tắt sự kỳ vọng của ba mẹ, anh lại mày mò nghiên cứu và nhận ra sự khác biệt giữa khí hậu, thổ nhưỡng của Lâm Đồng với Quảng Trị.

Trong khi Lâm Đồng khá lý tưởng về độ ẩm thì ở Quảng Trị quê anh lại ràn rạt gió Lào, cây nấm không thể phát triển trong điều kiện khô hanh. Thế là Hưng vay mượn vốn đầu tư 400 triệu đồng để làm nhà bạt chắn gió, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho đảm bảo độ ẩm. Với nỗ lực đó, Hưng đã trồng thành công loại nấm bào ngư xám, được thị trường ưa chuộng…

Trần Quang Hưng có biệt danh “vua nấm”.

Đam mê với nghề trồng nấm, nhưng Hưng không quên ngành mình đã học. Thi thoảng có đơn vị cần, anh lại khăn gói lên đường, có khi vào mãi tận Kiên Giang để làm công việc giám sát cho các đơn vị khoan thăm dò địa chất.

Hưng bảo: “Em không có ý định từ bỏ những kiến thức mình đã học được trên giảng đường nên phải tính toán, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để hoàn thành công việc một cách tốt nhất”. Sau hơn 2 năm vừa thử nghiệm, vừa sản xuất, sản phẩm nấm của Hưng đã trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng ở Quảng Trị. Một số nhà hàng, nhất là các nhà hàng chay và cả những tiểu thương ở chợ cũng tìm đến mua nấm của Hưng.

Bình quân với 700m², Hưng có 10 ngàn bịch nấm. Nấm cho thu hoạch quanh năm với 30 ngàn đồng/kg, mỗi ngày thu được 10kg. Vào những đợt cao điểm, anh thu được 50-60kg, tùy theo sự khống chế của người trồng. Hiện nay, mỗi ngày Hưng thu về khoảng 300 ngàn đồng, song lượng nấm bán ra vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thanh Bình
.
.
.