Câu chuyện xúc động về tình mẫu tử trong dịp 20-10

Thứ Ba, 17/10/2017, 07:57
Trong khi đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích ngay sau khi xảy ra vụ lở núi ở bản Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, trò chuyện với chúng tôi, rất nhiều người trong lực lượng cứu nạn, cứu hộ nhắc đến cháu bé mới 3 tháng tuổi với tâm trạng đầy ưu tư. Bởi, cháu còn quá bé, mà cả trái núi đổ sập với khối lượng đất đá hàng nghìn tấn. Thế rồi…

1.Hình ảnh thi thể người mẹ vẫn ôm chặt con được phát hiện sau khi những lớp đất đá được bới ra, xúc đi lan truyền với tốc độ chóng mặt trong những ngày qua. Nó gây nên niềm xúc động mạnh trong cộng đồng. Người mẹ đó là chị Bùi Thị Sinh – nạn nhân trong vụ lở núi kinh hoàng đêm 12-10.

Câu chuyện về tình mẹ của chị lấy đi biết bao nước mắt của những người làm con vào đúng dịp kỷ niệm 87 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2017).

Khi đọc báo, biết tin lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể người mẹ đang ôm đứa con 3 tháng tuổi trong tay, trong tôi bỗng trào dâng niềm cảm xúc khó tả. Ngay trong ngày xảy ra vụ lở núi, tôi đã có mặt tại hiện trường và nghe những chia sẻ đầy lo lắng của những người đang nỗ lực cứu nạn, cứu hộ.

Ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cung cấp cho chúng tôi bản danh sách nạn nhân, trong đó có bé Đinh Công Thắng, mới vài tháng tuổi. Ông Sứ không giấu nổi những âu lo trong việc tìm kiếm thi thể bé…

Nhìn khối đất đá khổng lồ sừng sững trước mặt; nhìn chiếc gàu máy múc, cào và xúc từng lớp đất đổ tràn trên mặt ruộng lên bờ; nhìn người lính cứu nạn, cứu hộ xúc từng xẻng đất… tôi càng thấy hy vọng tìm được thi thể của sinh linh nhỏ bé này thật mong manh.

Cơn giận dữ của thiên nhiên thật khó đoán định, lòng mẹ bao la chẳng gì đo cho thỏa. 9h ngày 15-10, sau 4 ngày xảy ra cơn địa chấn kinh hoàng, cháu bé đã được tìm thấy trong vòng tay mẹ. Dẫu nhói lòng nhưng có cái gì đó ấm áp lan tỏa…

Bé đã ra đi trong vòng tay mẹ. Người mẹ, trong lúc sinh tử vẫn ôm chặt con vào lòng. Như muôn vàn phụ nữ đất Việt khác, trong đời thường, chị Sinh hẳn cũng là một người mẹ bình dị. Ở bản Mường bình yên này, mọi người phụ nữ ngày ngày vẫn lên nương. Tối đến bên bếp lửa hồng, họ cùng chồng con quây quần… Cái bình thường trong cái phi thường ở người mẹ, ở những người đang mang thiên chức mẹ là như thế đấy.

2.Câu chuyện về tình mẹ của Thiếu úy Huyền Trâm, Công an Hà Tĩnh cách đây chưa lâu cũng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Nữ chiến sỹ còn rất trẻ, mới rời mái Trường Đại học Cảnh sát chưa lâu và cũng mới lập gia thất với người đồng chí của mình.

Trong khi đang chờ đón đứa con đầu lòng chào đời, cô nhận được tin dữ - Ung thư phổi. Cô đứng trước sự lựa chọn, hoặc là bỏ thai để điều trị bệnh, hoặc là cứ để bệnh tiến triển nếu giữ thai. Trong lúc sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc, cô đã chọn giữ con. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, cô đánh cược sinh mệnh mình.

Đứa trẻ lớn dần trong cơ thể người mẹ đang từng giờ, từng ngày vật lộn với bệnh tật, trong sự thấp thỏm của người thân và trong nỗ lực của các bác sỹ. Đến giờ phút không thể đừng, các bác sỹ phải phẫu thuật lấy thai. Cháu bé chào đời trong niềm vui và những dòng nước mắt tuôn dài của người mẹ.

Cô đã chiến đấu, đã giành giật từng giây, từng phút để cho con được lớn lên trong cơ thể mình. Cô cũng đặt muôn vàn hy vọng vào đứa con trai bé bỏng… Tiếng khóc chào đời của con đã đem lại cho cô nụ cười. Nụ cười đó còn đọng mãi…

Trâm ra đi sau đó không lâu. Cô để lại sự tiếc thương cho gia đình, bạn bè, những người biết và chưa biết cô. Và cô để lại cho đời một câu chuyện về tình mẹ cao cả.

3. Còn rất nhiều những câu chuyện xúc động về tình mẫu tử ở xung quanh ta, ở trong chính trái tim mỗi chúng ta. Ngày này, khi ngoài đường chăng đầy pano khẩu hiệu chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam; khi các cửa hàng hoa tràn ngập những đóa hoa tươi thắm để đón những khách hàng mua làm quà tặng tri ân phái nữ, những câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng làm cho ta thấy, cuộc sống này được tô đẹp hơn. 

Cao Hồng
.
.
.