Chặn nguồn lây từ các địa phương có dịch bệnh

Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:54
Chính quyền Thừa Thiên- Huế quyết tâm phòng chống dịch (PCD) COVID-19, ngăn chặn nguồn lây từ cửa ngõ phía Nam của tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng còn diễn biến phức tạp, trong khi đó ở trên địa bàn tỉnh ngày 13/5 tiếp tục ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng do nguồn lây từ Đà Nẵng, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 lên 5 ca, do đó Thừa Thiên- Huế quyết tâm phòng chống dịch (PCD), ngăn chặn nguồn lây từ cửa ngõ phía Nam của tỉnh.

Đặc biệt, đối với môtô, xe máy đến từ các tỉnh, thành mà Bộ Y tế đã công bố dịch, nếu muốn vào địa phận Thừa Thiên- Huế, phải cách ly y tế 21 ngày theo quy định.

Từ sáng sớm 13/5, trên đỉnh đèo Hải Vân, chúng tôi bắt gặp nhiều người điều khiển môtô, xe máy từ Quảng Nam, Đà Nẵng vượt đèo để ra Huế, Quảng Trị... 

Anh Nguyễn Văn Tuấn (36 tuổi, trú tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế), làm lao động tự do tại Đà Nẵng, khi điều khiển xe máy đến đỉnh đèo thì CSGT yêu cầu dừng xe, sau đó hướng dẫn anh vào chốt gần đó để khai báo y tế rồi cách ly 21 ngày theo quy định, nếu muốn về Huế. Nghe vậy, anh Tuấn quyết định quay đầu xe trở lại TP Đà Nẵng.

Theo anh Tuấn, do dịch bệnh nên những ngày qua không có việc làm, trong khi đó, dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đang bùng phát mạnh nên anh quyết định về quê. 

“Ở quê đang mùa gặt nên tôi về để cùng vợ gặt lúa, đỡ tiền thuê người. Nhưng nếu về mà phải cách ly 21 ngày thì mùa gặt cũng đã qua rồi, mà đi cách ly thì phải đóng phí nên tôi quyết định quay trở lại Đà Nẵng”, anh Tuấn buồn bã nói.

Cùng cảnh ngộ, ông Trần Thiên (54 tuổi, trú tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) vào Đà Nẵng làm nghề bán bánh bao và lo sợ bởi dịch bệnh nên ông quyết định về quê để tránh dịch. Nhưng khi ông chạy xe máy đến đỉnh đèo Hải Vân thì được các chiến sĩ CSGT giải thích như trên nên ông cũng phải quay lại Đà Nẵng.

Thiếu tá Trần Ngọc Lâm, cán bộ Trạm CSGT Phú Lộc cho biết, phần lớn những người đi môtô, xe máy từ Đà Nẵng vượt đèo về Huế là lao động tự do. Hầu hết, các phương tiện lên đây khi không được cho qua chốt đành quay đầu lại Đà Nẵng.

Tổ chốt CSGT trên đỉnh đèo Hải Vân yêu cầu người đi xe máy, môtô chấp hành quy định phòng dịch.

Theo lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc, trong 3 ngày nay, có rất nhiều phương tiện là môtô, xe máy đi đường đèo Hải Vân để nhằm tránh cách ly y tế nhưng lực lượng CSGT đã kiên quyết không cho xe vào và yêu cầu phải quay đầu lại.

Để ngăn chặn các phương tiện đi đường đèo để tránh cách ly, tổ công tác của Trạm CSGT Phú Lộc chia thành 3 ca và làm việc liên tục 24/24h. 

Cùng với các chốt kiểm soát đường bộ được thiết lập trên tuyến QL1A ở thị trấn Lăng Cô và chốt kiểm soát trên đỉnh đèo Hải Vân; Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cũng được giao nhiệm vụ lập chốt kiểm soát bằng đường biển, ven bờ và đường biên giới ở khu vực Bãi Chuối thuộc thị trấn Lăng Cô.

Trung tá Nguyễn Hữu Vĩnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô cho biết, các chốt kiểm soát nói trên cũng được giám sát 24/24. Theo Trung tá Vĩnh, đợt dịch trước, do đường bộ kiểm soát chặt nên cũng xảy ra tình trạng một số người dân đi tàu cá theo đường biển về huyện Phú Lộc nhằm trốn cách ly. 

Tuy nhiên, lực lượng BĐBP đã phát hiện và xử lý nghiêm. Sau một thời gian tuyên truyền, đợt dịch từ cuối tháng 4/2021 đến nay, chưa phát hiện phương tiện nào đi đường biển để vào địa bàn huyện Phú Lộc.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Hữu Vĩnh, ngoài chốt kiểm soát tuần tra đường biển và tổ kiểm tra ven bờ thì Đồn Biên phòng Lăng Cô còn cắm một chốt tại khu vực biên giới xã Bãi Chuối để ngăn chặn người dân đi đường mòn từ phía Đà Nẵng ra Huế.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho hay, sáng 13/5, ngay sau khi phát hiện thêm 1 ca COVID-19 là bà V.T.C (SN 1963, trú tổ dân phố 6, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) do lây từ F0 ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã phong tỏa địa bàn và lập các chốt tại tổ dân phố 6- nơi bệnh nhân đang sinh sống. Để thực hiện giãn cách xã hội, thị trấn Phú Lộc cũng sẽ phát phiếu đi chợ cho người dân.

Thượng tá Đoàn Minh Hải cho biết thêm, ngoài các chốt kiểm soát ở tổ dân phố 6, thị trấn Phú Lộc, còn có 18 chốt khác do Công an huyện quản lý đóng tại các điểm phong tỏa thuộc các xã, thị trấn, như Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và Lăng Cô hoạt động 24/24h.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với lực lượng Công an huyện, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế còn tăng cường nhiều CBCS về địa bàn huyện Phú Lộc để cùng tham gia PCD. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 13/5, UBND xã Lộc Tiến (Phú Lộc) đã phát phiếu cho hơn 750 hộ dân để vào chợ Thừa Lưu.

Trước đó, UBND thị trấn Lăng Cô cũng phát phiếu cho hơn 3.000 hộ dân đi chợ. Theo đó, mỗi gia đình được phát 5 phiếu đi chợ trong vòng 15 ngày, có nghĩa là cứ 3 ngày đi chợ một lần. Mỗi hộ dân trước khi vào chợ thì phải xuất trình phiếu cho cán bộ Công an, dân quân, tự vệ kiểm soát...

Theo lãnh đạo xã Lộc Tiến, chợ Thừa Lưu (Lộc Tiến) vốn tập trung nhiều đầu mối thủy hải sản, vì vậy trước khi có dịch, nhiều tiểu thương ở Đà Nẵng cứ ra mua hàng để đưa vào Đà Nẵng bán lại. Vì vậy, việc người dân có phiếu mới vào chợ đã ngăn chặn, kiểm soát được người từ bên ngoài địa bàn vào.

Trước việc xuất hiện 3 ca COVID-19 trong cộng đồng, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chi đạo các lực lượng chức năng khẩn trương truy vết, rà soát các đối tượng F1; yêu cầu huyện Phú Lộc tiến hành đóng cửa tạm thời hàng quán, dịch vụ xung quanh khu vực có bệnh nhân nhiễm COVID-19…

Hải Lan
.
.
.