Giám đốc Cty cây xanh lên tiếng về việc trồng cây dưới đường sắt đô thị

Chủ Nhật, 02/10/2016, 16:40

 Sự việc hàng cây cổ thụ đường Kim Mã chưa lắng xuống, dư luận đã tiếp tục có nhiều ý kiến bất đồng khi thấy dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông (tuyến Yên Lãng, Hoàng Cầu) xuất hiện hàng cây lạ được trồng mới khá to, chỉ cách gầm đường từ 1-2m.

Từ đêm ngày 28-9, Công ty TNHH Một thành viên Công cây xanh Hà Nội đã triển khai trồng hàng cây mới trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.

Cây được trồng cách nhau 7m, có chiều cao từ 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm. Thân cây được chằng chống kỹ càng. Sự việc này ngay lập tức được lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều tờ báo đặt dấu chấm hỏi.

Nhiều người dân và ngay cả một số chuyên gia quy hoạch kiến trúc cũng lên tiếng cho rằng, không nên trồng cây to ngay bên dưới đường sắt trên cao, vì khả năng cây sinh trưởng sẽ chạm gầm, gây mất an toàn cho các tàu đi lại.

Theo ông Vũ Kiên Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội, loại cây được trồng là cây Chiêu Liêu (cây bàng Đài Loan). Việc trồng cây xanh dưới tuyến đường sắt đô thị là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng phê duyệt.

“Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao. Mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh phía dưới đường sắt trên cao là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp trên địa bàn Thủ đô”, ông Trung khẳng định.

Thực tế, cây Chiêu liêu là loại cây có thân trung bình, tán lá đẹp, sinh trưởng chậm, hoàn toàn thích hợp khi trồng dưới gầm đường sắt trên cao.

Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung khẳng định, đặc tính của cây Chiêu liêu là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao. Hơn nữa, hiện Công ty đã được trang bị các loại máy cắt, tỉa cây hiện đại, số cây trồng ở dưới gầm đường sắt đô thị cũng như cây trồng ở dải phân cách các tuyến phố sẽ được khống chế chiều cao hợp lý và cắt tỉa cành gọn gàng, đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông cũng như công trình. 

Theo ông Trung, việc trồng cây dưới đường sắt trên cao cũng như trồng cây trên dải phân cách sẽ tạo ra những không gian xanh, điểm nhấn cho cảnh quan TP. Ông Trung nêu dẫn chứng, một số nước trên thế giới như Nhật Bản cũng trồng cây bên dưới đường sắt trên cao.

Tính đến thời điểm này, Công ty Cây xanh đã trồng được khoảng 200 cây Chiêu liêu dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Đại diện  Công ty TNHH Một thành viên Công cây xanh Hà Nội cho biết thêm, thực hiện trương chình trồng 1 triệu cây xanh của UBND TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Công ty Cây xanh đã trồng mới được khoảng 5.000-6.000 cây xanh trên khắp các tuyến phố, dải phân cách, đồng thời cắt tỉa gọn gàng hàng chục nghìn cây xanh, vừa đảm bảo cảnh quan đô thị, vừa đảm bảo giao thông, tạo bóng mát cho các tuyến phố.

Cây Chiêu liêu có tán đẹp, sinh trưởng chậm

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia cây xanh cũng nhận định, cây Chiêu liêu là thân gỗ, loại trung bình và có tán rất đẹp, là một trong những cây phù hợp với đô thị.

“So sánh giữa tầm vóc của cây xà cừ và Chiêu liêu có thể thấy ngay sự khác biệt rất lớn. Trong khi xà cừ thân to, cao, tán um tùm, dễ bị ảnh hưởng, gãy đổ bởi mưa bão thì Chiêu liêu lại chống chịu tốt hơn nhiều”, ông Hùng đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất, ở TP đang rất thiếu cây xanh như Hà Nội, nếu có thể tận dụng được bất cứ không gian nào trồng thêm cây thì phải trồng ngay. “Cây trồng dưới gầm đường sắt còn có tác dụng bão hòa tiếng ồn và thu hút bụi từ trên cao, giảm thiểu ô nhiễm cho không gian xung quanh”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khẳng định.

N. Yến
.
.
.